Tạo hình Gia Cát Lượng và phu nhân trên truyền hình Trung Quốc.
Theo Sohu, nhắc đến Gia Cát Lượng (181 – 234), nhiều người sẽ nhớ đến một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời Tam Quốc. Ông cũng rất được lòng thiên hạ, người người đều ngưỡng mộ ông.
Hình ảnh Gia Cát Lượng cũng rất ấn tượng khi ông được mô tả là người cao lớn, khôi ngô tuấn tú, tay cầm quạt lông, đội khăn xếp, áo dài trắng bay phấp phới. Có thể nói ông là bậc hiền tài, tuấn tú, anh minh. Những người vừa tài giỏi vừa tuấn tú như vậy thực sự rất dễ để tìm được một mỹ nhân làm vợ.
Gia Cát Lượng là nhân tài kiệt xuất và có dung mạo tuấn tú, bất phàm.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ là Gia Cát Lượng lại mặc người đời bán tán, chấp nhận lấy Hoàng Nguyệt Anh, một người phụ nữ xấu xí bị liệt vào "Ngũ xú Trung Hoa" - tức năm người phụ nữ tài năng nhưng xấu nhất trong lịch sử Trung Hoa
Theo Sohu, sử sách ghi Hoàng Nguyệt Anh là người huyện Bạch Thủy, nay là Hồng Hồ, tỉnh Hồ Bắc. Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn. Tương truyền Hoàng thị là một người phụ nữ có làn da ngăm đen, tướng mạo thô kệch, thậm chí có mấy nốt ruồi lớn trên mặt.
Tương truyền, khi Hoàng Thừa Ngạn biết Gia Cát Lượng muốn tìm người kết hôn, ông liền nói với Gia Cát Lượng rằng: “Ta có một đứa con gái da dẻ đen đúa, dung mạo xấu xí nhưng có thể cùng ngươi xứng đôi".
Gia Cát Lượng đã lập tức đồng ý mà không để bụng đến dung mạo của thê tử.
Nhưng cũng có giai thoại khác rằng, Gia Cát Lượng tuy biết Hoàng Nguyệt Anh không xinh đẹp nhưng ngưỡng mộ tài năng và sự hiền đức của bà nên đã tìm mọi cách theo đuổi để được bà đồng ý gả.
Hoàng Nguyệt Anh được cho là đã trở thành hậu phương vững chắc giúp Gia Cát Lượng đạt được những thành công vang dội trong sự nghiệp của mình. Sau khi lấy Gia Cát Lượng, một tay Hoàng Nguyệt Anh lo liệu mọi việc trong nhà, sắp xếp cuộc sống ổn thỏa trên dưới, chăm sóc và dạy dỗ các con để Gia Cát Lượng toàn tâm toàn ý theo đuổi chí lớn không phải lo lắng gì.
Khi chồng ra chiến trường, và thậm chí khi ông đã làm Thừa tướng nhà Thục Hán, Hoàng Nguyệt Anh vẫn giữ nguyên vẹn phẩm chất là một người vợ tần tảo cùng mọi người trong nhà trồng dâu nuôi tằm, có công lớn trong việc tạo dựng nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương.
Tương truyền Hoàng Nguyệt Anh cũng thông thuộc binh thư, trên biết thiên văn dưới tường địa lý, đa mưu túc trí không thua kém Gia Cát Lượng. Thậm chí có giai thoại cho rằng, chính bà là người đã chỉ thêm cho Gia Cát Lượng về cách xem thiên văn, bày trận pháp...
Có giai thoại còn khẳng định rằng, chính Hoàng Nguyệt Anh là chủ nhân của sáng kiến “Mộc ngưu lưu mã” ("trâu gỗ ngựa máy, một phiên bản của xe cút kít để vận chuyển lương thực) chứ không phải Gia Cát Lượng.
“Mộc ngưu lưu mã” ("trâu gỗ ngựa máy) được cho là sáng kiến của Hoàng Nguyệt Anh chứ không phải Gia Cát Lượng.
Theo Sohu, trên thực tế, có thể Hoàng Nguyệt Anh không hề xấu, trái lại còn hết sức xinh đẹp. Những người phụ nữ xuất chúng thường không xấu, họ chỉ tự mô tả mình xấu xí vì khiêm tốn hoặc để tránh sự quấy rầy của người khác.
Ngoài ra, còn có giai thoại cho rằng, chính Hoàng Thừa Ngạn đã loan tin con gái mình xấu xí, thô kệch cốt để thử thách Gia Cát Lượng. Sau khi thành thân, phu thê Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh đã chung sống với nhau rất hòa thuận.