Mỹ: Máy bay F-22 và F-35 không đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu

Tuấn Sơn |

Trong buổi điều trần trước Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Mỹ ngày 18-7, ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định, các đơn vị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Không quân Mỹ không đảm bảo tình trạng sẵn sàng chiến đấu trên 80% so với quy định.

Theo lời ông Mark Esper, các đơn vị máy bay chiến đấu tân tiến của Quân đội Mỹ chỉ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu khoảng gần 70%. Tình trạng trên xảy ra do quá trình bảo trì, bảo dưỡng các dòng máy bay thế hệ thứ 5 này quá phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Hiện tại, các máy bay F-22 đang có vấn đề với việc duy trì lớp phủ tàng hình để hoạt động. Lý do này khiến số lượng các máy bay F-22 ở chế độ sẵn sàng chiến đấu không đảm bảo so với yêu cầu. Ngoài ra, căn cứ không quân Tyndall, nơi triển khai chính các đơn vị F-22 bị cơn bão Michael tàn phá cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình bảo trì máy bay F-22 bị đình trệ.

Mỹ: Máy bay F-22 và F-35 không đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu - Ảnh 1.

Để có được khả năng tàng hình, máy bay F-22 và F-35 cần quy trình bảo dưỡng đặc biệt vừa tốn kém, lại mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, máy bay F-35 lại gặp vấn đề với khoảng cabin lái và phụ tùng thay thế. Lớp phủ tàng hình trên kính lái của máy bay F-35 không đảm bảo chất lượng, dễ bong tróc khiến việc bảo trì phải tiến hành nhiều hơn dự kiến.

Văn phòng Kiểm toán Mỹ cho biết, hãng chế tạo Lockheed Martin đã tìm nhiều cách khắc phục vấn đề phát sinh trên máy bay F-35, thậm chí là tính tới phương án thay đổi thiết kế máy bay.

Hiện tại, thời gian trung bình để bảo dưỡng mỗi máy bay F-35 cần tới 6 tháng hay 188 ngày. Con số này cao hơn nhiều so với con số quy định là 60-90 ngày.

Khi còn tại vị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng đặt ra thời hạn tới tháng 9-2019, Không quân và Hải quân Mỹ phải nâng khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không quân chiến thuật F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet, F-22 Raptor và F-35 Lightning II lên trên 80%. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt với các dòng máy bay F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet.

Quân đội Mỹ đang gặp vấn đề với việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không quân. Trong khi các máy bay cũ chưa thể được thay thế đặt gánh nặng về chi phí bảo trì, thì các dòng máy bay chiến đấu tương lai lại chưa đủ tin cậy.

Vấn đề trên kết hợp với việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Lầu Năm góc trong vài năm qua đã khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các Không quân và Hải quân Mỹ không đảm bảo như yêu cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại