Đúng như bà chia sẻ, tốt nghiệp Đại học ở Anh, Nguyễn Duy đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành Kova Singapore, năm 2014 anh về Việt Nam và thành lập Kova Trading.
Thương hiệu KOVA được bà của Nguyễn Duy sáng lập nên. PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe hiện vẫn đảm trách vị trí Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA, bà là giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM, từng đoạt giải Kovalevskaya tại Mỹ (năm 1992) và nằm trong top 1.000 phụ nữ được đề cử giải Nobel hòa bình (năm 2005).
Hiện Kova đã có 7 nhà máy, và 12 công ty thành viên ở 7 các nước và sản phẩm đã có mặt tại nhiều thị trường như: gồm Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Mỹ và Nga.
Nguyễn Duy cho biết sứ mệnh của anh là làm sao hai chữ “KOVA” trở nên quen thuộc hơn nữa với người tiêu dùng Việt Nam và đưa sản phẩm do gia đình mình làm ra đi chinh phục thế giới.
Nhà sáng lập Kova, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe.
Trọng trách của Kova Trading: Đưa sản phẩm đi chinh phục thế giới
Bước vào văn phòng của Kova Trading, tôi có cảm giác bước vào một công ty công nghệ hay một startup bởi cách bố trí bàn ghế, những hình khối trong văn phòng làm việc. Đây cũng chính là tòa nhà văn phòng mới do chính tay Duy lên ý tưởng thiết kế và cho xây dựng.
Theo chia sẻ của Duy, thời gian đầu với Duy quả là áp lực, đó là những áp lực vô hình. Bởi Duy còn trẻ và lại là cháu ngoại của người sáng lập là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe, liệu rằng Duy có “vượt sướng” nổi và có năng lực thực sự, hay mọi thứ đang quá dễ dàng với Duy. Khi đảm đương vị trí CEO Trading, Duy mới chỉ 25 tuổi.
Sau 3 năm, những đóng góp không phải bằng lời mà bằng kết quả, con số, đã làm thay đổi ánh nhìn của nhiều người.
Trong những năm qua, Kova Trading đã giúp đưa sản phẩm sang thị trường tiềm năng là Nga, Srilanka, châu Âu nhưng chủ lực vẫn là Singapore và Malaysia. Trong những năm qua, tăng trưởng của Kova vẫn ở mức 30-40%.
Nói về thị trường châu Âu, công ty này đã và đang đẩy những dòng sản phẩm đặc biệt là sơn Nano từ vỏ trấu, đặc biệt là các dòng sơn chống thấm, sơn đá nghệ thuật, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy,….
“Những dòng sơn thông thường không sang thị trường châu Âu được, vì những thị trường đó rất mạnh về các dòng sơn. Ở đây, họ đang cần một loại sơn thật sự đặc biệt”, Duy nói về thị trường châu Âu.
Theo Duy, kinh doanh sơn có đặc thù riêng vì trong sơn, nước chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu mang sơn nước sang châu Âu thì chi phí vận chuyển rất cao.
Duy lấy ví dụ, một chiếc Iphone mang từ nước ngoài về thì trọng lượng chỉ vài trăm gram nhưng thùng sơn hàng mấy chục kg thì chi phí vận chuyển giá có khi là lên tới cả hơn 100 đô. Vì vậy, để phát huy được lợi thế thì phải có nhà máy ở tại đó, muốn có nhà máy thì phải có thị trường.
Nhưng để mang sản phẩm đi đánh với thị trường Châu Âu thì phải là những dòng cao cấp của Kova. Những dòng Nano thường sẽ đi vào những thị trường khó tính và Kova chọn đưa sản phẩm Nano từ vỏ trấu để tạo sự khác biệt.
Duy kể, anh có nhiều cơ hội tiếp xúc với đối tác nước ngoài. Thực sự họ đánh giá rất cao và trân trọng Kova.
“Họ nói về câu chuyện "cô Hòe" (cách mà Duy vẫn thường gọi bà ngoại) và họ trân trọng "cô" như thế nào. Tôi nhận thấy Kova cực kỳ tuyệt vời. Và ngay cả những người trong nước khi ra nước ngoài, họ cũng mang câu chuyện "cô Hòe" để kể và để thấy rằng người Việt Nam giỏi”, Duy xúc động chia sẻ.
“Thực sự điều tôi muốn cho mọi người thấy tôi là người KOVA, là từ Việt Nam. Bây giờ kinh doanh kiếm tiền không phải là mục tiêu của tập đoàn mà là giá trị bền vững.
Chúng tôi thực sự nôn nóng là muốn mang sản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn và muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng người Việt Nam chúng ta không chỉ có tre, nứa như họ nghĩ. Chúng tôi có sản phẩm đi từ khoa học công nghệ, đi từ nghiên cứu và do chính người Việt làm”, Duy bộc bạch.
Thứ nữa, Sau khi KOVA Trading ra đời, thứ thay đổi rõ rệt nhất là mọi người, bà Hòe cùng Hội đồng quản trị, thấy được vai trò của bộ phận thương mại hóa sản phẩm như thế nào và mọi người đều bị thuyết phục.
Bởi trước giờ Kova chỉ tập trung phần nhiều vào R&D do ngay từ đầu, Kova bắt nguồn từ khoa học. Kova Trading phát triển và giải quyết khâu thương mại hóa sản phẩm, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, điều mà các công ty bắt nguồn từ nhà khoa học chưa chú trọng.
“Tôi nghĩ là đội ngũ Kova Trading đang sở hữu một đội ngũ tuyệt với, vì quan trọng nhất là mọi người hiểu, cảm được văn hóa của doanh nghiệp Kova. Với các công ty gia đình, đâu đó bị hạn chế là do khác biệt về văn hóa, khiến cho một người ngoài vào rất khó để phát huy.
Cái mà tôi làm được là cho mọi người thấy được một văn hóa vừa đủ để mọi người cảm nhận đây như là một gia đình có nguyên tắc”, Duy nói về vai trò của Kova Trading.
3 năm qua là thời gian trồng cây, chờ đến ngày hái quả và sẽ thu hoạch trên diện rộng
Kova có sản phẩm tốt được thế giới công nhận là thế, nhưng tại Việt Nam, nhiều gia đình dùng sơn Kova nhưng không biết đó là sản phẩm do chính người Việt sản xuất, có người tưởng rằng đó là sản phẩm từ nước ngoài.
Nói về câu chuyện chưa nhiều người Việt biết đến sơn Kova, Duy cho rằng, đó vừa là hạn chế, vừa là cơ hội. “Hạn chế là do phía công ty làm công việc thương mại chưa được tốt, nhưng để thay đổi cần một số nguồn lực và cần thời gian.
Nhưng cơ hội ở đây là chưa làm nên có nhiều cách để làm hơn, dự đoán của tôi là sắp tới sẽ có rất thứ mới mẻ mà Kova sẽ tung ra dần dần. 3 năm qua là phía công ty đang trong quá trình trồng cây chờ đến ngày hái quả mà tôi nghĩ là thu hoạch trên diện rộng”, Nguyễn Duy bày tỏ.
“Cũng may mắn là sản phẩm Kova chất lượng tốt. Phía công ty lúc trước không tập trung nhiều cho chi phí quảng bá, hơn 20 năm qua chưa bao giờ thấy Kova quảng cáo trên tivi cả. Quan điểm của 'cô Hòe' và công ty là những chuyện đấy phải tối giản cực kỳ.
Tất nhiên, phía công ty vẫn hiểu để bán được sản phẩm phải truyền thông đến người tiêu dùng, và sắp tới sẽ có những sự thay đổi phù hợp để người tiêu dùng sẽ nhìn thấy và biết đến Kova nhiều hơn nhưng chi phí để làm truyền thông và maketing rất cao.
Kova vẫn nhìn và học hỏi đối thủ trong ngành trên thị trường, dĩ nhiên nên tảng mình vẫn phải học, nếu dựa trên cái người ta làm sẵn mình mình có thể làm khác đi hay tốt hơn mình thì Kova sẽ làm”, Duy nói thêm.
Chiêu mộ những người giỏi nhất trong mọi ngành
“Ngày mới thành lập công ty, tôi ôm việc. Nhưng giờ khác. Tôi nhận ra rằng phải để cho các bạn cùng team chịu trách nhiệm, xây dựng cùng với mình, thay vì mình quyết thì tạo điều kiện cho các bạn xử lý tình huống. Câu đầu tiên tôi nói với các bạn cùng team là cứ làm đi, sai cùng chịu với các bạn.
Đúng thì đó là bài học của các bạn”, CEO Kova Trading chia sẻ khi nói về cách quản lý công việc và thời gian. Bởi không chỉ là CEO Kova Trading, Duy còn đang tham gia vào ban lãnh đạo Startup Vietnam Foundation (Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam).
“Mọi người tiến bộ nhanh và quan trọng là hiệu quảcả công việc của công ty tăng lên rất nhiều. Nó không còn nút thắt cổ chai nữa. Khi giải quyết được điều này, tôi đã giải phóng được bản thân mình và chỉ nghiên cứu xem cách vận hành nào tốt nhất. Các phòng ban làm việc tốt nhất và các bạn không bị áp lực”,
Ngoài Kova và SVF, Duy tiết lộ anh đầu tư vào các công ty tư vấn. Các chuyên gia trong các công ty tư vấn là những người giỏi trong ngành.
“Tôi mời họ tư vấn cho Kova Trading. Như vậy, từ tài chính, nhân sự… họ xây dựng cho Kova Trading. Họ là những người có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực chuyên môn cho các tập đoàn vài chục ngàn tỷ thì Kova Trading không phải chuyện phức tạp”, Duy cho biết.
Kova Trading sẵn sàng trả giá cao và cần sự chuyên nghiệp ngay từ đầu. Vì theo Duy, xây xong lại phá thì phí rất cao. “Tôi quan niệm xây ngay từ đầu để một ngày nào đó đạt chuẩn cao luôn”, Duy bày tỏ quan điểm.
Về nhân sự, Duy cũng tìm những người giỏi và lấy Kova Trading làm nơi thử nghiệm. “Nếu Kova Trading thành công thì mô hình có thể sẽ được nhân rộng ra các startups khác mà chúng tôi hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ khác tại Việt Nam”, lãnh đạo 8x nói.
Trách nhiệm hay đam mê?
Duy cho biết, đến với Kova, vì cả trách nhiệm và đam mê. “Cảm giác mà thấy người thân trong gia đình vất vả thì chắc chắn rất khó chịu. Tôi luôn có mong muốn là gánh vác thay mọi người. Vì thấy ba mẹ rồi cô Hòe phải giải quyết sự việc rất vất vả.
Gia đình tôi, mỗi người đều có đam mê riêng. Cô Hòe rất đam mê về nghiên cứu khoa học. Nhưng cô cũng phải có thời gian làm việc khác. Ba mẹ cũng vậy. Đam mê là có vì khi càng làm, càng hiểu sâu thì càng thích. Kova có tiềm năng rất lớn và thực sự nó là có tiềm năng rất lớn. và được nhiều người đánh giá Thực sự là một viên kim cương”, Duy bày tỏ.
Và Duy càng làm càng mê.
Duy kể, từ bé anh đã thấy nối nghiệp gia đình là việc nên làm. Cả bà và bố mẹ Duy đều là xuất thân từ những người làm nghiên cứu khoa học, giảng dạy tại Đại học Bách Khoa TP.HCM và Hà Nội.
“Tôi từng đặt ra câu hỏi với ba rằng: Ba muốn con học gì, kỹ thuật hay kinh doanh? Mọi người trong gia đình đều nhận ra rằng câu chuyện về thương mại hóa đang bị hạn chếthiếu ở Kova. Mọi người trong gia đình có thể làm tốt nhưng không thuận tay. Thế là tôi đi học thương mại. Tôi thấy học đúng đấy”, Duy vừa cười vừa nói.
“Gia đình kỳ vọng lúc đầu thôi. Giờ tôi vượt qua rồi. Giờ tôi còn kỳ vọng hơn mọi người kỳ vọng”, Duy cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cùng các nhà khoa học Mỹ tại phòng thí nghiệm ĐH Bách Khoa HCM. Ảnh: Kova
Tôi không bao giờ vượt qua được bóng của bà
“Nếu mình nghĩ cái bóng thì không bao giờ có thể vượt qua. Rõ ràng, bà tôi thì tôi không bao giờ vượt qua được. Ba mẹ tôi cũng vậy, đều là những người rất giỏi và tuyệt vời. Thay vì vượt qua cái bóng thì tôi ở đây để mong họ tỏa sáng hơn”, Duy trả lời trước câu hỏi về cái bóng quá lớn của người sáng lập Kova.
“Mình làm câu chuyện của mình. Mình cho mọi người thấy được thành quả khoa học kỹ thuật của bà. Vậy thì, nếu mình xác định như vậy thì lo ngại gì cái bóng”, Duy tiết lộ.