Giải mã vụ tàu Trung Quốc bám đuổi tàu Nga trên biển Hoa Đông

Bình Giang |

Việc tàu hải quân Trung Quốc bám theo tàu chiến của Nga ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là để theo dõi, không phải để tập trận chung, một chuyên gia quân sự nhận định.

Giải mã vụ tàu Trung Quốc bám đuổi tàu Nga trên biển Hoa Đông - Ảnh 1.

Khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Ngày 5/7, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin 2 tàu của Nga và Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển gần quần đảo Senkaku, nơi Tokyo đang quản lý nhưng Bắc Kinh cũng có yêu sách và gọi là Điếu Ngư.

Sự việc xảy ra khi Trung Quốc và Nga đang thể hiện sự đoàn kết trước áp lực từ phía Mỹ và các đồng minh. Hai nước điều máy bay ném bom chiến lược đến khu vực Biển Nhật Bản hồi tháng 5.

Tuy nhiên, lần này nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với Kyodo rằng tàu khu trục của Trung Quốc được điều ra để xua đuổi tàu Nga.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói đó là "nỗ lực rõ ràng nhằm thể hiện với các bên khác rằng Bắc Kinh có chủ quyền ở nhóm đảo do Tokyo kiểm soát", bằng cách "đuổi và giám sát hoạt động của chiến hạm Nga" ở khu vực.

Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, đồng ý rằng vụ việc này "không liên quan đến hợp tác Nga – Trung".

"Quân đội Trung Quốc không cử bất kỳ tàu chiến nào để lập đội chung với tàu Nga vào thời gian này", ông Zhou, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Công nghệ quân sự Yun Wang, nói với SCMP.

"Chiến hạm Nga là tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển Điếu Ngư/Senkaku, vì thế tàu khu trục Trung Quốc cần ngăn chặn và theo dõi. Hải quân Trung Quốc luôn làm như vậy với các tàu nước ngoài", ông Zhou lý giải.

Chuyên gia này cho rằng việc Trung Quốc điều tàu ra can thiệp là để ngăn ngừa hiểu nhầm và đánh giá sai, vì "chiến hạm Nga đáng lẽ phải thông báo cho Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển nhạy cảm".

Vụ việc khiến Nhật Bản gửi phản đối đến Trung Quốc, cùng với việc hai tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu của Trung Quốc đã hiện diện ở vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 81 ngày liên tục.

Tokyo không phản đối Mátxcơva vì Nga không có yêu sách đối với nhóm đảo, và tàu khu trục Nga có vẻ đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của nhóm đảo để tránh bão, Kyodo đưa tin.

Cheung Mong, phó giáo sư Trường Quốc tế học thuộc ĐH Waseda ở Nhật Bản, cho rằng việc tàu chiến Nga đi vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư càng khiến khu vực thêm phức tạp.

"Đã có hàng loạt cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nhật trong 2 tháng qua. Bước đi của Nga khiến Nhật lo ngại rằng Bắc Kinh và Mátxcơva có thể bắt tay nhau để gây thêm sức ép với Tokyo trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư", ông Cheung nói.

Ni Lexiong, chuyên gia tại ĐH Khoa học chính trị Thượng Hải, cho rằng sự hiện diện của tàu chiến Nga ở khu vực quần đảo là để gửi tín hiệu đến Tokyo.

"Dù tàu Nga có chủ ý vào vùng biển Điếu Ngư/Senkaku hay không thì lần này cũng đã gửi tín hiệu đến Tokyo: Nhật Bản là kẻ thù chung của cả Nga và Trung Quốc", ông Ni nhận định.

Tuy nhiên, cả hai ông Zhou và Cheung đều cho rằng Bắc Kinh sẽ không để bên thứ ba can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại