Giải mã cuộc đua tàu ngầm "siêu im lặng" ở châu Á - Thái Bình Dương

Trịnh Ngọc Tiến |

Hải quân nhiều nước châu Á-TBD đang đẩy mạnh trang bị, từ đáp ứng nhiệm vụ vùng ven biển nước nông đến vùng biển nước xanh, nhằm giải quyết các mối đe dọa phi đối xứng.

Sau khi chiến tranh Lạnh chấm dứt, trong bối cảnh địa chính trị thế giới đã thay đổi đáng kể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mối lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên biển là động lực chính thúc đẩy sự gia tăng số lượng tàu ngầm trong khu vực.

Việc nhiều quốc gia trung tài chính để xây dựng hạm đội và mua sắm tàu ngầm được xem như là một cách "duy trì sự cân bằng" với Trung Quốc.

Theo báo cáo thị trường tàu ngầm toàn cầu 2015-2025 do Cơ quan Tình báo quốc tế về tư vấn chiến lược cung cấp, vào năm 2015, thị trường tàu ngầm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ước tính đạt 7,3 tỷ USD, mức tăng trưởng trung bình hàng năm dự kiến đạt 4,2% trong những thập kỷ tiếp theo.

Khu vực Đông Á

Nhật Bản

Tranh chấp trên vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư luôn là nhân tố gây bất ổn và căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật mặc dù trong những năm gần đây, hai bên đã tiến hành các cuộc đối thoại nhằm xoa dịu căng thẳng, tiến tới giải quyết tranh chấp; tuy nhiên, vấn đề vấn chưa được giải quyết tận gốc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada tuyên bố rằng: Nhật Bản sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, vùng biển và vùng trời của Nhật Bản.

Để cụ thể hóa quyết tâm trên, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp và tăng cường vũ trang cho quân đội; trong đó đẩy mạnh phát triển lực lượng tàu ngầm.

Là một quốc gia bại trận trong thế chiến 2, Nhật Bản bị hạn chế bởi yếu tố pháp lý nên họ chỉ được phép phát triển tàu ngầm thông thường.

Giải mã cuộc đua tàu ngầm siêu im lặng ở châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Tàu ngầm SS-510 lớp Soryu của Nhật Bản được hạ thủy tại Kobe hôm 6/11/2017

Hiện nay lực lượng tàu ngầm chủ lực của Nhật Bản là 10 tàu ngầm lớp Soryu (dự kiến đến năm 2025 là 13 chiếc). Đây được coi là loại tàu ngầm phi hạt nhân mạnh nhất châu Á hiện nay, trong số này có những chiếc được trang bị động cơ AIP. Tàu ngầm lớp lớp Soryu chiều dài 84m, rộng 9,1m, cao 10,5m, lượng giãn nước lên tới 2.950 tấn khi nổi và 4.100 tấn khi lặn.

Tàu được vũ trang 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm có thể phóng các loại ngư lôi Type 89 (cơ số 30 quả), hoặc tên lửa chống hạm Harpoon. Một thông tin không chính thức cho biết Soryu cũng có thể bắn các loại tên lửa hành trình như Tomahawk, giúp nó có khả năng tấn công mặt đất tầm xa.

Phát triển lực lượng tàu ngầm được coi là phương án hiệu quả và tiết kiệm nhất để Nhật Bản đối phó với hạm đội tàu sân bay Trung Quốc đang hàng ngày hiện hữu bên sườn Nhật Bản.

Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản

Vùng lãnh thổ Đài Loan

Hiện Đài Loan đang có 4 tàu ngầm trong biên chế, tuy nhiên chỉ 2 trong số này có thể sử dụng trong trường hợp có chiến tranh nổ ra, 2 chiếc còn lại được đóng ở Mỹ từ những năm 1940 và đã quá lạc hậu để chiến đấu.

Nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình, tháng 12/2014, lãnh đạo Đài Loan đã phê duyệt chương trình Tàu ngầm nội địa (IDS) nhằm chế tạo 4 chiếc tàu ngầm diesel-điện có lượng giãn nước từ 1.200-3.000 tấn.

Việc Đài Loan buộc phải tự lực trong việc phát triển tàu ngầm có vẻ như vượt quá khả năng tiềm lực công nghệ của hòn đảo này. Tuy nhiên, đây được xem là bước đi bắt buộc với Đài Loan để tăng cường khả năng phòng thủ.

Một số nước Đông Nam Á

Mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ hoặc những thách thức an ninh phi truyền thống như cướp biển, khủng bố đã thúc đẩy một số quốc gia Đông Nam Á mạnh tay mua sắm những lớp tàu ngầm hiện đại.

Giải mã cuộc đua tàu ngầm siêu im lặng ở châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Hải quân Hoàng gia Malaysia hiện đang có trong biên chế 2 chiếc tàu ngầm lớp SSKs Scorpéne của DCNS.

Có thể kể đến tàu ngầm Chang Bogo của Indonesia (biến thể của SKK Type 209 do hãng Howaldtswerke-Deutsche Werft của Đức chế tạo, Hàn Quốc mua bản quyền), tàu ngầm lớp Sjöormen của Singapore, tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia.

Và hiện nay cả Philippines, vốn là nước theo sau, hiện đang có những kế hoạch ban đầu về trang bị tàu ngầm.

Cũng có quốc gia hiện không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa an ninh trực tiếp nào như Thái Lan nhưng vẫn khôi phục kế hoạch mua 3 chiếc tàu ngầm diesel-điện từ Trung Quốc.

Australia

Mặc dù Australia không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đến chủ quyền lãnh thổ của họ, nhưng báo cáo năm 2016 của Bộ Quốc phòng Australia về chiến lược và các ưu tiên mua sắm quốc phòng của nước này cho thấy, đến năm 2035, khoảng một nửa tàu ngầm thế giới sẽ hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Australia là một trong những quốc gia có vùng lãnh hải rộng nhất thế giới, tiếp giáp với 3 đại dương lớn; do vậy nước này cần tăng cường lực lượng để bảo vệ các lợi ích từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương và tới Nam Đại Tây Dương. Trong đó, tàu ngầm là một công cụ mạnh mẽ để ngăn chặn xung đột và là vũ khí tiến công lợi hại nếu xung đột xảy ra.

Giải mã cuộc đua tàu ngầm siêu im lặng ở châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 4.

Tàu ngầm SSK lớp Barracuda Block-1A của DCNS là một trong những thiết kế để thay thế tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia (RAN)

Theo Báo cáo Quốc phòng năm 2015 của Australia, để đối phó với những nguy cơ trong tương lai, Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) sẽ thay thế những chiếc tàu ngầm lớp Collin hiện có trong biên chế bằng tàu ngầm diesel - điện (SSK) thế hệ mới vào đầu những năm 2030.

Ba công ty đến từ 3 quốc gia đã tham gia Gói thầu cạnh tranh (CEP) có giá trị 36,44 tỷ USD để thiết kế 12 chiếc tàu ngầm loại lớn thông thường cho RAN. Ba đối thủ là DCNS (Pháp), ThyssenKrupp (Đức) và Mitsubishi Heavy Industry/ Kawasaki Shipbuilding (Nhật Bản).

Với kết quả cuối cùng, tập đoàn DCNS đã trúng gói thầu cung cấp tàu ngầm cho Hải quân Australia bằng loại tàu ngầm tiên tiến Barracuda Block-1A. Thiết kế này dựa trên nguyên bản tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda trang bị cho hải quân Cộng hòa Pháp.

Nếu được trang bị đủ 12 chiếc SKK Barracuda Block-1A thì RAN sẽ sở hữu lực lượng tàu ngầm phi hạt nhân mạnh nhất trên thế giới.

Cuộc đua chưa có hồi kết

Hiện nay, trước những nguy cơ xung đột hàng hải ngày càng gia tăng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gia tăng ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhu cầu về bảo đảm an ninh sẽ thúc đẩy các quốc gia trong khu vực tiếp tục phát triển và hiện đại hóa đội tàu ngầm của họ.

Các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ tìm kiếm các đối tác nước ngoài để cung cấp, nâng cấp hiện đại hóa đội tàu ngầm của họ mà còn để đảm bảo chuyển giao công nghệ.

Về mặt tính năng, những chiếc tàu ngầm trang bị động AIP đang là xu hướng phát triển chủ đạo của các nước để đảm bảo khả năng hoạt động lâu dài dưới lòng biển từ vài ngày lên tới hàng tuần, tính năng này trước kia chỉ có ở tàu ngầm hạt nhân, đồng thời bảo đảm tính bí mật.

Cập nhật về các chương trình tàu ngầm ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể rút ra một điều:

Hải quân các nước đang đẩy mạnh trang bị, từ đáp ứng nhiệm vụ vùng ven biển nước nông đến vùng biển nước xanh, nhằm giải quyết các mối đe dọa phi đối xứng; từ bảo đảm tự do hàng hải đến bảo vệ tài nguyên, chống cướp biển, khủng bố và đối phó với những đe dọa tiềm tàng.

Cố Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt đã từng nói: "Một quốc gia có lực lượng hải quân mạnh không phải là một cuộc chạy đua vũ trang mà đó là sự đảm bảo an toàn nhất cho hòa bình".

Khi các mối đe dọa không suy giảm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì triết lý này sẽ luôn đúng. Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại