Chuyên gia: Khó có gì ngăn được quân đội Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đụng độ trên biển

Tất Đạt |

Những cuộc đụng độ liên tục trên biển giữa hải quân Mỹ - Trung Quốc là sự "thử thách giới hạn" và gửi đi thông điệp qua các động thái quân sự.

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm và phân tích của Tiến sĩ Mark J. Valencia, nhà phân tích chính sách hàng hải, nhà bình luận và tư vấn chính trị chuyên về khu vực châu Á. Hiện tại, ông Valencia là học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Biển Đông có trụ sở tại Trung Quốc.

"Giải pháp đột phá"

Tháng trước, các đại diện thuộc 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã họp mặt tại Singapore để phát triển kế hoạch tìm kiếm cứu nạn chung đối với tàu thương mại và dân sự tại vùng biển quốc tế - một hoạt động áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được thông qua từ năm 2014.

Tiến trình này đã khiến nhiều nhà phân tích "phấn khích" trước tầm quan trọng và hiệu quả của Bộ Quy tắc ứng xử cho Những đụng độ Ngoài ý muốn trên Biển (Code for Unplanned Encounters at Sea - CUES) để giảm thiểu đụng độ hàng hải.

Theo chuyên gia Collin Koh Swee Lean tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, bộ quy tắc CUES "đã tái khẳng định tính hữu dụng của cơ chế ngăn cản hoặc giảm thiểu đụng độ cự ly gần giữa các tàu biển" và "cho thấy sự quan trọng của nó trong việc thúc đẩy ổn định hàng hải trong khu vực".

Về lý thuyết, bộ quy tắc có thể giúp đảm bảo an toàn hàng hải khi tàu quân sự của các nước ASEAN và ASEAN - Trung Quốc gặp mặt trên biển. Nhưng đó chỉ là sự lạc quan quá mức.

Bộ quy tắc CUES là thỏa thuận không ràng buộc được kí tại Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương vào tháng 4/2014.

CUES cung cấp những quy định về thủ tục an toàn, cách thức liên lạc và di chuyển khi tàu hải quân và máy bay chạm trán ngoài ý muốn trên biển. 21 quốc gia đã tham gia vào thỏa thuận này.

Bộ quy tắc ra đời sau khi mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ những vụ đụng độ quân sự nguy hiểm.

Trong đó, có thể kể tới hoạt động tình báo Mỹ - cử thiết bị và máy bay trinh sát như EP-3 và P-8A Poseidon cùng các tàu khảo sát và thăm dò như Bowditch và Impeccable hoạt động trong và trên vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Bộ quy tắc CUES là nỗ lực nhằm tránh và giảm bớt những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Tại thời điểm đó, bộ quy tắc được coi là "giải pháp đột phá". Tháng 12/2014, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Mỹ đã áp dụng quy tắc nói trên vào cuộc tập trận chống cướp biển tại Vịnh Aden. Năm 2015, tàu USS Fort Worth của Mỹ cũng tuân theo quy tắc khi chạm trán các tàu chiến của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thỏa thuận về an toàn đụng độ quân sự trên biển chỉ là giải pháp nhất thời và không giải quyết được vấn đề chiến lược cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc.

Máy bay trinh sát Mỹ bị Trung Quốc xua đuổi trên Biển Đông

Đối đầu Trung - Mỹ

Trung Quốc và Mỹ đã liên tiếp đối đầu nhau tại "những vùng biển quanh Trung Quốc", nơi chiến lược quân sự hai quốc gia có sự mâu thuẫn. Mục tiêu của Trung Quốc là ngăn chặn Mỹ tiếp cận vùng biển trong trường hợp đụng độ.

Bắc Kinh đang xây dựng và mở rộng các căn cứ, phát triển vũ khí và tập trận nhằm đạt được mục đích ấy. Trong khi đó, Mỹ có ý định làm tê liệt hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tình báo, hệ thống giám sát và trinh sát của Trung Quốc.

Cả hai bên đều dùng "chiến tranh pháp lý" để hợp lí hóa mục tiêu của mình, đồng thời thúc đẩy cuộc đua quân sự khi các nhóm tình báo cố gắng thu thập thông tin và tìm hiểu điểm mạnh - yếu của đối phương. Cuộc đua này có ít khả năng làm bùng nổ giao tranh quân sự, nhưng những xung đột sơ bộ đã đẩy căng thẳng lên rất cao.

Vấn đề cơ bản ở đây là những cuộc đụng độ trên biển giữa quân đội Mỹ - Trung không phải vô ý hoặc không được lường trước. Đó là kết quả khi hai bên muốn "thử thách giới hạn" và gửi đi thông điệp qua các động thái quân sự.

Mặc dù bộ quy tắc và các thỏa thuận tương tự có thể khiến các cuộc chạm trán an toàn hơn nhưng chúng sẽ không thể giúp các bên thân thiện với nhau hơn.

Tình hình căng thẳng sẽ không được giải quyết trong tương lai gần. Năm 2014, Thượng tướng Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - đã thúc giục Mỹ dừng các cuộc thăm dò hàng hải và hàng không "quá kĩ lưỡng".

Nhưng tại Đối thoại Shangri-La (2017), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại khẳng định Mỹ "sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu biển hoạt động tại bất kì nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Các vụ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng. Năm 2015, một máy bay Trung Quốc can thiệp máy bay trinh sát của Mỹ tại biển Hoàng Hải theo cách mà Lầu Năm Góc gọi là "cực kì nguy hiểm". Tháng 2/2017, một máy bay Trung Quốc đụng độ với máy bay chống tàu ngầm của Mỹ tại vùng Biển Đông.

Với những mâu thuẫn về chiến lược, có khả năng rất cao quân đội Mỹ - Trung sẽ tiếp tục đụng độ cho tới khi những vấn đề cốt lõi được giải quyết, bất chấp các quy tắc ứng xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại