Giá dầu sẽ ra sao: Quốc gia sở hữu trữ lượng hàng đầu thế giới đề xuất tạm dừng xuất khẩu nhiên liệu, là người giải 'cơn khát' dầu lớn nhất của Ấn Độ

Khánh Vy |

Việc tạm dừng xuất khẩu sản phẩm nhiên liệu xăng dầu có thể khiến giá dầu tăng cao.

Giá dầu sẽ ra sao: Quốc gia sở hữu trữ lượng hàng đầu thế giới đề xuất tạm dừng xuất khẩu nhiên liệu, là người giải cơn khát dầu lớn nhất của Ấn Độ - Ảnh 1.

Phát biểu tại Ủy ban quốc hội Nga ngày 6/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev nói rằng nhiều vùng tại Nga đang gặp vấn đề về dự trữ nhiên liệu, theo Reuters. Nếu không có nhiên liệu, nông dân sẽ không thể thu hoạch nông sản và không thể trồng trọt trong vụ mùa đông, do đó ông đề xuất Nga tạm cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ.

Dù là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Nga lại đối diện với việc thiếu hụt nhiên liệu cho việc thu hoạch ở một số vùng nông nghiệp miền nam và tình hình có thể xấu đi trong những tháng tới. Các nhà giao dịch cho biết thị trường nhiên liệu bị tác động bởi nhiều yếu tố kết hợp như bảo dưỡng các cơ sở lọc dầu, nút thắt cổ chai trong các tuyến đường sắt và đồng rúp yếu. 

"Chúng ta (Nga) gặp vấn đề với số nhiên liệu dự trữ. Nếu không có nhiên liệu, nông dân sẽ phải ngưng thu hoạch và không trồng trọt vụ đông. Đó sẽ là một thảm họa", ông Dmitry Patrushev cho hay.

Tuần trước, ông Patrushev lưu ý với các nghị sĩ Nga rằng Bộ Nông nghiệp Nga nhận thấy giá nhiên liệu và dầu nhớt sử dụng trong nông nghiệp ở nước này đang tăng giá đáng báo động. Trong bối cảnh đó, Nga cần đảm bảo khoảng 500.000 tấn nhiên liệu vào tháng 11.

"Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Bộ Năng lượng Nga. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với các nhà máy lọc dầu và tìm kiếm sản lượng cần thiết ở từng vùng để nông dân có được nhiên liệu" - ông nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nga đề xuất Nga "tạm dừng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ cho đến khi chúng ta (Nga) ổn định được tình hình trên thị trường nội địa". Cơ quan của ông Patrushev cũng đã soạn một bản đề xuất gửi lên Chính phủ Nga liên quan vấn đề này.

Đáng chú ý, Ấn Độ đã trở thành thị trường quan trọng nhất đối với dầu mỏ của Nga, cùng với Trung Quốc. Dầu của Nga chiếm tới 42% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ, so với khối lượng không đáng kể mà Ấn Độ đã nhập khẩu trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022. Việc tạm dừng xuất khẩu có thể ảnh hưởng không nhỏ đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Mới đây Saudi Arabia và Nga - hai nước thành viên trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC +) - thông báo kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện đến hết năm 2023, theo đó tới 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày xuất khẩu từ hai nước này (gồm 1 triệu thùng của Saudi Arabia và 300.000 thùng của Nga) sẽ bị cắt khỏi thị trường toàn cầu.

Thông báo từ Nga và Saudi Arabia đã đẩy giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) lên mức trên 90 USD/thùng vào hôm 5/9. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent tăng lên mức 90 USD/thùng trong năm nay, và đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại