Cá leo cây (cá thòi lòi hay cá lác ngoách) có tên khoa học là Periophthalmus variabilis, thuộc họ bống trắng, là loài động vật lưỡng cư, có hình thù gần giống với cá bống sao nhưng da xù xì và hai mắt lồi to trên chóp đầu.
Cá leo cây được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực cửa sông và vùng ven biển nhiệt đới như Ấn Độ, Australia hay khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam... Tổng cộng có 32 loài cá thòi lòi sinh sống trên Trái Đất.
Tại Việt Nam, cá leo cây xuất hiện nhiều ở những ven biển vùng bùn đất ngập mặn như Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau và vùng biển phía bắc Ninh Bình.
Tổ chức Sinh vật thế giới nhận định cá leo cây là một trong 6 loài vật "kỳ lạ nhất hành tinh". Chúng có thể sống dưới nước, trong bùn lầy hoặc chạy nhảy trên cạn, thậm chí còn leo cây khi đi kiếm thức ăn. Mỗi con trưởng thành dài 10-15 cm, to bằng ngón tay.
Cá thòi lòi sống phổ biến dọc bãi lầy ở cửa sông, bãi biển nhiều bùn, có mực nước ngập sâu không quá 2m. Thòi lòi thường đào hang dưới lớp bùn sâu 20-30 cm để cư trú, mỗi hang có vài con. Khi thủy triều rút, chúng sẽ chui ra khỏi hang kiếm ăn.
Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Edinburgh đã quan sát loài cá này trong vòng một tháng ở môi trường sống tự nhiên ở khu vực Mang Khang, Trung Java, Indonesia.
Qua nghiên cứu , họ đã phát hiện ra một phương pháp vận động hoàn toàn mới ở cá, sử dụng cơ thể để phóng về phía trước khi lướt qua mặt nước. Trong khi thực hiện điều này, những con cá đã đạt tốc độ khoảng 1,7m/s.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã ghi hình con cá rời khỏi bờ để nhảy trên mặt nước, phóng qua mặt nước và nhảy từ mặt nước vào bờ.
Theo phân tích từng khung hình, để cá thòi lòi có thể nhảy ra khỏi mặt nước là nhờ chuyển động zig zag rất nhanh từ đuôi cá. Đuôi cá được sử dụng gần giống như một cánh quạt, giúp con cá thòi lòi có thể tự đẩy chính mình lên và rời khỏi mặt nước.
Khi con cá hạ cánh lần nữa, nó ngay lập tức bắt đầu đập đuôi để không bị chìm xuống dưới bề mặt nước, và rồi một lần nữa nó lại tự đẩy mình lên không trung.
Các nhà nghiên cứu dành thời gian quan sát vài loài cá thòi lòi khác nhau và P. variabilis là loài duy nhất vừa trèo cây vừa nhảy trên mặt nước. Đây cũng có thể là cách chạy trốn của chúng. Cá thòi lòi còn có khả năng ngoặt gấp để đổi hướng trong lúc nhảy, hé lộ cách chúng định hướng thông qua quan sát.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu lên kế hoạch phân tích da của cá thòi lòi và so sánh với những loài cá không biết trèo cây hoặc nhảy trên mặt nước.
Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể ứng dụng những quan sát ở cá thòi lòi vào phát triển robot.