Giải mã kế hoạch rút quân "từ từ" của ông Trump: Rốt cuộc Mỹ đi hay ở lại Syria?

Quốc Vinh |

Tưởng chừng như Mỹ đã quyết định rút quân thực sự nhưng Tổng thống Trump lại đang khiến cho màn sương bao phủ về chính sách Syria của ông ngày càng thêm bí ẩn.

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã chỉ trích chính sách Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hơn một tuần qua cho đến khi ông gặp tổng thống tại Nhà Trắng vào cuối tuần trước.

Tại đây, ông nói đã được Tổng thống Trump trấn an rằng: Bất kỳ sự rút quân nào từ Syria sẽ không dẫn đến việc Iran lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại, và các đồng minh người Kurd của Mỹ đã được bảo vệ.

Ở thời điểm hiện tại, một số báo cáo chỉ ra rằng, Mỹ đã cho phép tiến trình rút quân khỏi Syria sẽ kéo dài "trong nhiều tháng", trái ngược với mốc thời gian 30 - 100 ngày cụ thể.

Điều này trái ngược với bài phát biểu của ông Trump tại căn cứ không quân Al-Asad ở Iraq vào ngày 26/12, nơi ông nhấn mạnh rằng ông sẽ đưa quân đội về nước trong thời gian sớm. Tổng thống đã kiên quyết với điều này kể từ khi ra quyết định ngày 19/12 trong việc chấm dứt sự can dự của Mỹ vào Syria.

Dòng thời gian mới được báo cáo sẽ là trong khoảng 120 ngày; ông Trump nói rằng Mỹ sẽ "từ từ" đưa quân đội về nước.

Cũng có những câu hỏi mới về việc phối hợp rút quân của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Trump tuyên bố vào ngày 23/12 rằng việc rút quân của Mỹ phối hợp chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giải mã kế hoạch rút quân từ từ của ông Trump: Rốt cuộc Mỹ đi hay ở lại Syria? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump.

Quân Chính phủ Syria tuyên bố sẽ gửi lực lượng tới Manbij, thành phố nơi Mỹ có lực lượng hoạt động và được điều hành bởi một hội đồng địa phương liên kết với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đối tác chính của Mỹ trên mặt đất.

Trong khi đó, SDF và YPG lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào Manbij, được hỗ trợ bởi lực lượng đối lập Syria. Một số lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn là những kẻ cực đoan và người dân địa phương sợ họ.

Chính quyền Syria dường như đang đi đến giải cứu, nhưng sẽ có một sự bối rối cho Mỹ ở đây khi họ bị coi là bàn giao một phần khu vực đất nước cho chính quyền mà từ trước đến nay luôn phản đối.

Damascus cũng là đồng minh với Iran, vì vậy điều đó có nghĩa là Mỹ đang chuyển khu vực này sang cho một đồng minh của Iran, trái ngược với chính sách mà Washington đã tiến hành trong suốt năm 2018.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một phái đoàn cấp cao đến Moscow vào 29/12, bao gồm bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng, cố vấn tổng thống và giám đốc tình báo. Về cơ bản, Ankara đã gửi mọi quan chức chủ chốt để thảo luận với Nga - một đồng minh của chính quyền Syria – về cách phối hợp trong việc Mỹ rút quân.

Nói tóm lại, chính Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mới đang là những người thảo luận chính về việc Mỹ rút quân chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ như ông Trump đã hứa.

John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, hiện đang lên kế hoạch cho một chuyến đi đến khu vực - cùng với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford và đặc phái viên Syria James Jeffrey - để thảo luận về việc rút quân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Giải mã kế hoạch rút quân từ từ của ông Trump: Rốt cuộc Mỹ đi hay ở lại Syria? - Ảnh 2.

Mỹ sẽ rút quân "từ từ" ở Syria.

Theo Kevin Liptak của CNN, chỉ có ông Bolton sẽ tới Israel chứ không phải toàn bộ phái đoàn. Điều này xuất hiện ngay sau các báo cáo rằng, Israel đã tìm cách thuyết phục ông Trump làm chậm việc rút quân.

Chính sách Mỹ vẫn đang nằm trong màn sương bí ẩn. Cả Lầu Năm Góc và bộ Ngoại giao dường như không phối hợp chặt chẽ với Nhà Trắng về cách làm cho việc rút quân thành công - và không dẹp bỏ những bất ổn và câu hỏi hoài nghi về việc lực lượng chính quyền Syria sẽ xông vào Manbij.

Cũng không rõ làm thế nào Mỹ có thể phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ khi rõ ràng nước này muốn tiến hành một cuộc tấn công chống lại các đối tác của Mỹ trên mặt đất. Làm thế nào để Mỹ phối hợp với một đồng minh đang muốn tấn công đồng minh khác của mình?

Lập trường chính thức của Mỹ là SDF không phải là một đồng minh thực sự mà là một đối tác tạm thời, mang tính chiến thuật và giao dịch. Nhưng Thượng nghị sĩ Graham, người đã gây áp lực buộc Nhà Trắng phải thay đổi các động thái của mình, gọi SDF là đồng minh.

Graham cũng cho biết trong tuần này rằng, Mỹ sẽ nói chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạo ra vùng đệm dọc biên giới để các mối lo ngại về an ninh của Ankara liên quan đến YPG được đáp ứng.

Làm thế nào Mỹ có ý định tạo ra 400 km vùng đệm? Mỹ có các điểm quan sát dọc biên giới nhưng mọi thứ sẽ trở nên mâu thuẫn khi họ đang cố gắng rút 2.000 quân trong khi lại xây dựng vùng đệm mới.

Khu vực dọc biên giới cũng là một khu vực nông nghiệp trọng điểm, nơi phần lớn dân số người Kurd sinh sống. Đó chính xác là khu vực mà các lực lượng người Kurd không muốn rút khỏi và Mỹ không có kế hoạch rõ ràng để sử dụng các lực lượng thay thế dọc biên giới.

Rất khó để Mỹ có thể tuần tra vài chục km ở Manbij dọc theo đường kiểm soát giữa SDF và Thổ Nhĩ Kỳ cùng phiến quân Syria.

Điều này đã khiến các nhà quan sát bối rối. Wladimir Van Wilgenburg, một nhà báo đưa tin về miền Đông Syria trong nhiều năm, đã tự hỏi: Ý nghĩa của kế hoạch vùng đệm này là gì?

Ông Bolton được cho là sẽ gặp khó khăn trong việc phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ vì Mỹ dường như không có kế hoạch cụ thể cần phải làm gì ở miền Đông Syria.

Quyết định rút quân đột ngột khiến các đối tác SDF của họ bối rối - và giờ họ biết rằng Mỹ chắc chắn sẽ rời đi. Điều này được đưa ra chỉ gần một năm sau khi Mỹ từng cam kết rằng họ sẽ ở lại rất lâu.

SDF hiện muốn các nước châu Âu khác giúp bảo đảm hòa bình trong giai đoạn hậu IS, hoặc sẽ buộc phải tiếp cận với Nga, chính quyền Syria hoặc các nước khác.

Iraq cũng đã quyết định tăng vai trò chống IS ở Syria, tiến hành nhiều cuộc không kích ở phía Nam thung lũng Euphrates nơi Mỹ và SDF đang chiến đấu với IS.

Trước sự rút quân của Mỹ, nhiều quốc gia như Nga, Iran và Chính phủ Syria ở Damascus sẽ bắt đầu hướng tới những mục đích tiếp theo của mình, bất chấp việc quá trình rút quân đó là 100 ngày hay 120 ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại