‘AI làm thay đổi GDP toàn cầu, con người không thể thắng nổi máy tính nữa’, cơ hội nào cho Việt Nam?

Minh Hằng |

Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay đổi GDP toàn cầu. Đây là nhận định của TS Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Mỹ), chia sẻ.

Năm 2023 là năm chứng kiến những cuộc tranh luận bùng nổ về trí tuệ nhân tạo (AI) và ảnh hưởng của lĩnh vực này tới đời sống, khi AI dần trở thành yếu tố mới định hình kinh tế - xã hội toàn cầu. Chúng ta có thể thấy các chatbot AI trở thành nơi tìm kiếm và truy vấn thông tin của hàng triệu người. ChatGPT của OpenAI đạt mức 100 triệu người dùng chỉ trong vòng 2 tháng. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục so với bất kỳ loại dịch vụ Internet nào, vượt xa cả Facebook (cần 4,5 năm để đạt mốc này).

Đặc biệt, sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ GPT-3 (2022) và GPT-4 (2023) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của AI. Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển là những dự báo về mặt trái. Theo các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs (Mỹ), khoảng 300 triệu người trên thế giới có thể sẽ mất việc vì công nghệ này.

‘AI làm thay đổi GDP toàn cầu, con người không thể thắng nổi máy tính nữa’, cơ hội nào cho Việt Nam?- Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức".

Liệu AI có tiềm năng thế nào và sẽ đặt ra những thách thức ra sao? Đây cũng là chủ đề của tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức" được tổ chức vào ngày 19/12 tại Hà Nội. Phiên tọa đàm này thuộc khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.

‘AI làm thay đổi GDP toàn cầu, con người không thể thắng nổi máy tính nữa’, cơ hội nào cho Việt Nam?- Ảnh 2.

TS Xuedong David Huang tin rằng năng suất toàn cầu sẽ nhanh hơn nhiều nhờ có AI.

TS Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom, đồng thời là thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cho biết hiện nay có nhiều cơ hội đột phá và cơ hội rất gần chúng ta. Lịch sử phát triển của con người rõ ràng có liên quan mật thiết tới năng suất làm việc, động lực phát triển thế giới.

Chẳng hạn, trước khi có công nghệ in ấn, tốc độ phát triển của thế giới vô cùng thấp, GDP toàn cầu cũng thấp. Nhưng đến khi công nghệ in ấn phát minh ở châu Âu, thế giới thoát khỏi "thời đen tối" về công nghệ. Sau đó, khi người Anh phát minh ra động cơ hơi nước, tốc độ tăng trưởng còn mạnh hơn... Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp sau lại nhanh hơn cuộc cách mạng trước đó, thậm chí tăng theo hàm mũ.

"Hiện tại là thời khắc lịch sử. Năng suất toàn cầu tăng nhanh hơn nhiều so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Tôi tin đây chính là cơ hội đột phá thay đổi lịch sử. Do đó, cho dù bạn ở đâu, quốc gia nào thì đều có tiềm năng. Nếu nắm bắt được cơ hội này thì cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều có cơ hội để đổi mới", TS Huang nhấn mạnh.

‘AI làm thay đổi GDP toàn cầu, con người không thể thắng nổi máy tính nữa’, cơ hội nào cho Việt Nam?- Ảnh 3.

GS Leslie Gabriel Valiant chia sẻ về lịch sử thuật toán học máy và trí tuệ nhân tạo.

Đồng quan điểm với TS Huang, GS Leslie Gabriel Valiant về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại ĐH Harvard (Mỹ), đồng thời là thành viên của Hội đồng Giải thưởng VinFuture, chia sẻ, nhà khoa học người Anh là Alan Turing từng nói rằng: "Có những điều con người làm được và máy móc không bao giờ làm được".

Nhưng theo GS Valiant: "Đó chỉ là trấn an thôi. Thực ra máy móc có năng lực vô hạn. Nó có thể làm mọi điều, chỉ là khi nào mà thôi. Về tư duy, máy móc vô địch ở nhiều cuộc thi trí tuệ. Hay nếu xét về năng lực logic, suy đoán, máy móc đều có tiềm năng lớn".

Trên thực tế, để giảm được lỗi sai trong dự báo, chúng ta cần tăng hiệu quả tính toán cho máy móc. Nhiều công ty hiện nay đã đầu tư hàng chục triệu USD để đào tạo thuật toán nên cũng đòi hỏi về độ chính xác cao hơn trong tính toán.

TS Huang cho biết thêm, AI làm thay đổi GDP toàn cầu. Chẳng hạn, trong trường Luật, các luật sư tương lai phải tham gia các kỳ thi. Con người tham gia thi và có điểm trung bình là 68%. Trong khi đó, các công cụ AI cũng thi là GPT4, ChatGPT và Chat GPT – 3.5. Kết quả cho thấy, ChatGPT đời cũ có thể thấp hơn con người, nhưng điểm của GPT4 lại vượt trội hơn, lên tới 75,7%.

"Rõ ràng con người hiện không thể thắng nổi máy tính nữa", TS Huang nhận định.

AI có phải là thực tế hay chỉ là "bong bóng" mới nổi?

‘AI làm thay đổi GDP toàn cầu, con người không thể thắng nổi máy tính nữa’, cơ hội nào cho Việt Nam?- Ảnh 4.

TS Bùi Hải Hưng cho biết AI bây giờ đã không còn là giấc mơ.

Về vấn đề này, TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc VinAI, chia sẻ: "Mọi người hiện nay mở điện thoại dùng ChatGPT đã thấy thật lắm rồi. Nhiều người làm OpenAI cũng ngạc nhiên bởi sự phát triển hiện tại. Mọi người không ngờ công nghệ này lại nhanh thế. AI thực ra đã là hiện thực. Đây là thời điểm chúng ta cần nghiêm túc hơn trong nghiên cứu ứng dụng AI. Đúng vậy, AI không còn là giấc mơ nữa".

TS Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về thị giác máy tính và AI, đồng thời là thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cũng cho rằng: "AI không chỉ là bong bóng hay giấc mơ viển vông nữa. AI chắc chắn sẽ sớm chuyển sang làn sóng tiếp theo và giai đoạn sau sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển".

Thậm chí, GS Valiant còn nhận định, AI sẽ phát triển có năng lực giống con người để giải quyết các vấn đề.

AI là cơ hội để tạo bình đẳng cho tất cả

‘AI làm thay đổi GDP toàn cầu, con người không thể thắng nổi máy tính nữa’, cơ hội nào cho Việt Nam?- Ảnh 5.

Các chuyên gia chia sẻ về tiềm năng và thách thức của AI.

TS Anandan cho biết, AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho 3 lĩnh vực. Thứ nhất, liên quan tới công cụ thiết bị như đọc, X quang, cộng hưởng từ, AI chắc chắn giỏi hơn con người trong việc đọc kết quả để biết bệnh nhân bị làm sao. Thứ hai, AI giúp đưa ra hướng dẫn cho người nông dân để trồng trọt tốt hơn. Thứ ba, AI cũng thể hiện sự hữu ích khi phòng ngừa dịch bệnh lây lan, chẳng hạn như Covid-19.

Ngoài ra, theo GS Valiant: "AI là cơ hội để tạo bình đẳng cho tất cả. AI có thể được ứng dụng trong giảng dạy, đào tạo máy móc theo nhu cầu của con người. Chúng đều có thể tham gia vào cuộc chơi này".

Vậy, cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo TS Bùi Hải Hưng, với sự xuất hiện của các trào lưu AI trên thế giới như ChatGPT, AI được đánh giá là đang có tốc độ phát triển càng ngày càng nhanh hơn. Do đó, làm thế nào để các đội ngũ đang theo đuổi và làm việc trong lĩnh vực này cần phải nắm được các trào lưu trên thế giới, đồng thời bắt kịp chúng để tạo ra các giá trị trúng đích. Điều này cũng cho thấy việc cộng đồng AI của thế giới và cộng đồng AI của Việt Nam có mối liên hệ mật thiết là rất quan trọng.

"Tôi nghĩ hiện tại Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp trong việc xây dựng nền tảng của chính mình. Phở GPT, mô hình ngôn ngữ tiếng Việt, hay các ứng dụng đang được các công ty khác đang phát triển là minh chứng cho thấy năng lực của đội ngũ trí tuệ nhân tạo của Việt Nam bắt kịp với thế giới rất nhanh chóng".

Trào lưu về AI ngày càng phát triển và lan rộng, vậy làm sao để sử dụng chúng một cách an toàn?

Theo TS Bùi Hải Hưng, công nghệ càng phát triển thì sự ảnh hưởng của nó đến xã hội lại càng lớn. Trên thực tế, AI có thể bị lợi dụng dùng vào mục đích xấu. Do đó, để sử dụng AI một cách an toàn, cần phải có những luật đặt ra từ phía các chính phủ.

Làm sao đảm bảo AI không bị sử dụng với mục đích xấu? Theo GS Valiant: "AI là công nghệ mạnh như hóa học, vật lý hạt nhân, chúng đều sử dụng cho cả mục đích tốt và xấu. AI đơn thuần là công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cùng chung tay để giảm thiểu rủi ro với AI, với không có gì khác biệt so với công nghệ khác cả".

TS Ananda cũng đồng tình và cho rằng, mọi công nghệ đều dùng cho mục đích tốt và xấu. Điều quan trọng là cần kiểm soát sản xuất, trao đổi về ứng dụng AI có trách nhiệm để làm giảm thông tin sai lệch.

Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức" có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, bao gồm:

TS. Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Mỹ), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture;

TS. Padmanabhan Anandan, AI Matters for Development (Mỹ), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture;

TS. Bùi Hải Hưng,người sáng lập và Tổng Giám đốc VinAI, Việt Nam;

GS. Leslie Gabriel Valiant về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại trường Đại học Harvard, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture

VinFuture là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh các nghiên cứu khoa học, phát minh và sáng chế đổi mới công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ, nhằm đóng góp vào giải quyết các thách thức chung của nhân loại.

Sau 3 năm tổ chức, số lượng các đề cử tăng gấp 3 lần (từ 599 đề cử mùa đầu lên 1.389 mùa thứ ba, 2023) cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho VinFuture.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại