Quốc gia "nóng bỏng nhất" Trung Á: Nga-Mỹ giành nhau, Trung Quốc nhảy vào chia phần

Minh Khôi |

Trung Quốc đang mở rộng Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường, gồm một tuyến thương mại qua Kazakhstan. Trong khi đó, Mỹ và Nga cũng đang cạnh tranh để kiểm soát các cảng chính tại đây.

Nga - Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng quân sự

Tại Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspian lần thứ 5, diễn ra ngày 12/8 tại thành phố Aktau (Kazakhstan), các nhà lãnh đạo của 5 nước vùng Biển Caspian (gồm Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan) đã ký công ước mang tính bước ngoặt về quy chế Biển Caspian nhằm làm giảm căng thẳng khu vực cũng như mở đường cho các dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Quy chế Biển Caspian giàu khoáng sản, thực chất là hồ nước khép kín lớn nhất thế giới, được quy định trong thỏa thuận giữa Iran và Liên Xô trước đây vốn là 2 nước duy nhất có lối ra Biển Caspian.

Quy chế mới quy định phân chia vùng đáy biển thành các khu vực, còn vùng nước chia thành các vùng nội địa và vùng khu vực, vùng đánh cá và vùng nước chung. Quy chế cũng định ra ranh giới của vùng trời trên Biển Caspian. 

Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ là một phần của trò chơi có quy mô lớn hơn nhiều.

Quốc gia nóng bỏng nhất Trung Á: Nga-Mỹ giành nhau, Trung Quốc nhảy vào chia phần - Ảnh 1.

Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp đầu năm. Ảnh: Nikkei.

Mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Washington và khu vực Trung Á đã khiến Nga cảm thấy đáng "báo động", đặc biệt là ở yếu tố quân sự.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Nazarbayev đến Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay, Kazakhstan đã sửa đổi thỏa thuận năm 2010 với Mỹ về việc sử dụng tuyến đường sắt thương mại để vận chuyển hàng hóa đặc biệt cho sự ổn định và tái thiết Afghanistan.

Thỏa thuận này đã được mở rộng để bổ sung thêm các cảng của Aktau và Kuryk vào Mạng lưới phân phối phía Bắc, tuyến đường cung cấp hậu cần cho lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

Quốc gia nóng bỏng nhất Trung Á: Nga-Mỹ giành nhau, Trung Quốc nhảy vào chia phần - Ảnh 2.

Sơ đồ Mạng lưới phân phối phía Bắc. Ảnh: Nikkei.

Mỹ cũng đang sử dụng các cuộc tham vấn "C5 + 1" hàng năm của mình với 5 quốc gia ở Trung Á để tăng cường sự tham gia trong khu vực.

"Do yếu tố địa lý, thương mại song phương không đáng kể, vì vậy, hợp tác trong lĩnh vực an ninh là chìa khóa cho Kazakhstan, đặc biệt là khi Mỹ hiện diện ở Afghanistan", Zhumabek Sarabekov, chuyên gia chính sách đối ngoại của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Astana lý giải.

Nhưng với Nga, đây không phải là tin tốt. Vì vậy, Công ước Aktau được ký kết, cho phép Moscow có thể chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Washington. Mục tiêu tiếp theo có khả năng sẽ là mở rộng dấu chân quân sự của Nga ở trong và xung quanh Biển Caspian.

"Tôi muốn thông báo rằng chiến lược phát triển cảng biển trong lưu vực Caspian vào năm 2030 đã được thông qua và đang được triển khai ở Nga", ông Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Aktau.

Ngoài triển vọng nâng cấp toàn diện các tuyến đường biển Caspi, cơ sở hạ tầng đường sắt và đường bộ liên quan, một cảng nước sâu mới của Kaspiysk sẽ được xây dựng vào năm 2025, ông Putin cho biết.

Phần quan trọng của Vành đai - Con đường

Khi Moscow và Washington tiếp tục cuộc chiến tranh của họ, Bắc Kinh đang kéo Kazakhstan theo một hướng khác.

Quốc gia nóng bỏng nhất Trung Á: Nga-Mỹ giành nhau, Trung Quốc nhảy vào chia phần - Ảnh 4.

Tuyến đường sắt đi qua Kazakhstan giúp Trung Quốc tiếp cận châu Âu. Ảnh: Nikkei.

Vào ngày 11/8, đêm trước khi Hội nghị thượng đỉnh Caspian diễn ra, Tổng thống Nazarbayev đã tham dự Lễ khai trương một trung tâm vận tải tại cảng Kuryk, có khả năng kết nối Thái Bình Dương với Vịnh Ba Tư, Biển Đen và Biển Địa Trung Hải qua Biển Caspian.

Điều này có nghĩa là, dự án giao thông của Kazakhstan là một phần quan trọng của Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường của Bắc Kinh.

Các cảng này có tuyến đường sắt và đường bộ trực tiếp đến cảng Khorgos ở biên giới Kazakhstan - Trung Quốc, được kết nối với Liên Vân Cảng của Trung Quốc. Ông Nazarbayev cho biết mạng lưới giao thông có thể đem lại Kazakhstan khoảng 9 tỷ USD/năm vào năm 2020.

Tuy nhiên, tuyến đường Caspi rất đắt đỏ, đây là trở ngại chính cho sự phát triển, ông Nargis Kassenova, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Á tại Đại học KIMEP của Almaty cho biết. 

Lợi hay hại?

Tuyến đường cung cấp cho Bắc Kinh một số lợi ích hấp dẫn. Việc phát triển đòi hỏi sự hợp tác với 3 nước - Kazakhstan, Azerbaijan và Georgia. Không giống như các tuyến đường khác thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường, nối châu Á với châu Âu, tuyến Caspi không đi qua Nga. 

Hiện tại, Trung Quốc và Nga đang có mối quan hệ gắn bó trong bối cảnh cả 2 nước đều vấp phải các căng thẳng với Mỹ. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tham gia vào các cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga cho đến nay, bắt đầu vào ngày 11/9 ở vùng Viễn Đông và Siberia của Nga.

Nhưng nếu Trung Quốc kéo Kazakhstan sâu hơn vào quỹ đạo với Vành đai - Con đường, điều này có thể dẫn đến sự va chạm sâu hơn với Nga.

Vào đầu thế kỷ 20, nhà địa lý người Anh Halford John Mackinder, lập luận rằng đất nước nắm quyền kiểm soát "vùng trung tâm" của lục địa Á - Âu, chủ yếu là Trung Á, có tiềm năng cai trị khu vực và thế giới. Với trật tự toàn cầu bây giờ đang biến đổi, cuộc cạnh tranh ở khu vực trung tâm đang nóng lên một lần nữa.

Kazakhstan có thể thu được nhiều lợi ích được nhưng cũng phải đối mặt với hành động cân bằng khó khăn, khi quốc gia Trung Á này tìm kiếm mối quan hệ với bộ 3 "ông lớn" nhưng lại theo đuổi các lợi ích mâu thuẫn nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại