Gia đình 3 đời đàn ông không có vân tay, khốn khổ vì đi đâu cũng gặp rắc rối

Nguyễn Thái |

Những người đàn ông trong một gia đình ở quốc gia Nam Á Bangladesh 3 đời không có vân tay do gặp phải đột biến cực hiếm.

Gia đình 3 đời đàn ông không có vân tay, khốn khổ vì đi đâu cũng gặp rắc rối - Ảnh 1.

Apu Sarker và những người đàn ông trong gia đình anh đều không có vân tay. Ảnh: DM

Theo BBC, Apu Sarker, 22 tuổi, và các nam thành viên khác trong gia đình ở thành phố Rajshahi, Bangladesh, cùng mắc hội chứng cực hiếm, khiến các ngón tay của họ nhẵn nhụi, không có các đường vân.

Việc không có vân tay chỉ xuất hiện ở những người đàn ông thuộc 3 thế hệ của gia đình và gây ra nhiều khó khăn cho họ trong cuộc sống.

Dấu vân tay đang được sử dụng cho mọi thứ ngày nay từ việc kiểm tra ở sân bay tới mở điện thoại thông minh. Tại Bangladesh, lấy dấu vân tay cũng là một trong các bước cần thiết để xin thẻ căn cước, hộ chiếu và bằng lái xe.

Amal, bố của Sarker gặp nhiều khó khăn khi đi xin làm các loại giấy tờ quan trọng kể trên. Sau quá trình khá vất vả, ông Amal cuối cùng cũng được cấp thẻ căn cước, thứ bắt buộc phải có để có thể bỏ phiếu bầu cử. Thẻ căn cước của ông khác biệt ở chỗ có dấu xác nhận việc ông "không có vân tay". Ông Amal cũng nhận được hộ chiếu sau khi xuất trình giấy chứng nhận y tế.

Tuy nhiên, nỗi lo về các vấn đề ở sân bay khiến bố của Sarker không dám sử dụng hộ chiếu và bằng lái xe vẫn là thứ "ngoài tầm với" của ông.

Chia sẻ với BBC, ông Amal cho biết từng 2 lần bị cảnh sát giao thông chặn lại. Dù cố giải thích và đưa ra các giấy tờ chứng minh tình trạng của mình, ông Amal vẫn không nhận được sự thông cảm từ cảnh sát.

Gia đình 3 đời đàn ông không có vân tay, khốn khổ vì đi đâu cũng gặp rắc rối - Ảnh 2.

Ông Amal (trái) và con trai Sarker. Ảnh: DM

Ngay cả việc đơn giản như mở một chiếc điện thoại thông minh cũng trở thành vấn đề lớn với các đấng mày râu trong gia đình của Sarker vì năm 2016, Bangladesh bắt đầu yêu cầu phải sử dụng dấu vân tay và dấu đó phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia khi mua thẻ sim.

"Họ có vẻ bối rối khi tôi đi mua sim, phần mềm của họ liên tục không nhận mỗi khi tôi đặt ngón tay vào phần cảm biến", Sarker chia sẻ. Điều này khiến việc mua bán sim không thành công. Hiện tại, các nam thành viên trong gia đình đều phải sử dụng sim của mẹ Sarker.

Việc không có vân tay cũng khiến chú của Sarker, ông Gopesh - người phải chờ 2 năm mới được cấp hộ chiếu và phải đến thủ đô Dhaka 4-5 lần trong quá trình đó. Ông Gopesh sống tại thành phố Dinajpur, cách Dhaka 350 km.

Nhưng rắc rối vẫn chưa hết với chú của Sarker. Ông Gopesh phải thuyết phục những người giám sát ở công ty cho phép ký vào bảng điểm danh khi văn phòng của ông bắt đầu sử dụng hệ thống chấm công vân tay.

Gia đình 3 đời đàn ông không có vân tay, khốn khổ vì đi đâu cũng gặp rắc rối - Ảnh 3.

Anu, em trai của Sarker, cũng mắc hội chứng hiếm gặp. Ảnh: DM

Gia đình nhà Sarker mắc hội chứng hiếm gặp có tên khoa học là Adermatoglyphia. Người mắc hội chứng này sẽ không có các đường vân trên ngón tay, ngón chân, bàn tay và bàn chân. Đồng thời, họ cũng có thể có các biểu hiện như giảm tiết mồ hôi ở bàn tay và bàn chân, có nhiều nốt mụn nhỏ màu trắng trên mặt và phồng rộp da, theo Viện Y tế quốc gia Mỹ.

Adermatoglyphia được gây ra bởi đột biến gen SMARCAD1 và có yếu tố di truyền. Nó lần đầu tiên thu hút sự chú ý vào năm 2007, theo BBC.

Khi đó, giáo sư Peter Itin, một bác sĩ da liễu người Thụy Sĩ, nhận được liên lạc từ một phụ nữ khoảng 20 tuổi, người không thể nhập cảnh vào Mỹ vì nhân viên hải quan không thể lấy được dấu vân tay của cô.

Giáo sư Itin phát hiện, người phụ nữ cùng 8 thành viên trong gia đình không có đường vân ở tay và tay ít tiết ra mồ hôi. Năm 2011, nhóm nghiên cứu xác định được gen SMARCAD1 là nguyên nhân gây ra hội chứng hiếm gặp này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại