Giá xuất khẩu liên tục lập đỉnh, lộ diện quốc gia Nam Mỹ tăng nhập khẩu ‘hạt ngọc’ của Việt Nam gần 3.000% trong 11 tháng

Như Quỳnh |

Không phải Indonesia hay Philippines, đây mới là quốc gia đang nhập khẩu gạo Việt mạnh nhất với mức tăng gần 3.000%.

Giá xuất khẩu liên tục lập đỉnh, lộ diện quốc gia Nam Mỹ tăng nhập khẩu ‘hạt ngọc’ của Việt Nam gần 3.000% trong 11 tháng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giá gạo xuất khẩu Thái Lan lập đỉnh 15 năm

Theo Bloomberg, giá gạo trên thế giới đang đạt đỉnh 15 năm do lo ngại ngày càng tăng về tác động của El Nino và nhu cầu tăng cao – trong khi nguồn cung đang thắt chặt đối với loại lương thực thiết yếu cho hàng tỷ người này.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, gạo trắng Thái Lan 5% tấm tiêu chuẩn châu Á đã tăng 2,5% so với tuần trước lên 650 USD/tấn vào ngày 20/12. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008.

Giá xuất khẩu liên tục lập đỉnh, lộ diện quốc gia Nam Mỹ tăng nhập khẩu ‘hạt ngọc’ của Việt Nam gần 3.000% trong 11 tháng- Ảnh 2.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan lập đỉnh 15 năm. Đồ họa: Bloomberg

Trước đó vào đầu tháng 8, giá gạo cũng giao dịch ở mức tương đương sau khi nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu và thời tiết khô hạn đe dọa vụ mùa Thái Lan. Sau khi giảm trong tháng 9 và tháng 10, giá gạo lại tăng nhanh hơn trong tháng 11. Điều này có thể khiến lạm phát lương thực tăng cao trong những tháng tới, đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc vào gạo như Philippines.

Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết, giá gạo đang tăng bất chấp các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ, vụ thu hoạch bội thu và kho dự trữ nhà nước dồi dào. Mặt hàng chủ lực đã tăng khoảng 12% mỗi năm trong vòng hai năm qua và các quan chức đã yêu cầu các nhà xay xát giảm giá bán lẻ.

Giá gạo tăng trong năm nay hoàn toàn trái ngược với các mặt hàng chủ lực khác như lúa mì và ngô. Giá gạo trắng Thái Lan tăng 36% trong năm qua, trong khi giá lúa mì giao sau tại Chicago giảm 20% và hướng tới đợt giảm đầu tiên trong 7 năm. Giá ngô tương lai đã giảm khoảng 30% trong năm nay.

Gạo Việt đang diễn biến ra sao?

Tại Việt Nam, trong tháng 11/2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 400 triệu USD với 600.481 tấn, giảm 5,5% về lượng và giảm 1,6% về kim ngạch so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu gần 7,64 triệu tấn gạo, thu về gần 4,34 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 11/2023, giá xuất khẩu gạo đạt 666 USD/tấn, tăng 4,1% về giá so với tháng 10, là mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 và tăng 28% so với tháng 1. Hiện giá gạo Việt xuất khẩu 5% tấm đang cao nhất thế giới, thậm chí vào đầu tháng 11 đã vượt qua giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đến 100 USD/tấn.

Giá xuất khẩu liên tục lập đỉnh, lộ diện quốc gia Nam Mỹ tăng nhập khẩu ‘hạt ngọc’ của Việt Nam gần 3.000% trong 11 tháng- Ảnh 5.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong 11 tháng đầu năm, Philippines, Indonesia, Trung Quốc là 3 thị trường chính của gạo Việt với trị giá lần lượt là 1,5 tỷ USD; 614 triệu USD và 517 triệu USD. Thị phần tính theo sản lượng của 3 thị trường này lần lượt là 36%, 14% và 11%.

Đáng chú ý trong số các thị trường, một quốc gia Nam Mỹ đang ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất với 2.890% về lượng. Cụ thể trong 11 tháng đầu năm, Chile nhập khẩu từ Việt Nam 7.235 tấn gạo với trị giá hơn 3,3 triệu USD, tăng 2.890% về lượng và 1.872% về trị giá , tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ chưa đến 1% trong cơ cấu xuất khẩu gạo Việt Nam. Hiện kim ngạch gạo Việt đang ở mức cao nhất trong vòng 34 năm sau khi tham gia vào thị trường thế giới.

Các chuyên gia dự báo, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Do lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, đây sẽ là một cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo năm 2024 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại