Trong giai đoạn đối đầu leo thang của cuộc Chiến tranh Lạnh, Liên Xô bí mật triển khai chương trình không gian khiến Mỹ "đứng ngồi không yên". Chương trình này cho phép Moskva có thể liên lạc với các tàu vũ trụ và tàu thăm dò liên hành tinh của mình thông qua một "kênh bí mật ngoài không gian."
Người Mỹ do thám và biết sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, họ không biết tìm nó ở đâu và như thế nào.
Luôn luôn ám ảnh và lo sợ về sức mạnh tiềm ẩn từ vũ khí và công nghệ không gian mà Liên Xô có thể nắm giữ, Mỹ đương nhiên đứng ngồi không yên. Họ đã làm mọi thứ để khai thác "con át chủ bài" mà địch thủ của mình có thể đang bí mật triển khai.
CIA1 cử đi các gián điệp nhằm nghiên cứu chương trình không gian của Liên Xô. Các chuyên gia tình báo tín hiệu thăm dò vô tuyến từ các trạm nghe của Liên Xô đặt tại Bắc Phi và Trung Đông. Các chuyên gia phân tích CIA lùng sục và giải mã những manh mối dù nhỏ nhất từ hình ảnh vệ tinh đến các hoạt động tuyên truyền của Liên Xô, thậm chí là những bình luận trái chiều của các nhà khoa học Liên Xô... Tất cả đều được CIA và NSA2 săn lùng.
Tuy nhiên, trong 21 năm trời đằng đẵng, từ 1962 đến 1983, bí mật vẫn hoàn bí mật.
Chỉ đến khi cuộc Chiến tranh Lạnh tàn canh, và sau những báo cáo của NSA và CIA, bí mật Liên Xô cất giấu một thời nay lại nổi lên, người ta mới hiểu sâu về nhiệm vụ "giải mật Liên Xô" mà 2 cơ quan này thực hiện.
Như James D. Burke, tác giả hai bản báo cáo của CIA, đã thừa nhận trong báo cáo thứ hai của mình rằng 16 năm sau cuộc tìm kiếm 21 năm ấy gói gọn bằng 3 chữ: Đáng kinh ngạc.
Bài viết "Bí mật kế hoạch đánh cắp dữ liệu hành tinh của Liên Xô" của tác giả William Herkewitz (thuộc Đại học California, Mỹ) đăng trên Astronomy.com miêu tả hành trình 21 năm không ngừng "giải mã Liên Xô" của người Mỹ.
Tính đến thập niên 1960, Liên Xô khiến Mỹ choáng váng bởi hàng loạt thành tựu khai phá không gian "vô tiền khoáng hậu", có thể kể đến việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử vũ trụ Sputnik 1 năm 1957; đưa người lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại bay ra ngoài không gian năm 1961...
Chỉ xét riêng sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1 thôi đã khiến Mỹ thực sự lo sợ. Thứ ám ảnh họ không chỉ là việc Liên Xô mở màn rồi dẫn đầu cuộc đua lên không gian, Washington "mất ăn mất ngủ" vì sợ rằng với khả năng phóng vệ tinh, Liên Xô hoàn toàn có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa, đe dọa đến sự an toàn của Mỹ từ khoảng cách hàng ngàn km. Nói rộng ra, Mỹ lo sợ về một Liên Xô chạy đua vũ trang trên không gian, từ đó có thể đe dọa sự an nguy của Mỹ.
Năm 1962, Liên Xô tiếp tục thừa thắng xông lên, chương trình không gian của nước này khiến Mỹ thực sự điên đầu. Vào năm đó, Liên Xô đã phóng Mars 13 - tàu thăm dò liên hành tinh thứ 8 của mình - nhằm quan sát sao Hỏa ở khoảng cách 11.000km. Các thế hệ tàu thăm dò liên hành tinh trước được Liên Xô phóng đi nhằm quan sát sao Hỏa, sao Kim...
Sau khi rời khỏi quỹ đạo Trái Đất và bay ở khoảng cách hơn 106 triệu km so với mặt đất, hệ thống định hướng ăng-ten của Mars 1 hỏng hóc. Trái Đất mất liên lạc hoàn toàn với Mars 1.
Tuy nhiên, trước đó, Mars 1 đã kịp có những liên lạc từ xa ban đầu, theo báo cáo của NSA, Mars 1 đã thực hiện 4 lần dẫn truyền vô tuyến, với các tần số 163, 32, 8, và 5 centimeters.
Ở hai tín hiệu đầu tiên (bước sóng 163 và 32 cm), sau khi được các chuyên gia tình báo tín hiệu Mỹ phân tích, là dạng tín hiệu điều khiển vệ tinh đơn giản và tín hiệu định hướng được sử dụng bởi hầu hết các tàu vũ trụ của Liên Xô.
Tín hiệu thứ ba với bước sóng 8 cm được kính viễn vọng vô tuyến gián điệp của Mỹ đặt gần Liên Xô phát hiện. Tuy nhiên, tần số cực cao này, theo báo cáo của NSA, cơ bản được sử dụng để đo nhật thực.
Tín hiệu cuối cùng là tín hiệu tần số siêu cao (SHF) - bước sóng 5cm - là một bí ẩn chưa thể phân tích, giải mã đối với các chuyên gia Mỹ, theo báo cáo của CIA. James D. Burke cho hay, bí mật của tần số siêu cao này luôn ám ảnh người Mỹ thời đó.
Liệu có phải Liên Xô đang ầm thầm thu nhận các tín hiệu ngoài hành tinh? Tín hiệu tần số siêu cao này đến từ trí thông minh ngoài Trái Đất và Liên Xô hiện đang có nó và đang tiến hành giải mã? Hay nó là tín hiệu được sử dụng để thu nhận các dữ liệu khoa học và hình ảnh chi tiết từ các tàu thăm dò vũ trụ của Liên Xô mà Mỹ chưa từng biết?... Tất cả đều có sức ám ảnh Mỹ cao độ.
Mars 1 - tàu thăm dò sao Hỏa của Liên Xô.
Có thể nói, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bí mật và sự khó nắm bắt đến từ địch thủ (cụ thể là đến từ Liên Xô) khiến nó có giá trị cao nhất trong cuộc đua cân sức-cân não của Mỹ và Liên Xô.
Khi một bên không thể nắm được sức mạnh mà bên kia chiếm giữ, nỗi sợ tự nhiên dâng cao mạnh mẽ. Việc phát hiện tín hiệu tần số cực cao mà không thể giải mã khiến CIA và NSA "mất ăn mất ngủ".
Washington vốn đã ám ảnh sức mạnh không gian của Liên Xô, lại càng thêm sốt sắng. Liên Xô đang che giấu điều gì? Họ đang thực hiện kế hoạch gì? Và kế hoạch đó tác động xấu đến Mỹ như thế nào?... chính là những vấn đề mà Mỹ điên đầu.
Thời gian sau khi Mars 1 phóng đi là kỷ nguyên điên cuồng của các sứ mệnh không gian của Liên Xô: Tàu thăm dò Mặt Trăng đã đổ bộ thành công; trạm vũ trụ đầu tiên trong lịch sử được phóng vào quỹ đạo Trái Đất; các tàu thăm dò sao Hỏa và sao Kim đã gửi những dữ liệu/hình ảnh ban đầu cho Liên Xô...
Vậy mà, ngoài thành tựu đưa người đổ bộ thành công đầu tiên lên Mặt Trăng năm 1969, Mỹ vẫn chưa có nhiều thành tựu không gian đột phá. Một phần cũng bởi, CIA và NSA "rút ruột rút gan" để giải mã tín hiệu tần số siêu cao bí ẩn kia.
Vào tháng 6/1983, Liên Xô đã phóng hai tàu thăm dò mới tới sao Kim: Tàu vũ trụ Venera 15 và Venera 16. Sau chuyến đi kéo dài 4 tháng tới hành tinh chị em của Trái Đất, cả hai tàu vũ trụ đều có nhiệm vụ quét hình ảnh sao Kim, một nhiệm vụ mà Mỹ cũng đã lên kế hoạch nhưng cho một nhiệm vụ không gian cho năm 1988.
Tài liệu báo cáo của NSA cho biết, khi Liên Xô đang thực hiện sứ mệnh sao Kim, người Mỹ đã phát triển công cụ mới - một hệ thống được thiết kế dành riêng cho việc thu thập các tín hiệu từ không gian sâu thẳm.
Đó chính là SETI - Chương trình Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất - một đột phá của NASA nhen nhóm từ những năm 1970.
Thiết bị RFI của Mỹ. Nguồn: NRAO/AUI/NSF
Đến đầu thập niên 1980, các nhà khoa học của SETI đã phát triển hệ thống công cụ tìm kiếm cực kỳ tân tiến, có tên Giao thoa tần số vô tuyến (RFI), gồm máy thu, máy phân tích phổ và máy tính, có thể quét hàng chục ngàn tần số sóng vô tuyến riêng lẻ cùng một lúc, báo cáo tài liệu NSA.
Thiết bị RFI tỏ ra là công cụ hữu ích để dò tìm các tín hiệu không xác định ngoài Trái Đất... cũng như đen đến khả năng giải mã tín hiệu bước sóng 5cm mà Liên Xô nhận được trong sứ mệnh Mars 1.
Với sứ mệnh thăm dò sao Kim Venera 15 và Venera 16 của Liên Xô, Mỹ hy vọng sẽ nghe ngóng được những tín hiệu tần số siêu cao tương tự, từ đó, có thể hiểu bí mật mà tần số vô tuyến bước sóng 5cm trước kia khiến họ đau đầu.
Để làm được điều đó, Mỹ bí mật chở RFI đến một địa điểm dọc theo kinh tuyến Crimea để nghe ngóng động tĩnh từ Liên Xô.
Ngày 14/10/1983, Venera 15 và Venera 16 đã thực hiện hành trình thành công đến sao Kim. Người Mỹ sẵn sàng "nghe lỏm" tín hiệu liên hành tinh mà Liên Xô có thể nhận được từ các tàu của họ.
Tuy nhiên, RFI vẫn không nhận được tín hiệu nào. Mỹ bắt đầu nghi ngờ tính hiệu quả của RFI. Trung tâm Hàng không và Tên lửa quốc phòng đặc biệt của Mỹ - nơi điều phối nhiệm vụ gián điệp này - vẫn kiên trì với nỗ lực "đánh cắp" tín hiệu vô tuyến từ sứ mệnh thăm dò sao Kim của Liên Xô.
RFI đã bắt được tín hiệu. Lúc 6:35 sáng, Trung tâm Hàng không và Tên lửa quốc phòng đặc biệt gửi một tin nhắn đến Washington với nội dung: "Chúng ta đã "bắt" được nó. Sứ mệnh "giải mã Liên Xô" kéo dài 21 năm kết thúc!"
Dù cả CIA và NSA không công bố chi tiết nội dung sứ mệnh giải mã tín hiệu tần số siêu cao kia và nói rằng, người Mỹ nhận được rất ít lợi ích từ việc này. Tuy nhiên, báo cáo cho hay, việc bỏ ra 21 năm dài đeo đuổi tín hiệu SHF mà Liên Xô từng có được đã gián tiếp cho ra đời Viện SETI mà NASA vẫn còn sử dụng đến tận ngày nay trong hành trình tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất.
21 năm đằng đẵng mà CIA và NSA bỏ ra để giải mã một tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ vũ trụ mà Liên Xô có được cho thấy người Mỹ thực sự nghiêm túc coi trọng tiềm năng sức mạnh của địch thủ của mình.
Dù kết quả có thể nào, thì ít ra với họ (Mỹ), một trong những bí ẩn bao quanh Liên Xô đã ngã ngũ!
Chú thích:
(1) CIA: Cục tình báo trung ương Mỹ
(2) NSA: Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ
(3) Mars 1: Còn được gọi là 1962 Beta Nu 1, Mars 2MV-4 và Sputnik 23.
Đọc các tài liệu khác về Liên Xô và Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, tại ĐÂY.
Bài viết sử dụng nguồn: Astronomy.com