"Thừa nước đục thả câu" là một thành ngữ quen thuộc trong cuộc sống đời thường của người Trung Hoa. Nó mang nghĩa "tận dụng cơ hội mà trục lợi".
Giới trẻ Trung Hoa vận dụng thành ngữ này vào môi trường làm việc, hiểu theo kiểu "thừa dịp cấp trên xao nhãng hoặc không thể giám sát, bắt bẻ mà biếng nhác, chểnh mảng".
"Tôi thừa nước đục cả ngày, hạnh phúc vô cùng mỗi lần trót lọt"
Trung Quốc là đất nước cuồng "làm việc đến chết", khét tiếng với văn hóa 996 - làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày/tuần. Từ thập niên 1980, người lao động Trung Quốc đã luôn phải làm việc hết công suất. Nhờ sự nỗ lực của họ, nền kinh tế của quốc gia này liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao.
"Như tôi thấy thì 996 là một đại cát," - tỷ phú Jack Ma từng đánh giá. "Nói cho cùng, làm gì có chuyện đạt được sự thành công mỹ mãn mà không cần phải bỏ ra sức lực hay thời gian."
Người thuộc Thế hệ X - Gen X (1961 - 1981) và Y (1981 – 1996) Trung Quốc đều phải trải qua 996. Đất nước tỷ dân vốn "thừa người, thiếu việc" này đào thải "kẻ vô dụng" cực gắt, sẵn sàng sa thải và đổi hàng loạt công nhân viên. Thế nhưng bắt đầu từ năm 2019, khi đại dịch virus corona bùng phát và vẫn tiếp tục đem tới những thiệt hại nặng nề, người lao động ở Trung Quốc đột ngột "phản 996".
Gen Z Trung Quốc đang tìm cách làm biếng ngay tại chỗ làm, vì không được trả lương tương xứng
Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z (1997-2012) đua nhau thừa dịp cấp trên bị phân tán sự tập trung vì Covid-19 mà tỏ ra lười biếng ở chỗ làm. Thay vì "cống hiến hết mình", họ chuyển sang "chỉ làm cho có". Họ từ chối tăng ca hay nhận thêm việc, chỉ làm đúng phận sự và vừa hết giờ làm đã lập tức rời công ty.
Tại nơi làm việc, dưới con mắt giám sát của các sếp, giới trẻ Trung Quốc bày đủ trò "qua mắt thánh". Họ mang theo bình trữ nước lớn, uống liên tục để lấy cơ hội vào nhà vệ sinh, sau đó ở mãi không chịu ra. Bị gọi quay lại, họ giả vờ chăm chỉ bằng cách cắm mặt vào màn hình máy tính, nhưng thực chất thì lén lút xem truyện, chơi game, lướt web…
Mỗi lần thành công "qua mắt sếp", giới trẻ "lắm trò" Trung Quốc lại khoe khoang, chia sẻ "bí quyết" với nhau qua các trang và ứng dụng mạng xã hội. "Suốt cả ngày trên công ty, tôi chỉ nhăm nhe thừa nước đục và hạnh phúc vô cùng mỗi khi trót lọt" - một người thừa nhận.
"Lười biếng trong công việc là… quyền của người đi làm"
Trở lại với 996, Jack Ma đã không hề sai khi xem nó như chìa khóa dẫn tới thành công. Quả thật, người lao động thuộc Gen X của Trung Quốc đã thuận lợi làm giàu từ nó. Họ càng hết mình vì công việc bao nhiêu, càng được đền đáp bấy nhiêu. Tuy nhiên, chuyển sang Gen Y thì lại khác.
"Có một sự thật cực kỳ... quắn quéo trong ngành công nghệ. Đó là nếu trước năm 35 tuổi, bạn làm chuyên viên kỹ thuật của một công ty giao đồ ăn thì sau năm 35 tuổi, bạn chỉ là người giao hàng" - Suji Yan (25 tuổi), giám đốc của một công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc lên tiếng. "Chúng tôi đều biết, các ông chủ Trung Quốc chỉ thích tuyển nhân viên trẻ, những người giàu có thời gian và sức lực, đáp ứng 996 mọi lúc."
Phong trào chống đối ngầm đang nhận được sự hưởng ứng của giới trẻ
Như một lẽ dĩ nhiên, các ông chủ này sẽ sa thải những nhân viên thiếu thời gian và sức lực, vì đã có gia đình và tuổi tác. Tuổi 35 giống như một cái mốc, khiến người lao động Trung Quốc không thể ngừng thấp thỏm. Để an toàn vượt qua cái mốc này, họ bắt buộc phải biểu hiện sự tận tâm tận lực với công việc. Có điều, "Dù có nỗ lực đến đâu đi chăng nữa, tôi cũng chẳng có cơ hội thăng chức" - một lao động thuộc Thế hệ Y ấm ức. "Tiền lương cũng chẳng tăng thêm lấy một xu".
Cuối năm 2020, Trung Quốc báo cáo mức lương trung bình. Họ cho biết nó chỉ tăng so với năm 2019 có 2%. Trong thực trạng ảnh hưởng của Covid-19 còn kéo dài hiện nay, dự đoán "tạm ngừng tăng lương" có thể tiếp tục đến tận năm 2025.
"Tại sao tôi lại phải làm việc hết mình trong khi không được trả lương tương xứng?" - giới trẻ Trung Quốc bức xúc. Họ quay ra đòi… quyền làm biếng, tuyên bố "Bất cứ ai cũng có quyền... làm biếng trong công việc. Dù pháp luật có bảo vệ hay không, làm biếng vẫn là... quyền của người đi làm."
Đói, đã có phụ huynh chu cấp!
Nguyên nhân chính khiến Gen X Trung Quốc chấp nhận chịu đựng 996 là kinh tế. Trước năm 2000, Trung Quốc vẫn còn nghèo, thu nhập bình quân chỉ dưới 1000 đô/người/năm (tương đương 23,2 triệu đồng tiền Việt). Người lao động là các trụ cột gia đình, bắt buộc phải bằng mọi cách vượt qua 996.
Nửa đầu của Gen Y cũng cùng số phận, nhưng nửa sau thì không. "Nếu nhìn vào lối sống của giới trẻ Trung Quốc, bạn sẽ thấy có sự khác biệt lớn giữa những người sinh trước và sau năm 1990" - Jennifer Feng, nhà điều hành trang tìm việc trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc, 51job.com nói.
"Nếu những người chào đời trước năm 1990 vẫn nghĩ, nỗ lực là chìa khóa của thành công; thì những người chào đời sau năm 1990 không hề bận tâm tới. Bởi vì, họ đã có hậu phương cực kỳ vững chắc là cha mẹ có điều kiện tài chính vững vàng."
Người Trung Quốc nổi tiếng yêu thương và sẵn lòng hỗ trợ con em. So với năm 2000, thu nhập bình quân của đất nước này đã tăng gấp 10, lên 10.000 đô/người vào năm 2020. Giới trẻ Trung Quốc có thể dựa dẫm vào cha mẹ, anh chị, không nhất thiết phải "bán mạng" cho công việc.
Nguy cơ "bị đuổi việc" đang "trên voi" đột ngột bị ném "xuống chó", trở thành "chuyện vô cùng nhỏ". Giới trẻ Trung Quốc không chỉ "chả sợ", mà còn bảo nhau "tuyệt đối đừng vì tự ái hay bất cứ lý do gì xin nghỉ việc". Ngược lại, "hãy cứ nhơn nhơn, khiến sếp phát điên và ra quyết định sa thải", lợi dụng điểm này kiếm thêm tiền. Luật lao động Trung Quốc quy định, nếu đuổi việc nhân viên thì phải thanh toán toàn bộ tiền lương và thêm khoản bồi thường (bằng lương 1 tháng nhân với năm làm việc).