Giải mã ‘Kế hoạch B’ của Mỹ ở Iran

Thiên Ân |

Nhiều nhà phân tích bi quan về cơ hội có được thỏa thuận mới với Iran cũng như sự chân thành của Mỹ trong gắn kết ngoại giao với Iran.

Bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi nhậm chức của tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21-5 (giờ Mỹ) đề cập một “Kế hoạch B” của Mỹ trong đối phó Iran . Theo đó, Mỹ sẽ lập một liên minh toàn cầu dồn áp lực buộc Iran ngồi vào bàn thương lượng .

Trưởng phái đoàn thương lượng với Iran, Giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook tuần rồi nói Mỹ cần một khung hành động mới xử lý toàn diện các đe dọa Iran. “Kế hoạch B” không chỉ nhắm vào chương trình hạt nhân mà cả chương trình tên lửa Iran, cũng như việc nước này tài trợ khủng bố, có hành động hiếu chiến và bạo lực ở Syria, Yemen, Lebanon, Iraq. Ông Hook hứa hẹn sẽ đạt được một “thỏa thuận tốt hơn” thỏa thuận hạt nhân 2015.

Mục tiêu thật sự của Mỹ

Một số quan chức Mỹ nói Mỹ muốn kiềm chế ảnh hưởng Iran ở khu vực qua “Kế hoạch B”. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thân cận chính phủ Mỹ, mục tiêu cuối cùng của “Kế hoạch B” này tùy thuộc vào người thực hiện. Một số nhân vật như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vốn cứng rắn với Iran nếu được chỉ định thực hiện thì khả năng lớn là ông muốn “Kế hoạch B” thay đổi thể chế Iran. Còn với Ngoại trưởng Pompeo có thể sẽ không, CNN dẫn nguồn tin thân cận ông Pompeo.

Niềm tin của Iran, châu Âu, Triều Tiên vào Mỹ và vào chính phủ Trump nói riêng đã giảm nghiêm trọng khi Mỹ đơn phương rút khỏi một thỏa thuận họ đã thống nhất với nhiều bên.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ William Peek bác bỏ “Kế hoạch B” nhằm thay đổi thể chế Iran. Tuy nhiên, nhà phân tích Trita Parsi, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Quốc gia Mỹ-Iran (Mỹ), không tin chính phủ Mỹ chân thành trong thương lượng với Iran, đặc biệt khi ông Bolton năm ngoái từng nói chuyện lật đổ chính phủ Iran với một nhóm chống đối tại nước này.

Theo nhà phân tích cấp cao Robert Einhorn tại Viện Chính sách Brookings (Mỹ), mục tiêu thật sự của Mỹ trong “Kế hoạch B” là dồn áp lực làm yếu thể chế Iran chứ không phải muốn có một thỏa thuận tốt hơn.

Trong khi đó, theo Giám đốc dự án tình báo Viện Brookings Bruce Riedel, bất kể mục tiêu chính phủ Trump là gì thì khả năng tính toán sai vẫn rất cao, đặc biệt khi hai đồng minh của Mỹ là Israel và Saudi Arabia luôn thúc giục Mỹ đối đầu với Iran.

Kế hoạch khó khả thi

Không chỉ nghi ngờ sự chân thành của Mỹ trong gắn kết ngoại giao với Iran, nhiều cựu quan chức Mỹ, các nhà ngoại giao nước ngoài rất bi quan về cơ hội có được thỏa thuận mới với Iran. Cuối tuần rồi, ông Hook đã bị báo chí hỏi vặn tại sao Mỹ nghĩ mình có thể thuyết phục Iran ngồi lại đàm phán lần nữa khi ông Trump và hàng loạt quan chức Mỹ - các ông Pompeo, Bolton, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley - không ngừng chỉ trích các lãnh đạo Iran.

Theo ông Hook, vai trò các lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp khôi phục với Iran theo quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân cũng nhằm kéo Iran quay lại đàm phán lần nữa. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Einhorn, các lệnh trừng phạt lần này sẽ không gây áp lực mạnh lên Iran như hồi năm 2012. Lý do nằm ở quyết định rút khỏi thỏa thuận cũng như cách chính phủ Trump tiếp cận châu Âu. Nói cách khác, Mỹ sẽ khó hiện thực hóa mục tiêu có được một “thỏa thuận lớn hơn” với Iran.

“Điều tôi đang thấy là một chiến lược hướng tới sự đối đầu lớn. Điều tôi nghĩ chính phủ Trump sẽ làm là dồn từng thứ về một chỗ để có một cuộc đối đầu lớn với Iran” - nhà phân tích Trita Parsi, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Quốc gia Mỹ-Iran (Mỹ)

Chiến dịch tối đa hóa áp lực cần một liên minh thống nhất. Nga và Trung Quốc phản đối Mỹ rút khỏi thỏa thuận cũ với Iran, không có ý định tham gia tìm thỏa thuận thứ hai. Trong khi các đồng minh châu Âu đang rất bất mãn Mỹ vì đã đưa các doanh nghiệp EU vào thế khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 20-5 cho biết châu Âu sẽ thống nhất quy chế giúp đỡ tài chính, bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn với Iran, đồng thời cân nhắc khả năng cho Ngân hàng đầu tư châu Âu cung cấp tiền cho Ngân hàng Trung ương Iran.

Khi tiếp Cao ủy Năng lượng và Khí hậu EU Miguel Arias Canete tại Tehran ngày 20-5, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif nói EU cần tăng đầu tư vào Iran để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Theo ông Zarif, với tình hình hiện tại thì chỉ thiện chí chính trị của EU thôi là chưa đủ.

Không ít quan chức Mỹ thừa nhận sẽ chẳng thể có “Kế hoạch B” nào nếu Mỹ không thể tìm được sự ủng hộ của các đồng minh - và cả Iran trong thương lượng một thỏa thuận mới.


Áp lực gia tăng lên doanh nghiệp EU ở Iran

Có vẻ áp lực của Mỹ lên Iran đã dần thành hình và mạnh lên cùng với việc Mỹ ra thời hạn 90-180 ngày cho các công ty châu Âu rút khỏi Iran nếu không muốn hứng trừng phạt thứ phát từ Mỹ. Tập đoàn đóng tàu Đan Mạch Maersk Tankers, tập đoàn bảo hiểm Đức Allianz, tập đoàn sản xuất thép Ý Danieli đã thông báo kế hoạch ngừng hoặc giảm đầu tư ở Iran.

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Pháp Total nói sẽ rút dự án hàng triệu USD vào mỏ khí South Pars rộng lớn của Iran nếu không được Bộ Tài chính Mỹ bảo đảm không trừng phạt mình. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định với CBNC, dù các công ty có được Bộ Tài chính Mỹ cho phép tiếp tục hoạt động ở Iran thì cuối cùng vẫn sẽ quyết định rút khi đe dọa bị Mỹ trừng phạt vẫn treo lơ lửng trên đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại