Gay gắt với Bắc Kinh, ông Trump vô tình tặng lại TQ "món quà vô giá" mà không hay biết

Tất Đạt |

Tình trạng chảy máu chất xám kết thúc giữa lúc ngành nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc bắt đầu tiếp cận những công nghệ với tiềm năng thay đổi thế giới.

Chuyển biến trong thị trường việc làm ở Trung Quốc

Theo SCMP, Trung Quốc dường như đã thành công trong việc đảo ngược tình trạng "chảy máu chất xám" giữa nhóm các nhà nghiên cứu và nhà khoa học đã và đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài trong nhiều năm qua, hầu hết là tới Mỹ.

Hiện nay, rất nhiều các nhà khoa học có trình độ hàng đầu lựa chọn ở lại Trung Quốc vì nhiều lí do. Tuy nhiên, việc chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây có những động thái "khắc nghiệt" với các nhà khoa học gốc Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng mới này.

"Vấn đề chảy máu chất xám không còn hiện hữu nữa. Một lí do quan trọng là lương cho các nhà khoa học đã cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân khác nữa là do ông Trump," Chen Guoqiang - trưởng bộ phận Trung tâm Tổng hợp và Hệ thống Sinh học tại Đại học Thanh Hoa - cho biết.

Theo số liệu mới nhất Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố vào tháng 4, năm ngoái, nước này có khoảng 600.000 sinh viên du học nước ngoài. Hơn một nửa trong số đó học tập tại Mỹ.

Gay gắt với Bắc Kinh, ông Trump vô tình tặng lại TQ món quà vô giá mà không hay biết - Ảnh 1.

Trung Quốc đang tự phát triển nền công nghiệp robot. Ảnh: AP

Trong những năm qua, hơn 95% số sinh viên Trung Quốc nhận được bằng đại học và sau đại học tại các nước phát triển chọn ở lại sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, tới cuối năm ngoái, hơn 83% đã trở lại Trung Quốc - con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây tính từ 2012.

Tuy vậy, mặc cho những hạn chế của chính quyền ông Trump đối với những sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc, nhiều nhà khoa học Trung Quốc vẫn lựa chọn ở lại Mỹ mặc dù lương ở quê nhà còn cao hơn.

Theo thông báo tuyển dụng của một viện nghiên cứu chính phủ Trung Quốc hồi tháng trước, mức lương cho một nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ ở Trung Quốc hiện lên đến 600.000 NDT (khoảng 87.827 USD)/1 năm - gần gấp đôi mức lương trung bình cho cùng khối lượng công việc ở Mỹ.

"Mức lương cơ bản trong khoảng 250.000 tới 300.000 NDT mỗi năm, cộng với tiền thưởng cho những cá nhân xuất sắc từ 100.000 đến 300.000 NDT. Tức là tổng cộng khoản tiền một nhà nghiên cứu thu được sẽ là từ 350.000 đến 600.000 NDT hàng năm."

Thông báo trên được đưa ra ngày 30/8 để tuyển dụng thêm thành viên cho nhóm của Giáo sư Zhou Yongjin tại Viện Vật lý Hóa học Đại Liên thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở tỉnh Liêu Ninh.

Gay gắt với Bắc Kinh, ông Trump vô tình tặng lại TQ món quà vô giá mà không hay biết - Ảnh 2.

Các nhà khoa học có trình độ của Trung Quốc nghiên cứu từ thuốc chữa ung thư tới máy tính lượng tử. Ảnh minh họa: Reuters

Đội ngũ của ông Zhou - nghiên cứu về sản xuất enzyme hóa học - đã phát triển được công nghệ sản xuất thuốc mới. Sau khi nghiên cứu thu về số tiền hơn 18 triệu NDT hồi năm ngoái, giáo sư Zhou muốn tuyển thêm hai nhà khoa học với mức đãi ngộ như ở trên.

Công việc không yêu cầu có kinh nghiệm và dành cho tất cả những người có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực vi sinh.

Trong buổi phỏng vấn, một thành viên của nhóm ông Zhou xác nhận thông tin nói trên: "Đây là mức lương hợp lí. Tuy nhiên nó vẫn chưa phải là mức lương cao nhất trên thị trường".

Trong khi đó, theo trang glassdoor.com - một website so sánh mức lương ở Mỹ, mức lương trung bình cho các nhà nghiên cứu có trình độ tiến sĩ ở Mỹ là khoảng 47.000 USD.

Khoản tiền lương đối với lĩnh vực y sinh là cao nhất. Ví dụ, Viện Y tế Quốc gia trả trung bình 51.450 USD/ 1 năm cho các tiến sĩ, nhưng khoản tiền này vẫn thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của nhóm giáo sư Zhou.

Theo ông Chen, thu nhập của các nhà khoa học Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, ít nhất là ngang và thậm chí còn hơn các đồng nghiệp tại Mỹ rất nhiều.

Trong khoảng 60% những người tốt nghiệp chương trình tiến sĩ khoa học tại đại học Thanh Hoa, chỉ 5 người chọn đi du học. Trong số đó, 3 người đã quay trở lại Trung Quốc, ông Chen tiết lộ.

Khi Mỹ không còn là "miền đất hứa"

Nhà Trắng đã có những động thái "làm khó" các nhà khoa học người Trung Quốc hồi tháng 6, khi Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu rút ngắn thời hạn visa cho những nhà nghiên cứu Trung Quốc từ 5 năm xuống còn 1 năm.

Ngoài ra, trong buổi điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện hồi tháng 2, giám đốc FBI Christopher Wray còn cho rằng "thông tin tình báo" từ các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học và sinh viên Trung Quốc đã trở thành "hiểm họa đối với toàn xã hội Mỹ".

Gay gắt với Bắc Kinh, ông Trump vô tình tặng lại TQ món quà vô giá mà không hay biết - Ảnh 3.

Ông Trump ngầm hàm ý rằng mỗi sinh viên tới từ Trung Quốc đều là "điệp viên". Ảnh: Reuters

"Không phải chỉ ở những thành phố lớn mà còn ở cả các thành phố nhỏ nữa; về cơ bản là ở khắp mọi nơi," ông Wray nói.

Trong bữa tối với những nhà điều hành doanh nghiệp hồi tháng trước, ông Trump còn ngầm hàm ý rằng mỗi sinh viên tới từ Trung Quốc đều là "điệp viên".

Trong tình cảnh đó, "trừ khi có những đề nghị 'không thể nào cưỡng lại được', ví dụ như một vị trí tại phòng thí nghiệm cực kì hàng đầu, thì hầu hết mọi người đều tránh ở lại Mỹ," ông Chen cho biết.

Tình trạng chảy máu chất xám kết thúc giữa lúc ngành nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc bắt đầu tiếp cận những công nghệ với tiềm năng thay đổi thế giới.

Hàng loạt loại thuốc mới với khả năng chữa bệnh nan y như ung thư, AIDS và Alzheimer đang được tiến hành; các máy tính siêu dẫn và lượng tử có thể xử lý và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu, sử dụng ít năng lượng hơn so với các máy tính thông thường đang được thiết kế; các ứng dụng chưa từng có của công nghệ trí thông minh nhân tạo đang được sử dụng trong kinh doanh và nhà máy; các loại vũ khí mới, bao gồm thiết bị siêu âm, máy bay tàng hình không người lái và các khẩu pháo năng lượng công suất cao đã tiến tới giai đoạn triển khai thực địa.

Do đó, nhu cầu nghiên cứu ở Trung Quốc đang lớn hơn bao giờ hết.

Hầu như những người hoàn thành nghiên cứu đều ở tầm 30 tuổi, giai đoạn mà các nhà nghiên cứu được cho là sáng tạo và năng suất nhất suốt sự nghiệp.

Thị trường trong nước hấp dẫn

Năm 2016, hơn 10.000 tiến sĩ mới tốt nghiệp tham gia chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ. Cùng lúc, có hơn 6.000 viện nghiên cứu, đại học và công ty được chứng nhận bởi chính phủ "săn lùng" nguồn nhân lực này.

Theo các nguồn tin, thu nhập trung bình của các tiến sĩ ở Trung Quốc sẽ là khoảng từ 200.000 tới 400.000 NDT trong năm nay, cao gấp 3 lần thu nhập bình quân.

"Vì cuộc đua giành lấy người tài ngày càng khốc liệt, mức lương được đẩy lên ngày càng cao và khả năng nguồn chất xám rời khỏi Trung Quốc ngày càng giảm. Đây là tín hiệu mừng đối với chính phủ Trung Quốc."

Gay gắt với Bắc Kinh, ông Trump vô tình tặng lại TQ món quà vô giá mà không hay biết - Ảnh 4.

Các sinh viên theo học tại Đại học Thanh Hoa. Ảnh: Alamy

Liu Yang, một tiến sĩ tại trường Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết cô và các đồng nghiệp cũng nhận thấy vấn đề với nước Mỹ. Họ từ chối nghĩ tới phương án học tập và làm việc tại Mỹ khi ông Trump vẫn còn đương nhiệm.

Nghiên cứu của cô Liu bao gồm việc tìm hiểu cách gửi tàu vũ trụ đến một tiểu hành tinh - hoặc đẩy lui các hành tinh có nguy cơ rơi xuống trái đất hay khai thác quặng có giá trị trên những thiên thể này. Nghiên cứu vũ trụ là một trong những lĩnh vực được bảo mật nhất nước Mỹ vì công nghệ này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự lẫn dân sự.

"Chắc chắn tôi sẽ không tới đất nước ngày càng bài trừ những nhà nghiên cứu Trung Quốc," cô Liu nói.

Khoản tiền lương các tiến sĩ nhận được từng chỉ rơi vào khoảng 2.000 tới 3.000 NDT một tháng - "chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày". Cô Liu cho biết trong những năm gần đây, các tiến sĩ không gặp nhiều khó khăn để kiếm công việc với thu nhập hơn 200.000 NDT một năm.

Nhóm của cô Liu hiện đang cộng tác với một công ty tại Châu Hải, Quảng Đông để phát triển công nghệ và phần cứng cho những nhiệm vụ do thám không gian và khai thác quặng trên thiên thạch.

Tuy nhiên, nỗ lực đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám không chỉ dừng lại ở việc tăng thu nhập.

Trước đây, những nhà khoa học Trung Quốc trẻ không coi việc ở lại đất nước là một lựa chọn hấp dẫn. Họ ưa chuộng việc tới các quốc gia khác - đặc biệt là Mỹ và châu Âu - để có thêm những kinh nghiệm ở phương Tây và mở ra con đường có thu nhập cao hơn, công việc cao cấp hơn khi trở về Trung Quốc.

Nhưng hiện tại, một số viện nghiên cứu và đại học tại Trung Quốc đã cho thấy điều ngược lại.

Liu Zhen - một tiến sĩ tại Viện Thần kinh học ở Thượng Hải, người từng có đóng góp quan trọng trong trường hợp nhân bản khỉ đầu tiên trên thế giới - gần đây đã được thăng chức và được tài trợ khoản tiền đủ để anh thành lập một nhóm nghiên cứu và phòng thí nghiệm của riêng mình. Trong khi đó, anh Liu chưa từng học và hoạt động ở nước ngoài, và mới tròn 30 tuổi.

Nhưng Leng Fuhai, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Phát triển, cho biết các nhà khoa học trẻ lựa chọn ở lại đất nước cũng chịu áp lực không kém những người làm việc ở nước ngoài.

Tại những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, chi phí sinh hoạt đang tăng chóng mặt và mức lương có thể không đủ để chi trả cho những chi phí vật chất đắt đỏ.

"Gần như những người tài năng tôi biết không thể ở lại Bắc Kinh bởi họ không có đủ tiền thuê một căn hộ nhỏ. Nhiều người đã về quê, mất cơ hội tham gia vào các dự án lớn".

"Chuyện đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp của họ," ông Leng kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại