Giá cả tăng do lạm phát phi mã, quốc gia Đông Nam Á đưa ra cảnh báo đáng lưu ý

Dy Khoa |

Giá tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục tăng do giá hàng hóa tăng mạnh, chuỗi cung ứng gián đoạn và điều kiện thị trường lao động trong nước thắt chặt.

Hôm Thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Singapore đã phát cảnh báo về giá tiêu dùng ở nước này có thể sẽ tăng khi các doanh nghiệp chuyển phần chi phí gia tăng cho khách hàng, CNA dẫn lại. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh, gián đoạn chuỗi cung ứng và điều kiện thị trường lao động tại đảo quốc đang bị thắt chặt.

Trong khi đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cũng cho biết lạm phát cơ bản tại quốc gia Đông Nam Á này được dự báo sẽ "tăng mạnh" trong những tháng tới và đạt đỉnh vào quý 3 năm nay. Theo MAS, các diễn biến toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, đã làm xấu đi triển vọng lạm phát từ yếu tố bên ngoài.

Do đó, lạm phát giá tiêu dùng ở Singapore dự kiến sẽ tăng và "vẫn ở mức cao trong một thời gian".

Giá cả tăng do lạm phát phi mã, quốc gia Đông Nam Á đưa ra cảnh báo đáng lưu ý - Ảnh 1.

Giá dịch vụ vận tải tại Singapore có thể tăng do áp lực tình hình giá dầu chung của thế giới. Ảnh: Dy Khoa.

Cũng theo các báo cáo trên, thêm một yếu tố chính dẫn đến lạm phát giá tiêu dùng phi mã là giá năng lượng tăng mạnh gần đây, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện và khí đốt trong quý 3. Như vậy, giá năng lượng cao hơn sẽ tạo ra lạm phát lớn hơn, các dịch vụ vận tải và thực phẩm theo thời gian cũng chịu áp lực dây chuyền.

Tuy nhiên, điều tích cực đó là áp lực giá có thể giảm bớt vào cuối năm.Ngân hàng Trung ương Singapore giả định giá hàng hóa toàn cầu ổn định và hạn chế nguồn cung toàn cầu được nới lỏng phần nào.

Năm 2022, lạm phát cơ bản của Singapore được dự báo sẽ ở mức 2,5% đến 3,5%, tăng so với dự báo trước đó là 2% đến 3%. Lạm phát tổng thể, bao gồm phương tiện giao thông cá nhân và chỗ ở, từng được dự báo thậm chí còn tăng cao hơn, ở mức từ 4,5% đến 5,5%.

Điều này do phí bảo hiểm chứng chỉ quyền lợi (liên quan đến giấy tờ đăng ký ô tô tại Singapore - PV) và giá xăng dầu tăng cao, cũng như việc trì hoãn xây dựng trong các dự án khu dân cư đã góp phần đẩy giá thành phần về giao thông và giá nhà lên cao.

Giá cả tăng do lạm phát phi mã, quốc gia Đông Nam Á đưa ra cảnh báo đáng lưu ý - Ảnh 2.

Nền kinh tế Singapore dự kiến tăng trưởng từ 3% đến 5% trong năm nay. Ảnh: Dy Khoa.

Có thể ảnh hưởng đến sau năm 2022

Về giá lương thực cũng không nằm trong loạt dự kiến sẽ tiếp tục tăng do các cú sốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. MAS giữ quan điểm xung đột Nga-Ukraine gây ra "những hậu quả đáng kể" đối với giá lương thực toàn cầu, vốn đã tăng gần mức kỷ lục trước chiến tranh.

Giá ngũ cốc và dầu ăn đã tăng mạnh do Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu lớn toàn cầu của những mặt hàng này. Một số quốc gia cũng đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung của chính họ, hạn chế hơn nữa nguồn cung toàn cầu.

Thêm vào đó, chi phí phân bón đã bị đẩy lên do nguồn cung từ Nga và Ukraine giảm, có thể dẫn đến năng suất nông nghiệp trên toàn thế giới thấp hơn.

Các doanh nghiệp Singapore cho đến nay đã thích nghi với một số thay đổi về chi phí trong biên lợi nhuận của họ. Nhưng rõ ràng giá thực phẩm toàn cầu đang tăng cao hơn, Và tất cả chúng sẽ được áp vào giá thực phẩm tại thị trường nội địa.

"Do đó, giá lương thực toàn cầu tăng cao dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên lạm phát lương thực của Singapore sau năm 2022", nhà chức trách nước này cho biết.

Giá cả tăng do lạm phát phi mã, quốc gia Đông Nam Á đưa ra cảnh báo đáng lưu ý - Ảnh 3.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn tác động đến chỉ số lạm phát của Singapore. Ảnh: Dy Khoa.

Trước đó, do chính sách kiểm soát biên giới vì đại dịch Covid-19, giá cũng đã tăng một phần do lực lượng lao động bị giảm đáng kể; đẩy giá nhân công tăng cao. Tuy nhiên, tác động từ lực lượng này có thể giảm bớt từ sau khi Chính phủ Singapore nới lỏng chính sách biên giới và dòng lao động nước ngoài được nối lại.

Theo các dự báo trước đó, nền kinh tế Singapore dự kiến tăng trưởng từ 3% đến 5% trong năm nay, trong trường hợp không có thêm những gián đoạn do xung đột Nga-Ukraine hoặc tình hình đại dịch xấu đi.

MAS cho biết, chiến dịch quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã "gây ảnh hưởng" đến triển vọng kinh tế Singpore. Mặc dù mức độ tiếp xúc thương mại trực tiếp của đảo quốc với Nga là rất ít. Nhưng vẫn có những tác động liên thông khi hoạt động xuất khẩu của Nga bị gián đoạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại