Số lượng đăng ký ly hôn ở Trung Quốc đã giảm khoảng 50% trong 6 tháng đầu năm 2021, sau khi chính phủ nước này ban hành chính sách “giai đoạn giảm nhiệt ly hôn” hay còn gọi là "giai đoạn hạ hỏa” từ đầu năm nay.
Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, số liệu được Bộ Dân chính Trung Quốc công bố cho thấy, chỉ có 966.000 cặp đôi đăng ký ly hôn trong 6 tháng đầu năm nay. Con số này giảm mạnh so với 2,03 triệu cặp ly hôn trong 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Tuy nhiên, số liệu cùng thời kỳ vào năm 2020 chưa được công bố.
Giai đoạn "hạ hỏa" giúp giảm 50% số vụ ly hôn ở Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021. (Ảnh minh họa)
Những tỉnh đông dân nhất ở Trung Quốc là Hà Nam, Tứ Xuyên, Giang Tô và Sơn Đông xếp hàng đầu về số lượng cặp đôi ly hôn. Điển hình như tại Hà Nam, trong 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 70.000 cặp đôi đăng ký xin ly hôn.
Chia sẻ với tờ Yicai, nhà nhân khẩu học Dong Yuzheng nhận định "giai đoạn hạ hỏa” là yếu tố quan trọng giúp làm giảm số trường hợp ly hôn.
Trong khi đó, Trung Quốc đã áp dụng chính sách “giai đoạn giảm nhiệt ly hôn” trong 30 ngày và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 năm nay.
Theo đó, Trung Quốc yêu cầu bắt buộc các cặp vợ chồng muốn hoàn tất thủ tục ly hôn sẽ phải trải qua 30 ngày để suy xét lại quyết định của mình. Trong quãng thời gian một tháng, các cặp đôi có quyền rút lại đơn xin ly hôn.
Ngoài ra, nếu cả hai bên thay đổi quyết định trong thời gian 30 ngày hoặc không có mặt tại tòa sau “giai đoạn giảm nhiệt ly hôn”, tòa án sẽ bác đơn ly hôn. Còn sau thời gian chờ đợi, nếu vẫn giữ nguyên quyết định, hai bên sẽ đến nhận các loại giấy tờ và thực hiện các thủ tục cần thiết để kết thúc hôn thú.
Điều khoản này không áp dụng cho các cặp vợ chồng có tiền sử bạo lực gia đình, hay hành vi ngoại tình bởi thông thường, những cặp này thường giải quyết ly hôn thông qua kiện tụng.
Kết hôn và ly hôn đang là đề tài nóng tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc giữa lúc tỷ lệ kết hôn sụt giảm mạnh và tỷ lệ ly hôn lại gia tăng.
Nhiều vụ ly hôn ở Trung Quốc xuất phát từ nạn bạo lực gia đình. Dữ liệu năm 2018 được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc công bố cho thấy, 19,9% nam giới và 22,9% nữ giới chịu cảnh bạo lực gia đình ở các cấp độ khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc gần 1/2 số nạn nhân chịu cảnh bạo lực gia đình ở Trung Quốc là nam giới.
Theo Luật Chống Bạo lực Gia đình được Trung Quốc lần đầu tiên thi hành vào ngày 1/3/2016, bạo lực gia đình liên quan tới các hành vi xâm phạm thể chất và tinh thần giữa các thành viên trong gia đình ở dạng đánh đập, bắt trói, gây thương tích, hạn chế sự tự do cá nhân, thường xuyên có lời lẽ chửi bới và hăm dọa.