Bộ này đưa ra mức giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ căn cứ vào khung giá phát điện này để thỏa thuận với đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp về giá phát điện theo quy định.
Trước đó, tháng 11/2022, EVN từng đề xuất phương án giá phát điện với mặt trời chuyển tiếp gần 1.188 - 1.570 đồng một kWh, còn điện gió khoảng 1.591 - 1.945 đồng, tùy loại hình.
Như vậy, khung giá được Bộ Công Thương quyết định lần này thấp hơn đề xuất EVN từng đưa ra.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hiện vẫn còn nhiều dự án hoặc phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không vào kịp thời hạn được hưởng biểu giá hỗ trợ (giá FIT). Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nhưng do giá FIT hết hạn vào 1/11/2021 nên chưa có giá bán điện. Ngoài ra, còn 452 MW điện mặt trời đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện.
Được biết, giá FIT ưu đãi 20 năm với dự án điện mặt trời là 9,35 cent một kWh (khoảng 2.200 đồng một kWh) và 7,09 - 8,38 cent (1.644 - 1.943 đồng) một kWh; dự án điện gió là 8,35 - 9,8 cent (1.927 - 2.223 đồng) một kWh. Tuy nhiên, các chính sách này đã hết ưu đãi từ 31/12/2020 với điện mặt trời và từ 1/11/2021 với điện gió.
Thống kê của EVN cho thấy, hiện số dự án điện gió, điện mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió.