Ngay từ những ngày đầu năm mới, nông dân tỉnh Quảng Nam đã gặp phải chuyện không vui. Đó là giá rau, đậu các loại và nhiều loại cây trồng ngắn ngày vụ Đông Xuân rớt thê thảm. Nhiều người ngậm ngùi phá bỏ diện tích trồng cây lagim đang xanh mởn, trĩu quả để chuyển sang trồng các loại cây khác. Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ lặp đi lặp lại khiến nông dân ngao ngán.
Làng rau Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang trải một màu xanh ngút mắt. Đây là vùng chuyên canh rau sạch lớn nhất tỉnh Quảng Nam với hơn 150 hộ trồng rau. Sau các đợt lũ lụt cuối năm ngoái, phù sa bồi đắp nên đất đai vùng này càng thêm màu mỡ. Lũ đến muộn, nông dân đợi ráo đất mới xuống giống.
Chỉ có một số ít rau Trà Quế được tiêu thụ tại các siêu thị.
Bà Huỳnh Thị Lực, người dân thôn Bàu Tròn cho biết, bà con xuống giống trễ so với lịch thời vụ, cộng với thời tiết cuối năm vừa rồi khá thuận lợi nên nhà nhà trồng rau. Nhiều người tận dụng những thẻo đất sát sông để trồng rau.
Có người trồng rau trong vườn nhà, sau hè nên sản lượng rau tăng đáng kể. Trước Tết, giá khổ qua, đậu cove dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, hiện nay giá bán tại ruộng chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhiều người không thu hoạch bỏ héo, trái khổ qua rụng đầy đồng.
“Từ sau Tết đến nay giá các loại rau quả giảm thấp nên bà con phá bỏ trồng cây khác. Người thì chuyển sang trồng đậu đũa, người thì trồng bắp”, bà Lực than thở.
Dọc triền sông Thu Bồn, qua địa bàn huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn đến tận cuối sông, đâu đâu cũng thấy rau màu xanh mơn mởn. Nhưng khác với các năm trước, người nông dân chẳng muốn ra đồng thu hoạch rau.
Ông Nguyễn Phê, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, cánh đồng thôn Lệ Bắc giữa năm ngoái đã hứng chịu cơn đại hạ giá đối với cây ớt.
Đầu vụ, giá ớt trên 30.000 đồng/1kg, nhiều người thấy ớt được giá chuyển phần lớn diện tích sang trồng ớt. Đến cuối vụ, giá ớt rớt xuống còn 4.000 đồng/1kg, nhiều người thua lỗ nặng. Năm nay, chuyện “được mùa mất giá” lặp lại với rau màu vụ Đông Xuân khiến nông dân mất phương hướng trong giải quyết đầu ra.
“Thời điểm những ngày 29 và 30 tết, giá cả như khổ qua tăng cao đến 50.000 đồng/kg nhưng không có bán. Cây cải được trồng rất nhiều nhưng giá thấp, chỉ vào khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nông dân làm ra chủ yếu tiêu thụ ở chợ La Tháp mà chưa có hướng tiêu thụ bền vững. Hợp tác xã cũng chưa có đầu mối để giúp cho bà con”, ông Phê cho hay.
Vụ sản xuất Đông Xuân này, nông dân tỉnh Quảng Nam sản xuất khoảng 3.500 ha nhóm rau ăn lá và hơn 1.000 ha rau ăn quả. Sản lượng rau ăn quả đạt hơn 10 tấn/ha, rau ăn lá khoảng 15 tấn/ha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các chợ trên địa bàn, số ít cung ứng cho thành phố Đà Nẵng.
Từ mùng 3 Tết đến nay, hầu hết các loại rau, củ, quả đều rớt giá sâu, chỉ có một số loại cây khó trồng như khoai môn được giá nhưng sản lượng thấp. Cũng trong năm ngoái, sau Tết giá rau đậu các loại tăng vọt nên năm nay nhiều người “đón đầu” thị trường, không ngờ bị lỗ nặng.
Câu chuyện "được mùa mất giá" vẫn luôn ám ảnh người nông dân. Việc liên kết 4 nhà gồm nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học xem ra vẫn xa vời ở nông thôn.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, các loại rau màu được tập trung trồng chủ yếu trong vụ Đông Xuân, giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này chính là phải tính đến câu chuyện sản xuất cây trồng trái vụ.
“Huyện đang tính phát triển trồng trọt theo mô hình làm cây trái vụ. Huyện cũng tính đến việc làm nhà lồng để khả năng trong mùa hè có thể trồng rau được”, ông Năm cho biết./.