Trên thị trường thế giới, giá dầu trong những ngày qua đã tăng hơn 6%, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân do tình hình xung đột ở Trung Đông leo thang làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung trong tương lai.
Theo dữ liệu từ Oilprice, vào sáng ngày 14/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiếp tục tăng nhẹ, được giao dịch ở mức 82,7 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 77,7 USD/thùng.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này diễn biến theo xu hướng tăng nhẹ so với kỳ trước.
Dựa trên diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo trong kỳ điều hành ngày mai (15/2), tức mùng 6 Tết, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 650-700 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 600-650 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel được dự báo tăng 690-720 đồng/lít.
Trường hợp dự báo trên là chính xác, mặt hàng xăng sẽ có phiên tăng giá trở lại ngay sau lần giảm đầu tiên trong năm 2024. Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chi quỹ bình ổn , giá xăng có thể tăng ít hơn.
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 8/2, cơ quan quản lý quyết định giảm 790 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 22.120 đồng/lít; giảm 900 đồng/lít đối với xăng RON 95, xuống còn 23.260 đồng/lít.
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, thương nhân đầu mối sẽ phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng (sở hữu, thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu); kho tiếp nhận xăng dầu (số lượng, sở hữu, thuê của doanh nghiệp nào, ở đâu, thời gian thuê); phương tiện vận tải xăng dầu (số lượng, sở hữu, thuê, chủng loại phương tiện, thời gian thuê).