Giải mã việc Triều Tiên thay loạt quan chức quốc phòng cấp cao

Diệu Hương |

Động thái thay 3 tướng lĩnh quân đội hàng đầu bằng những gương mặt trẻ và ôn hòa hơn dường như là tín hiệu “đèn xanh” Triều Tiên gửi tới Mỹ.

Đang có ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên và Mỹ tìm cách tạo bầu không khí hòa giải trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh được đặt nhiều kỳ vọng giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12/6 tới.

Triều Tiên muốn loại bớt tiếng nói phản đối nội bộ

Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản dẫn một nguồn tin giấu tên thông thạo tình hình tại Bình Nhưỡng ngày 3/6 cho biết, Triều Tiên vừa chỉ định một Bộ trưởng Quốc phòng được cho là ôn hòa hơn trong một nỗ lực nhằm gạt bớt những ý kiến phản đối có thể có ngay trước cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử với Mỹ.

Ông No Kwang-chol, người đứng đầu Ủy ban kinh tế thứ hai của Đảng Lao động Triều Tiên (giám sát vấn đề tài chính cho quân đội) kiêm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Các lực lượng Vũ trang Nhân dân Triều Tiên đã được chọn thay thế Bộ trưởng Pak Yong-sik. Ông Pak Yong-sik giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng của Triều Tiên kể từ tháng 5/2015 và chính là người tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) ngày 27/4/2018.

“Việc đưa những nhân vật ôn hòa lên rõ ràng là nhằm kiềm chế những ý kiến phản đối có thể xuất hiện trong giới quân đội vì kế hoạch giải giáp hạt nhân của Triều Tiên” – báo Asahi Shimbun bình luận.

Asahi dẫn một số chuyên gia cho rằng, nếu đạt được một thỏa thuận với Mỹ về giải giáp hạt nhân, Triều Tiên có thể bị buộc phải giảm quy mô quân đội xuống còn 1,1 triệu binh sỹ, trong đó đã bao gồm bộ phận phụ trách vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Tờ báo của Nhật Bản cũng thông tin rằng, ông Ri Myong-su, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã bị thay thế.

Trong bộ máy quân đội của Triều Tiên, Tổng cục Chính trị chịu trách nhiệm đưa ra đường lối cho quân đội còn Tham mưu trưởng có nhiệm vụ giám sát các chiến dịch chiến đấu. Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên quản lý hành chính chung và điều phối hậu cần.

Hồi tháng 5 vừa qua, Tướng Kim Su-gil, người từng giữ chức Thị trưởng Thủ đô Bình Nhưỡng, cũng đã thay thế ông Kim Jong-gak làm Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội.

Cả 2 ông No Kwang-chol và Kim Su-gil đều được cho là những nhân vật khá ôn hòa trong quân đội Triều Tiên.

Hay còn vì lý do nào khác?

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng động thái lần này của Triều Tiên không phải là nhằm thay thế những nhân vật theo đường lối cứng rắn bằng những người ôn hòa hơn mà là để thúc đẩy bước chuyển đổi của chính quyền từ tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân sang phát triển kinh tế.

“Tôi nghĩ rằng sự xáo trộn này là nhằm thúc đẩy chiến lược nội bộ tập trung vào kinh tế” – ông Kim Dong-yub, giáo sư Viện Viễn Đông thuộc trường Đại học Kyungnam nhận định. “Nhiều khả năng ông No Kwang-chol được chọn là vì sự trung thành với Kim Jong-un hoặc sự thấu hiểu của ông về chính sách của nhà lãnh đạo này”.

Phía Triều Tiên thì khẳng định rằng đây là “đường lối chiến lược của Đảng Lao động Triều Tiên nhằm tập trung mọi nỗ lực của toàn đảng và cả đất nước vào xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” tại phiên họp toàn thể của đảng hồi tháng 4 vừa qua.

Lời hồi đáp từ Washington

Về phía Mỹ, những người vốn có cái nhìn khắt khe với Triều Tiên cũng đã không tháp tùng Tổng thống Donald Trump khi ông tiếp Phó Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, thân tín hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tại Nhà Trắng mới đây. Trong chuyến thăm Washington để chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên này, ông Kim Yong-chol đích thân mang theo một lá thư từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi Tổng thống Donald Trump.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Phó Tổng thống Mike Pence – 2 nhân vật được cho là theo phái “diều hâu” trong vấn đề Triều Tiên – đều không có mặt trong cuộc gặp trên. Hai quan chức cấp cao này của Mỹ cho rằng Triều Tiên nên học theo mô hình phi hạt nhân hóa của Libya và điều đó khiến Bình Nhưỡng nổi giận, kéo theo hàng loạt tuyên bố đe dọa hủy cuộc gặp với Mỹ.

Có thể nói Libya là bài học xương máu cho Triều Tiên. Libya tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân năm 2003 để đổi lấy việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt bao vây nước này và bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng kết cục là nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị giết năm 2011 bởi lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.

Gần đây, Tổng thống Donald Trump được cho là thể hiện ông “giữ khoảng cách” với đề xuất về “hình mẫu Libya” trong một động thái trấn an Triều Tiên. Động thái này làm dấy lên những đồn đoán rằng vị trí của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong đội ngũ chính sách đối ngoại của ông Trump đang yếu dần./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại