Tại Mỹ đang bùng lên một đại dịch, biến tất cả hươu, nai trở thành các 'xác sống', đã lan tới 24 bang . Nguy hiểm hơn, các chuyên gia nói rằng bệnh dịch này rất có thể sẽ biến thể để lây sang người!
Bệnh này thực chất không mới, có tên gọi khoa học là 'Chronic wasting disease (CWD)', một bệnh tấn công vào hệ thống thần kinh của hươu và nai được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 60 của thế kỉ trước.
Giống bệnh bò điên, CWD được phát tán bởi các protein nhiễm bệnh (gọi là prion), có các triệu chứng là mất trí nhớ, ảo giác, rồi cuối cùng dẫn tới tử vong. Bệnh này hiện đang phát tán nhanh chóng, nhờ vào những người nông dân nuôi và buôn bán các động vật có móng guốc như hươu, nai và nai sừng tấm.
Peter Larsen là một trợ lí tiến sĩ của trường đại học Minnesota đã nghiên cứu bệnh dịch này từ rất lâu. Anh cho rằng các con hươu, nai bị bệnh có thể trong hoang dã, hoặc là những con được nuôi để đem đi sở thú, tụ điểm săn bắn hoặc các trang trại khác. Chính vì thế mà bệnh này không chỉ có mặt ở Mỹ, mà đã có những trường hợp lây bệnh ở Hàn Quốc, Canada và Na-Uy.
Các chuyên gia hiện vẫn đang tìm hiểu xem bệnh CWD có thể lây qua người qua các prion được hay không? Điều này rất có thể xảy ra, khi một nghiên cứu được đăng trên tờ 'Những bệnh dịnh mới nổi' của các nhà khoa học Scotland và Canada cho thấy prion của động vật mắc bệnh có thể gây ảnh hưởng tới tế bào người trong đĩa thí nghiệm.
Song từ đó đến nay, vẫn chưa có ca nào xuất hiện biểu hiện của bệnh CWD, mặc dù đã có người ăn cả thịt của nai bị mắc bệnh. Nhưng các thí nghiệm này cũng làm Michael Osterholm, trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm của đại học Minnesota cảm thấy lo lắng.
Ông Osterholm cũng chính là người đã khuyến cáo chính phủ anh về dịch Bò điên trước khi nó lây nhiễm sang hàng trăm người ở Anh vào những năm 90. Trong một cuộc gặp mặt với các cử chi của bang Minnesota vào đầu tháng 2, ông đã nói rằng việc bệnh CWD có thể lây sang người là 'rất có thể'.
"Chúng ta không nên để tới 10 năm sau mới nhận ra sai lầm của mình. Phải có những nghiên cứu kĩ lưỡng và tìm ra cách điều trị từ ngay bây giờ".
Theo anh Larsen, thì mọi người không nên có tâm lí lo lắng, nhưng cũng cần phải có công tác chuẩn bị để phòng ngừa. Mọi người không nên ăn thịt của các con vật đã bị bệnh, mặc dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu để kiểm nghiệm chính xác bệnh CWD.
Có lẽ ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về bệnh dịch này qua 6 ý chính dưới đây.
1. Tại sao lại gọi bệnh này là 'hươu zombie' hay 'xác sống hươu'?
Các nhà khoa học vẫn không hiểu cái tên 'hươu zombie' đến từ đâu, vì như đã đề cập bệnh này có tên khoa học là 'Chronic wasting disease (CWD)', lần đầu tiên được tìm thấy ở một trang trại cùa vùng Colorado, Mỹ vào những năm 60.
Bệnh này lây quá protein prion, chứ không phải qua virus và vi khuẩn. Protein này rất khó có thể phá hủy, và có khả năng kích hoạt tế bào ở não và tủy sống khiến chúng đóng cục hoặc 'gấp khúc' lại.
Khi mắc bệnh, động vật sẽ bị mất trí nhớ, gặp ảo giác, làm những việc đơn giản như đi lại hoặc ăn uống cũng khó khăn. Vì bệnh này không có thuốc chữa, nên luôn luôn dẫn đến cái chết!
Mọi người gọi bệnh này là 'hươu zombie' vì khi bị mắc, con vật thường không ăn uống được nên gầy đi và luôn trong tình trạng như bị say. Các prion có hại gần như làm cho não của hươu, nai trở thành 'một miếng Phô mai Thụy Sĩ' vậy.
Nhưng cái tên này là không đúng, và có thể làm nhiều người hiểu nhầm về bệnh. Những con hươu bị mắc bệnh không nhìn giống những con xác sống trong phim ảnh, chúng chỉ gầy, yếu đi và cuối cùng chết, không khác gì khi mắc những bệnh khác. Đây là một bệnh thoái hóa thần kinh, chứ không phải những gì giống với phim ảnh Hollywood.
2. Nó lây truyền như thế nào?
Các prion gây bệnh được lây lan giữa các con bệnh bằng các loại dịch trong cơ thể, trong đó bao gồm phân, nước dãi, nước tiểu và máu. Ví dụ, một con hươu mắc bệnh bị thương và nhỏ máu xuống đất, thì những con hươu khỏe cũng có thể bị dính khi ăn cỏ ở vùng đất đó.
Điểm nguy hiểm của các bệnh liên quan đến prion đó là chúng sống rất dai, có thể chống chịu được môi trường mạnh mẽ hơn virus và vi khuẩn. Ví dụ một con nai chết đi, thì prion có thể ngấm xuống đất, sau đó được những cây cối hút lên qua nước và đưa vào lá.
3. Nó lây tới người như thế nào?
Hiện vẫn chưa có trường hợp nào được ghi nhận về con người bị mắc CWD, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng trong tương lai bệnh này có thể bị biến thể để lây nhiễm con người và các động vật khác.
Ở ngoài hoang dã, CWD chỉ ảnh hưởng tới các động vật có móng guốc, nhưng trong phòng thí nghiệm các nhà khoa học đã có thể phát hiện được triệu chứng của CWD ở khỉ, chuột bạch, sóc. Một số loài linh trưởng có DNA rất gần với con người cũng đã bị mắc bệnh.
Anh Larsen chia sẻ: "Các thí nghiệm được diễn ra theo dạng thụ động, tức là các động vật được thí nghiệm chỉ được đặt chung với các mẫu vật bị nhiễm bệnh, chứ không bị tiêm trực tiếp prion, nhưng cuối cùng cũng tìm thấy các triệu chứng của CWD".
Trong một thử nghiệm mới nhất, các nhà khoa học đã có thể làm prion CWD nhiễm vào tế bào của người trong đĩa thí nghiệm. Nhưng một vài thí nghiệm khác lại nói rằng có một vài người ăn thịt nai có nhiễm prion từ năm 2005, nhưng đến nay không hề có biểu hiện bất thường gì.
Có nhiều giả thiết cho trường hợp này, có thể prion họ ăn phải không đủ mạnh để tạo ra triệu chứng, có thể dịch CWD không ảnh hưởng tới người, hoặc cũng có thể họ đã phát bệnh, nhưng chưa đủ nghiêm trọng để thấy được.
Tuy vậy tổ chức CDC (Trung tâm phòng chống bệnh truyền nhiễm) cũng nói rằng những thí nghiệm này "cho thấy bệnh CWD rất có thể gây nguy hại tới sức khỏe cộng đồng trong tương lai, và ta phải tìm cách phòng ngừa ngay từ bây giờ".
Một điểm đáng lo ngại là các prion của bệnh CWD không thể bị loại trừ trong quá trình đun nấu, vì chúng là các protein bền chắc, vẫn tồn tại kể cả khi thịt đã bị chín.
Cách duy nhất để phá hủy prion này đó là sử dụng 'lye' một hóa chất kiềm mạnh có khả năng thay đổi chỉ số pH một cách nhanh chóng, kết hợp cùng nhiệt độ khoảng 270 Fahrenheit.
Đa phần mọi người không biết về cách tẩy rửa này, và cũng không phải ai cũng có hóa chất ở nhà để có thể thực hiện. Hơn nữa, cũng không ai biết được vùng đất nào đã bị nhiễm để có thể thực hiện tẩy rửa.
4. Dịch này đang có mặt tại những bang nào của Mỹ?
Hươu chỉ có thể được chẩn đoán sau khi chúng đã chết, bằng cách lấy mẫu từ sâu trong não để kiểm tra. Nhưng động vật mắc bệnh cũng có thể không chết, mà đem gen bệnh trong hàng nhiều năm trời mà không có các biểu hiện bên ngoài.
"Một con hươu có thể di chuyển tới 40 dặm, đem prion lây bệnh đi khắp nơi qua đường nước tiểu và phân. Vậy nên những bang được xác định có bệnh chỉ là những nơi có động vật bị chết, chứ không biểu thị được những nơi có nguy cơ phát bệnh cao."
Theo các báo cáo từ tháng 1 năm nay, thì có 251 thuộc 24 bang của Mỹ đã xuất hiện bệnh CWD, được biểu thị trong bản đồ phía dưới:
CDC nói rằng một vài bang có khả năng phát hiện bệnh tốt hơn, một số thì lại không làm được điều này, nên rất có thể biểu đồ trên chỉ biểu thị những bang có dịch vụ thú y tốt nhất mà thôi. Rất có thể có những bang có bệnh dịnh, nhưng hoặc là mới chỉ có prion lây bệnh trong tự nhiên chứ chưa có các vụ tử vong, hoặc có hươu nai chết những không được phát hiện.
5. Ta có thể ngăn chặn được dịch lây lan không?
Hiện nay chưa có thuốc chữa hữu hiệu cho bệnh dịnh này, nên các chuyên gia khuyến cáo những bang đã phát hiện có dịch thì lập tức cách li những con vật nghi bị lây nhiễm. Nhưng quả thực, những công cụ để phát hiện bệnh dịch CWD hiện nay đang rất hạn chế, và không phải lúc nào cũng chính xác. Vì lí do này, nhiều người cho rằng bệnh đang lây lan mà không có sự hay biết của chính quyền.
Ông Osterholm chia sẻ: "Chúng ta cần những bài thử nghiệm bệnh dịch với những con hươu nai được giết mổ, để người dân biết được thịt mình đang ăn có bị nhiễm CWD hay không".
Jeremy Schefers, một nhà thú y học của trường đại học Minnesota cũng đã đề nghị những nhà làm luật tại bang mình cấp kinh phí, để các nhà khoa học có thể tạo ra những công cụ phát hiện dịch hiệu quả hơn. Sau đây là những chia sẻ của ông với Minnesota Post:
Chúng ta phải tìm những con vật bị bệnh trước khi chúng chết, cũng như cách mà chúng phát tán prion gây bệnh vào môi trường. Hiện chưa có công cụ nào để làm được cả 2 công tác đó.
Chúng ta phải tìm được nhà giết mổ có thịt bị bệnh để có thể thực hiện làm sạch. Chúng ta cần phải tìm hiểu được cách prion này di chuyển trong đất và cây cối như thế nào. Nhưng hiện nay cũng không có công cụ nào để làm được việc đó.
Tất cả các thợ săn phải có được công cụ để biết được con vật mình bắn hạ có bị bệnh hay không trước khi cắt nó ra làm hàng trăm miếng để ăn hoặc bán cho hàng trăm gia đình khác. Và điều đáng buồn, là giờ ta cũng không có công cụ để cung cấp cho họ!
6. Làm thế nào để tự bảo vệ bản thân và vật nuôi?
Các nhà chức trách quan ngại nhất về tình trạng săn bắn, khi các thợ săn có thể bị lây nhiễm, hoặc phát tán prion CWD lây bệnh. Chính vì vậy, với những ai đi săn cần phải tuân thủ những quy định sau:
- Không săn, đến gần những con hươu, nai ốm yếu hoặc có những biểu hiện lạ.
- Khi giết mổ động vật phải đeo găng tay cao su, tránh động vào não và tủy sống của động vật bằng tay không.
- Đem thịt của hươu, nai đi kiểm tra kĩ lưỡng trước khi đem bán hoặc ăn. Nhưng như đã đề cập, những công cụ hiện nay chưa có độ chính xác cao, nhưng cũng tốt hơn là không đem đi kiểm nghiệm.
- Khi đem thịt cho những lò mổ, hỏi kĩ xem họ giết mổ từng con hay làm nhiều con một lúc. Vì prion CWD có thể bị lây nhiễm từ miếng thịt con này sang con khác.
Vậy đối với những người khác thì sao? Khi đi ăn ở nhà hàng, hãy hỏi kĩ nguồn gốc của miếng thịt mình đang ăn, hoặc nên tránh thịt hươu, nai trong thời gian này. Lại một lần nữa cũng phải nhắc lại, các công cụ kiểm nghiệm hiện nay chưa có độ chính xác cao, hơn nữa không phải nhà hàng nào cũng đem đi thịt để kiểm tra cả.
Anh Larsen nói: "Nếu như bạn là một thợ săn và bắn được một con hươu để cho gia đình ăn hoặc bán, liệu bán có đợi tới 2 tuần để nhận được kết quả kiểm tra hay không? Trong lúc đó, làm thế nào để đảm bảo được thịt con tươi sống?".