Nhiều yếu tố không thuận
Năm 2017, theo Chính phủ thì trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, dự kiến có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch.
Đặc biệt được nhấn mạnh tại báo cáo của Chính phủ là mục tiêu tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 6,7%.
"Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt" - Chính phủ nhấn mạnh.
Kết quả của sự cố gắng lớn này, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì vẫn cần một lời giải thích thuyết phục hơn trước Quốc hội.
Với 2018, Chính phủ dự kiến GDP tăng khoảng 6,5-6,7% so với năm 2017.
Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 3,07-3,19%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7,17-7,59% (riêng khai khoáng giảm khoảng 9-9,25% và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 12,15-12,7%), khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,3-7,39%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng khoảng 6,2%.
Đặt chỉ tiêu tăng trưởng 2018 không cao hơn 2017, Chính phủ cũng đã lường đến những khó khăn mới có thể xuất hiện tác động giảm tăng trưởng trong năm 2018. Đó là, những động lực tăng trưởng dựa vào yếu tố như khai thác dầu khí, than, đóng góp của Samsung, Formosa, kiều hối,... đều đã được tận dụng trong năm 2017 và khó có khả năng có mức tăng bứt phá.
Ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô, dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017. Dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017, thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm;...
Tất cả những yếu tố không thuận nêu trên sẽ tác động lớn đến mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018 - báo cáo nêu rõ.
Xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém
Dự kiến một số cân đối lớn của nền kinh tế 2018, báo cáo của Chính phủ cho biết tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2018 dự kiến là 1.319,2 nghìn tỷ đồng.
Tổng chi dự kiến khoảng 1.523,2 nghìn tỷ đồng. Bội chi khoảng 204 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 3,7% GDP).
Về đầu tư phát triển, dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.860-1.897 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33-34% GDP.
Xuất khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 216-218 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2017, nhập khẩu khoảng 221-223 tỷ USD, tăng khoảng 8-9%. Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 3%.
Phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nội dung đầu tiên được đề cập là tăng cường ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ xác định điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, nhằm hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xử lý nhanh nợ xấu. Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Giải pháp tiếp theo là điều hành linh hoạt tỷ giá trên cơ sở diễn biến của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.
Trong điều hành chính sách tài khoá, Chính phủ cho biết sẽ kiểm soát các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của chính quyền địa phương, không chuyển vốn vay về cho vay lại, vay bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, thúc đẩy thị trường mua bán nợ.
Năm sau, Chính phủ cũng sẽ tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án hợp tác công tư, nhất là các dự án BOT. Tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước phát triển hạ tầng.
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm.
Xác định tiếp tục thực hiện ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có các tổ chức tín dụng, Chính phủ cho biết sẽ thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.
Tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.