Lợi dụng điều này, một số thầy thuốc đã lan truyền nhiều phương pháp, mà theo họ là có hiệu quả kéo dài tuổi thanh xuân.
Từng có nhà khoa học gây xôn xao khi tuyên bố ghép tinh hoàn dê có thể chữa bệnh liệt dương, nhưng đáng kể nhất là liệu pháp cấy tinh hoàn khỉ giúp con người trẻ hóa. Thực hư như thế nào?
Ý tưởng táo bạo
Bác sĩ Serge Voronoff (1866 – 1951).
Vào năm 1923, tại Đại hội các chuyên gia phẫu thuật quốc tế ở London (Anh), bác sĩ người Pháp gốc Nga, Serge Voronoff, đã có một cuộc trình diễn đầy tính giật gân.
Ông giới thiệu cho cử tọa, gồm hơn 700 bác sĩ phẫu thuật hàng đầu thế giới, một loạt phim, trong đó cho thấy tác dụng “trước và sau” của các phương pháp trị liệu đối với một số bệnh nhân của mình, tất cả đều ở độ tuổi từ giữa sáu mươi đến cuối bảy mươi.
Trong vòng 4 đến 20 tháng sau khi điều trị, sức khỏe và vẻ ngoài của những người tham gia có sự cải thiện đáng kể. Một số đã vững vàng trên lưng ngựa, chèo thuyền và thực hiện các kỳ tích thể thao khác.
Voronoff tuyên bố, ông đã điều trị hơn 40 người trên 60 tuổi, phần nhiều trong số này là những người giàu có và có nghề nghiệp vững chắc. Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất đối với các nhà khoa học là phương pháp trị liệu của ông.
Serge Voronoff sinh năm 1866 trong một gia đình gốc Do Thái ở làng Shekhman, Nga. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông rời Nga sang Paris học Y khoa.
Tại đây, ông đã gặp bác sĩ người Pháp nổi tiếng, Alexis Carrel, chuyên gia phẫu thuật đã nhận giải Nobel Y học cho kỹ thuật khâu mạch máu mang tính tiên phong của mình.
Dưới sự dẫn dắt của Carrel, Voronoff đã học các kỹ thuật cấy ghép và say mê với ý tưởng ghép tạng từ loài vật sang người, mà ông tin rằng có thể phục hồi sức sống trẻ trung, thậm chí chữa khỏi bệnh thông qua việc chuyển hormone.
Năm 1889, Voronoff bắt đầu làm việc với nhà sinh lý học thực nghiệm Charles-Édouard Brown-Séquard, người cũng quan tâm đến tác dụng trẻ hóa của hormone động vật, từng tiến hành các thí nghiệm trên chính mình, bằng cách tiêm dưới da chất chiết xuất từ tinh hoàn của chó và chuột lang.
Tuy nhiên, những thí nghiệm này không mang lại kết quả mong muốn, và Voronoff tin rằng, việc ghép mô sẽ tạo ra hiệu quả lâu dài hơn so với việc tiêm đơn thuần.
Năm 1896, Voronoff chuyển đến Ai Cập, tại đây ông quan tâm đến các hoạn quan thời trước, nghiên cứu việc thiếu tinh hoàn ảnh hưởng đến họ như thế nào về mặt sinh lý, cũng như tâm lý. Ông lưu ý những hoạn quan này thường béo phì, có xương chậu rộng và cơ bắp mềm mại, di chuyển một cách chậm chạp.
Những thí nghiệm trên người
Sau 14 năm làm việc và nghiên cứu tại một bệnh viện ở xứ sở kim tự tháp, Voronoff trở lại Pháp vào năm 1910 để tiếp tục thí nghiệm cấy ghép nội tạng và mô giữa các loài động vật khác nhau.
Chẳng bao lâu, ông bắt đầu cấy ghép nội tạng động vật cho những bệnh nhân sẵn sàng chấp nhận tham gia nghiên cứu. Một trong những thí nghiệm đầu tiên trên người được tiến hành vào năm 1913, Voronoff đã cấy ghép tuyến giáp của một con tinh tinh vào một thiếu niên người Pháp mà ông mô tả là một “chàng ngốc đáng thương”.
Vài tháng sau đó, Voronoff tuyên bố cậu ta đã lấy lại sinh khí, thể trọng và chiều cao, đồng thời khả năng tinh thần cũng trở lại bình thường.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Voronoff cấy ghép xương tinh tinh cho một binh sĩ Pháp bị thương và từ ca phẫu thuật này đã khiến ông nảy ý tưởng cấy ghép tinh hoàn khỉ cho người.
Ông tin rằng, tinh hoàn không chỉ đóng vai trò là cơ quan sinh dục, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển xương, cơ, thần kinh và tâm lý của con người. Từ năm 1917 đến 1926, Voronoff đã thử nghiệm lý thuyết của mình trên động vật, thực hiện hơn 500 ca cấy ghép trên cừu, dê, ngựa và bò đực.
Theo quan sát của ông, những con vật lớn được cấy tinh hoàn của những con vật nhỏ hơn đã lấy lại được sinh lực đã mất.
Năm 1920, Voronoff tiến hành ca cấy ghép tinh hoàn đầu tiên trên một người đàn ông 74 tuổi. Ông đã lấy tinh hoàn của một con khỉ và cắt nó thành những dải nhỏ chỉ vài cm, dày vài mm, sau đó ghép vào bìu của bệnh nhân. Kích thước nhỏ bé này cho phép mô lạ kết hợp dễ dàng với mô người.
Voronoff tuyên bố quy trình này không chỉ trả lại năng lượng và sức sống trẻ trung, mà còn chữa khỏi chứng lão suy, cải thiện trí nhớ cho bệnh nhân. Ông cũng suy đoán, phẫu thuật ghép này có thể mang lại hiệu quả cho những người mắc một số bệnh tâm thần, như tâm thần phân liệt.
Phương pháp điều trị của Voronoff trở nên nổi tiếng và nhiều triệu phú đã đăng ký thực hiện. Có tới 45 bác sĩ phẫu thuật bắt đầu sử dụng các kỹ thuật của Voronoff ở nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Italy, Nga, Brazil, Chile và Ấn Độ. Từ năm 1920 đến 1940, khoảng 2.000 người đã chấp nhận phẫu thuật, riêng ở Pháp là 500 người.
Để đáp ứng với sự gia tăng đáng kinh ngạc của nhu cầu, Voronoff đã mở một trang trại nuôi khỉ trong một biệt thự do ông mua ở khu vực ven sông của Italy mà ông gọi là Lâu đài Voronoff. Tại đây, ông xây dựng một bệnh viện nhỏ để các bác sĩ có thể thực hiện các cuộc cấy ghép.
Thực hư về một công trình
Bức ảnh của một cậu bé 14 tuổi trước và sau một năm được ghép tuyến giáp của khỉ.
Những thí nghiệm được cho là thành công của Voronoff mang lại cho ông ta một lối sống xa hoa. Khi còn ở Paris, Voronoff từng chiếm toàn bộ tầng một của một trong những khách sạn đắt tiền nhất kinh đô ánh sáng, vây quanh là một đoàn tùy tùng gồm tài xế, người hầu, thư ký riêng và hai tình nhân.
Bất chấp những nỗ lực hết mình để truyền bá về tác dụng thực sự của liệu pháp cấy ghép này và lợi ích của chúng, sự nghiệp của Voronoff đã đột ngột kết thúc khi ông buộc phải chấm dứt các thí nghiệm dưới áp lực từ cộng đồng khoa học, những người nghi ngờ về kết quả các cuộc phẫu thuật này.
Khi Voronoff tiến hành công việc của mình, người ta không biết gì về cơ chế đào thải hoặc hoạt động của hệ miễn dịch. Khái niệm về hormone không được hiểu đầy đủ và không ai biết gì về vai trò của chúng.
Trong cuốn sách The Monkey Gland Affair, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép giàu kinh nghiệm, David Hamilton, giải thích cách mô động vật được đưa vào cơ thể người sẽ không được hấp thụ mà bị đào thải ngay lập tức, để lại mô sẹo, có thể đánh lừa mọi người tin rằng mô ghép vẫn còn nguyên.
Khi lần đầu tiên testosterone được phân lập vào năm 1935, Voronoff hoan nghênh tin tức này vì ông kỳ vọng khám phá mới sẽ chứng minh lý thuyết của mình là đúng đắn. Tuy nhiên, khi testosterone được tiêm vào động vật, nó không làm chúng trẻ lại cũng không kéo dài tuổi thọ.
Người đàn ông 74 tuổi, trước và sau một năm ghép tinh hoàn khỉ.
Kết quả khiến Voronoff vô cùng thất vọng và ông đã bị chế giễu rất nhiều trên báo chí. Vào những năm 1940, Kenneth Walker, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng người Anh, đã mô tả phương pháp điều trị của Voronoff là “không tốt hơn phương pháp của phù thủy và pháp sư”.
Khi Voronoff qua đời vào năm 1951, rất ít tờ báo đăng cáo phó của ông. Vào những năm 1990, một số nhà khoa học thậm chí còn đổ lỗi cho Voronoff chịu trách nhiệm đưa virus HIV vào loài người, nhưng tuyên bố này sau đó đã bị bác bỏ.
Gần đây, những khám phá đã chỉ ra rằng, các tuyến sinh dục có ảnh hưởng to lớn đến hành vi của con người, từ đó đã hình thành nền tảng của nhiều liệu pháp hiện đại, bao gồm cả chiến lược chống lão hóa, thay thế hormone suy giảm theo tuổi tác để phục hồi sức sống thể chất gắn liền với tuổi trẻ.
Các bác sĩ hiện đại không còn đặt câu hỏi về việc sản xuất hormone giảm theo tuổi tác và có thể ngăn chặn những thay đổi liên quan đến lão hóa với sự trợ giúp của liệu pháp hormone.
Vào tháng 11 năm 1991, một trong những tạp chí y học lâu đời nhất trên thế giới, The Lancet, gợi ý các nghiên cứu của Voronoff về tuyến của khỉ nên được xem xét lại.