Cần thiết và cấp bách giảm giá thịt lợn
Để đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, giá lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg và tăng nguồn nhập khẩu để bình ổn giá.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn mạnh (tổng đàn lợn đến đầu tháng 3/2020 đạt gần 24 triệu con, tăng 2 triệu con so với tháng 2/2019 – số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn), song giá thịt lợn vẫn tiếp tục neo cao.
Hiện tại, giá thịt lợn hơi dao động từ 70.000 – 90.000 đồng/kg. Giá thịt tại các chợ dân sinh cũng vì thế neo cao ở ngưỡng 120.000 - 160.000 đồng/kg (tùy loại).
Phát biểu tại Hội thảo "Thịt lợn – bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng" tổ chức tại Hà Nội vào sáng 15/5, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng dẫn nguồn tin cho rằng chi phí chăn nuôi tại các trang trại là từ 35.000 đồng/kg.
Căn cứ tổng sản lượng lợn hơi bán ra, theo lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi đang lãi 25.000 đồng/kg.
Tăng thêm 10.000 đồng/kg thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày. Tăng thêm 20.000 đồng/kg thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 180 tỷ đồng/ngày (gần 65 ngàn tỷ đồng/năm). Điều này cho thấy, có dư địa để giảm giá lợn hơi, trên cơ sở giảm giá bán lẻ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo "Thịt lợn - bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng".
Vị chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng chỉ ra nhiều vấn đề xung quanh giá lợn, nếu có ý kiến cho rằng giá thịt tăng cao do nhiều khâu trung gian, vậy cần chỉ ra những khâu nào không cần thiết, để rồi gây ra tình trạng đội giá?
Các phóng sự điều tra cho thấy, nhiều tiểu thương phản ánh, tuy doanh nghiệp công bố từ 1/4/2020 hạ giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg song họ rất khó tiếp cận nguồn hàng. Vậy có hay không việc hạn chế nguồn cung để tạo ra sự khan hiếm giả?
Ông Hùng viện dẫn thông tin từ cơ quan quản lý, sau dịch tả lợn Châu Phi, hầu hết toàn bộ con giống, lợn nái do các doanh nghiệp chăn nôi lớn nắm giữ. Giá bán lợn giống được đẩy lên mức 2,5- 3 triệu đồng/con, gấp 3 lần mức thông thường.
"Đề nghị cơ quan quản lý công bố số lượng đàn lợn nái, con giống tại từng doanh nghiệp và tìm hiểu tại sao con giống được bán ra ở mức giá gấp 3 lần so với thông thường.
Vì lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất cũng như nhà nước, việc phát triển nguồn cung trong nước vẫn cần đặt lên hàng đầu. Không nên để việc cung ứng con giống rơi vào thế độc quyền", ông Hùng phát biểu.
Đi tìm câu trả lời cho việc giá thịt lợn neo cao, vị chủ tịch Hiệp hội cũng đặt câu hỏi "Vậy giải pháp nào để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là mong đợi của trên 96 triệu người tiêu dùng Việt Nam?".
Đồng tình với quan điểm bình ổn giá thịt lợn không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn cả người sản xuất, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội cho rằng, giá thịt lợn chịu tác động của quan hệ cung – cầu, thời gian qua giá lợn tăng do liên quan nguồn cung bởi cầu hầu như không biến động.
Vị chuyên gia cho rằng, có thể có một bộ phận nào đó người chăn nuôi hưởng lợi trước mắt từ việc giá lợn hơi tăng, tuy nhiên, trong tương lai tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho chính họ.
"Khi giá lợn hơi tăng, các chi phí khác cũng đang tăng như giá lợn giống tăng gấp 2 lần, chưa kể các chi phí về thức ăn, thú y. Trong bất kể hoàn cảnh nào thì biến động của chăn nuôi thì đều ảnh hưởng đến người sản xuất trực tiếp.
Khi hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có đủ thông tin, chạy theo thị trường, tái đàn gấp gáp thì có thể gặp khó trong thời gian tới", ông nêu quan điểm.
Ông cho rằng, để làm được bình ổn giá thịt lợn thì cần chú ý khâu trung gian. Người chăn nuôi có giảm xuống 60.000 đồng/kg nhưng khâu trung gian tăng thì cũng không được. Cần tổ chức, kiểm soát lại khâu trung gian để đưa thịt từ người sản xuất đến người dùng với mức giá hợp lý. Về dài dạn, cần chính sách hỗ trợ người dân tái đàn, nguồn giống ổn định.
Có hay không hành vi bắt tay cùng hưởng lợi khi thịt lợn tăng giá?
Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo, ông Cao Xuân Quảng đại diện Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn nhận từ góc độ cạnh tranh, khâu sản xuất kinh doanh thịt lợn có nhiều doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân tham gia.
Trong đó đáng chú ý là 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn lại nắm thị phần lớn trên thị trường (30%). Mỗi khâu đều có nhóm doanh nghiệp, nhóm kinh doanh nắm lợi thế như giết mổ, phân phối, lưu trữ bảo quản.
"Trên thị trường đang có những nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần tương đối lớn ở các khâu sản xuất kinh doanh. Cơ quan cạnh tranh thu thập thông tin đánh giá có hành vi lạm dụng hay không vì thị trường thịt heo không biến động nhỏ lẻ mà biến động theo dạng sóng, đồng loạt.
Nên đặt ra vấn đề có hay không hành vi lạm dụng thị trường, làm giá, nhìn nhau để cùng thực hiện hành vi cùng hưởng lợi? Hiện cơ quan cạnh tranh chưa điều tra nhưng đang thu thập thông tin về vấn đề này", ông Quảng cho hay.
Biến động giá thịt lợn trong nước quý I/2020.
Ông cho rằng, hiện tại, các giải pháp thực hiện để bình ổn giá lợn cần thực hiện đồng thời từ các cấp quản lý, cần xây dựng cơ chế để công bố minh bạch thông tin thị trường thịt lợn, có thể thông qua trang thông tin điện tử, đường dây nóng, buộc kê khai hoặc quản lý giá đối với thịt lợn.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đảm bảo minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn. Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Doanh nghiệp cũng cần thực hiện công khai, minh bạch các yếu tố liên quan đến sản xuất, phân phối hịt lợn, không vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong bối cảnh giá thịt lợn "nhảy múa", người tiêu dùng cần đối chiếu, so sánh chất lượng, giá thịt từ các kênh khác nhau, kiên quyết không tiếp tay cho vi phạm, không chấp nhận mua hàng giá cao và hãy lên tiếng khi có hành vi vi phạm về giá.