Phóng viên CNN sốc khi đến biển Đông: Gần trăm tàu Trung Quốc "nhung nhúc" ở Đá Subi

Hồng Anh |

Phóng viên CNN cho biết đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông 'đáng sợ' hơn nhiều so với những hình ảnh vệ tinh anh từng thấy trước đó.

Ngày 10/8 vừa qua, phóng viên CNN đã có cơ hội tham gia nhiệm vụ tuần tra Biển Đông trên máy bay trinh sát P-8A Poseidon của hải quân Mỹ và tận mắt chứng kiến các động thái quân sự hóa (trái phép) của Trung Quốc tại khu vực này ở độ cao hơn 5000 m.

Khi chiếc máy bay đến gần khu vực các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép, quân đội  Trung Quốc đã phát đi 6 thông điệp cảnh cáo và yêu cầu máy bay tuần tra Mỹ rời khỏi khu vực "ngay lập tức".

Phẫn nộ trước động thái của Trung Quốc, quân đội Mỹ đã thề sẽ "kiên định" bám trụ Biển Đông, mặc Trung Quốc hung hăng.

CNN ngày 23/8 đã đăng tải bài phóng sự về hành trình trên máy bay trinh sát P-8A Poseidon, trong đó phóng viên đã miêu tả rất chi tiết về những điều đang diễn ra trên đảo nhân tạo phi pháp.


Từng người trong phi hành đoàn và các phóng viên tham gia trải nghiệm trên chiếc máy bay P-8A Poseidon đều phải tạm thời 'cắt đứt liên lạc' với thế giới bên ngoài, và bỏ điện thoại vào trong một chiếc túi lớn.

Trong 8 tiếng tới, chúng tôi sẽ theo dõi và ghi lại những hoạt động quân sự hóa (trái phép) của Trung Quốc trên Biển Đông, và đối tượng chúng tôi đang theo dõi có thể lợi dụng những chiếc điện thoại ấy để truy dấu ngược lại.

Chiếc túi đen lớn kia, hay còn được gọi là túi Faraday, sẽ ngăn chặn các loại sóng điện từ ảnh hưởng từ phía ngoài có thể tác động đến thiết bị điện tử của chúng tôi.

Phóng viên CNN sốc khi đến biển Đông: Gần trăm tàu Trung Quốc nhung nhúc ở Đá Subi - Ảnh 2.

Một chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân Kadena của Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản vào ngày 10/8 vừa qua. Ảnh: CNN

'Sát thủ săn ngầm' P-8A Poseidon

Máy bay chở chúng tôi xuất phát từ căn cứ không quân Kadena tại đảo Okinawa, Nhật Bản. Chiếc máy bay trinh sát được mệnh danh là 'sát thủ săn ngầm' P-8A Poseidon là loại chiến đấu cơ mới nhất của Hải quân Mỹ. Ngoài khả năng phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm, P-8A Poseidon còn thực hiện nhiệm vụ trinh sát và thu thập thông tin tình báo.

Loại máy bay trinh sát này được thiết kế dựa trên mẫu máy bay Boeing 737, loại máy bay chở khách phổ biến nhất hiện nay.

Nhìn từ phía ngoài, có thể thấy điểm khác biệt rõ ràng nhất chính là các ô cửa sổ. Khác với chiếc máy bay chở khách nhiều cửa sổ, mỗi bên thân máy bay P-8 chỉ có một ô cửa sổ lớn.

Trung úy Hải quân Chris Purcell, chỉ huy Đội Tuần tra số 4 và chỉ huy nhiệm vụ này, cho biết cửa sổ sẽ giới hạn tải trọng của máy bay, và không giống như chiếc Boeing 737 chở khách, chiếc P-8 được thiết kế tối ưu để có thể chở các vũ khí hạng nặng.

Các loại vũ khí hạng nặng kể trên bao gồm tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi điện Mark 54. Ngoài ra, "sát thủ săn ngầm" P-8A còn mang theo 120 phao định vị thủy âm để truy dấu và đánh chìm tàu ngầm của địch.

Phổ biến quy tắc an toàn

Một phi công đã chỉ cho chúng tôi nơi để áo phao cứu sinh, và những chiếc thuyền phao được sử dụng trong tình huống chiếc máy bay này phải giao chiến trên Biển Đông.

Khác với những máy bay chở khách thông thường có cầu trượt thoát hiểm, trên chiếc P-8A Poseidon, chúng tôi sẽ phải trèo lên cánh máy bay và nhảy thẳng xuống biển trong các tình huống khẩn cấp.

Phóng viên CNN sốc khi đến biển Đông: Gần trăm tàu Trung Quốc nhung nhúc ở Đá Subi - Ảnh 4.

Cánh máy bay P-8A Poseidon. Ảnh: CNN.

Các phóng viên tham gia trải nghiệm và phần lớn phi hành đoàn đều ngồi đối mặt với đuôi máy bay khi chiếc P-8 cất cánh.

6 chiếc ghế hành khách được bố trí đối diện với 5 chiếc ghế của các thành viên phi hành đoàn ở nửa thân dưới chiếc máy bay dài 39 m.

Tuy nhiên các thành viên phi hành đoàn có thể tháo dây an toàn và xoay ghế. Khi cơ trưởng ra hiệu, họ đã đồng loạt quay sang bên phải để điều khiển các cảm biến và màn hình theo dõi.

Dò tìm hải quân Trung Quốc

5 thành viên thuộc phi hành đoàn P-8A Poseidon ngồi phía bên trái chiếc máy bay. Trước mặt họ là những màn hình lớn cùng chuột máy tính và cần điều khiển. Họ lần lượt trỏ vào từng con tàu trên màn hình theo dõi để dò tìm tàu lạ.

Các tàu thương mại thường được xác định bằng tên gọi, còn các tàu quân sự thì thách thức hơn. Trong quá tìm kiếm, Trung úy Lauren Callen phát hiện một con tàu lạ. Sau khi phân tích những thông tin đã thu thập được, cô cho biết đó có thể là loại tàu khu trục lớp Lữ Dương của Trung Quốc.

Đó chỉ là một trong số vài tàu chiến Trung Quốc đã được phát hiện trong hành trình bay của chúng tôi. Các máy quay và máy tính trên chiếc P-8A Poseidon có thể cung cấp hình ảnh rõ nét từ khoảng cách xa, giúp phi hành đoàn phát hiện được một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ở cách đó 64 km.

"Choáng" vì đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp

Khi chiếc P-8A Poseidon tiến gần đến khu vực Đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV), 5 phóng viên có mặt trên chuyến bay đều tỏ ra rất phấn khích. Chúng tôi vội vã chạy tới cửa sổ khi chiếc P-8 bay vòng quanh Đá Subi để quan sát nơi này rõ hơn.

Chúng tôi đều đã thấy những hình ảnh vệ tinh cho thấy quá trình bồi đắp (trái phép) các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vòng 3 năm qua. Tuy nhiên các đảo này còn khiến chúng tôi 'choáng' hơn nhiều khi được tận mắt chứng kiến từ độ cao hơn 5000 m.

Những gì Trung Quốc đã làm và hoàn thành ở nơi này quả thực rất đáng sợ.

Các thành viên trong phi hành đoàn của chiếc P-8A Poseidon tập trung nói về một số điểm chính trên các đảo nhân tạo (phi pháp).

"Đây là bãi tên lửa đất đối không (SAM)", Trung úy Callen nói.

Sau đó mọi người trong đoàn tiếp tục đếm số tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Subi. Họ đã đếm được tổng cộng 86 tàu thuyền chỉ riêng tại khu vực này.

Phóng viên CNN sốc khi đến biển Đông: Gần trăm tàu Trung Quốc nhung nhúc ở Đá Subi - Ảnh 6.

Phi công máy bay P-8A Poseidon. Ảnh: CNN.

Đảo nhân tạo 'ma'?

Có thể thấy Trung Quốc đã xây dựng (trái phép) được rất nhiều thứ trên Biển Đông trong một thời gian ngắn, nhưng các địa điểm này trông giống như các thị trấn ma, hầu như không có bóng người qua lại.

Khi chiếc máy bay trinh sát đến gần Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV), các máy quay đã ghi lại được hình ảnh khoảng 10 chiếc xe đang đi lên một đường băng. Chúng tôi càng đến gần thì những chiếc xe này cũng dần tản ra, dường như họ cố tình làm vậy để chúng tôi khó quan sát hơn.

Phóng viên CNN sốc khi đến biển Đông: Gần trăm tàu Trung Quốc nhung nhúc ở Đá Subi - Ảnh 7.

Cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đảo đá nhân tạo (phi pháp) trông giống như những "thị trấn ma", với rất ít người qua lại. Ảnh: CNN.

Kết thúc chuyến trải nghiệm

Hành trình tuần tra Biển Đông xuất phát từ căn cứ Okinawa và trở lại kéo dài khoảng 8 tiếng, bằng một ngày làm việc tiêu chuẩn của người Mỹ.

Sau khi chiếc máy bay tuần tra vòng quanh Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV), đảo đá nhân tạo (Trung Quốc xây trái phép) cuối cùng trong hành trình, chúng tôi đã trở lại căn cứ Kadena.

Sau nhiệm vụ tuần tra, phi hành đoàn đã tổng hợp lại những phát hiện trong ngày, những bản ghi âm trong suốt hành trình, sau đó phân tích sơ bộ trước khi những dữ liệu này được gửi tới cơ quan tình báo Hải quân Mỹ.

Khi trở về Kadena, chúng tôi có thể thấy các máy bay P-8A khác, có lẽ là mới trở về hoặc chuẩn bị cất cánh cho nhiệm vụ tuần tra tiếp theo.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, chúng tôi đều hiểu rằng đây là các nhiệm vụ thường xuyên của Hải quân Mỹ, và các nhiệm vụ này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại