"Gấu Nga" đã vươn mình trỗi dậy, tập trận cực lớn trong tháng 9: Mỹ - NATO hãy dè chừng!

Trung Phạm |

Dù khác nhau về phạm vi nhưng cả hai cuộc tập trận đều tập trung vào việc chống lại các mối đe dọa quân sự phi truyền thống đối với Nga và các nước thuộc khối Liên Xô cũ.

Hai "mũi tên" trúng nhiều mục đích

Nga đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng quỹ đạo an ninh của mình bằng việc tiến hành liên tiếp hai cuộc tập trận quân sự lớn ngay trong tháng 9 này: "Union Shield 2019" (Lá chắn Liên minh 2019) với Belarus và "Center 2019" (Trung tâm 2019) với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Mục đích của các cuộc tập trận trên được cho là để thể hiện khả năng triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn trên nhiều vùng biên giới và tăng cường quan hệ giữa Nga với các quốc gia chủ chốt ở Nam và Đông Á. Moscow dự kiến cũng sẽ kết hợp các bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến dịch quân sự ở Syria vào các cuộc tập trận tới đây.

Union Shield 2019 được tổ chức nhằm hướng tới mục đích tập luyện bảo vệ Nhà nước liên minh, một thể chế kiểu liên bang đã được lên kế hoạch nhưng chưa được triển khai nhằm bảo đảm sự trung thành của Belarus đối với Nga.

Moldova đang xem xét đề nghị của Nga về một thỏa thuận hợp tác quân sự kéo dài ba năm - chỉ dấu cho thấy kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Moscow đang thành công. Kremlin cũng đang cố gắng phát triển mối quan hệ an ninh với các nước láng giềng khác, trong đó có Mông Cổ.

Nga nhiều khả năng muốn phát đi những thông điệp rõ ràng và thử nghiệm các khả năng quân sự của mình cho mục đích hoạt động trên nhiều mặt trận, đặc biệt là ở các khu vực miềm Tây, Nam và vùng phía Bắc đất nước.

Dù khác nhau về phạm vi nhưng cả hai cuộc tập trận đều tập trung vào việc chống lại các mối đe dọa quân sự phi truyền thống đối với Nga và khối Liên Xô cũ. Trước đó, Nga cũng đã tổ chức một loạt cuộc tập trận khác tại Quân khu phía Nam vào tháng 7/2019, tập trung vào việc thể hiện khả năng hoạt động ở vùng Caucasus.

Gấu Nga đã vươn mình trỗi dậy, tập trận cực lớn trong tháng 9: Mỹ - NATO hãy dè chừng! - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận Union Shield 2019 giữa Nga và Belarus thuần túy mang tính chất phòng thủ. Ảnh: TASS

Bên cạnh đó, các cuộc tập trận của quân đội Nga ngày càng chú trọng tới sự tham gia của các đối tác nhằm thục luyện các chiến dịch liên minh, nhất là khi Nga muốn áp dụng các bài học kinh nghiệm tác chiến cùng với Iran, chính phủ Bashar al-Assad và các lực lượng khác ở Syria.

Union Shield 2019 và Center 2019 rõ ràng nhằm thể hiện những nỗ lực của Nga trong việc xây dựng khả năng hiệp đồng với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và để hợp tác cùng các nước lớn ở châu Á gồm Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.

Một mục tiêu nữa của Nga khi tổ chức các cuộc tập trận này là tập trung phát triển khả năng sáng tạo và ra quyết định cho các sĩ quan cấp dưới trong điều kiện tác chiến hiện đại.

Các sĩ quan Nga có kinh nghiệm chỉ huy ở Syria đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định. Union Shield 2019 sẽ nhấn mạnh tới các cách tiếp cận phi tiêu chuẩn trong việc đối phó với các cuộc nổi dậy bật ngờ.

Cùng với đó, Nga cũng đang tăng cường cho khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng tới những vùng xung đột ở khoảng cách xa. Mục tiêu này thể hiện rõ khi Moscow mời Belarus tham gia Union Shield 2019, một mặt nhằm hỗ trợ Belarus có được kinh nghiệm thực hiện các cuộc triển khai đường dài nhưng mặt khác Nga cũng nỗ lực để tăng khả năng cơ động của chính.

Cả hai cuộc tập trận sẽ thực hành chống lại các mối đe dọa phi truyền thống. Center 2019 sẽ thực hành các chiến dịch chống khủng bố ở Trung Á còn Union Shield 2019 sẽ là chống lại các tổ chức vũ trang bất hợp pháp nhằm gây bất ổn cho Nhà nước liên minh.

Tổng tham mưu trưởng Belarus Oleh Belokonev từng tuyên bố, "xung đột thường khởi nguồn từ các hành động khủng bố, ly khai và các nhóm vũ trang bất hợp pháp với sự hỗ trợ từ các thế lực bên ngoài".

Gấu Nga đã vươn mình trỗi dậy, tập trận cực lớn trong tháng 9: Mỹ - NATO hãy dè chừng! - Ảnh 2.

Tàu chiến Hải quân Nga khai hỏa trong cuộc tập trận quy mô lớn ở biển Baltic: Ảnh: TASS

Giải quyết các thách thức tại Trung Á và Bắc Cực

Các quan chức Nga cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường tập trung an ninh của họ vào Trung Á trước lo ngại về sự lây lan của các tay súng thánh chiến từ Afghanistan vào các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.

Đúng là Nga đang có những lo ngại chính đáng, nhất là khi IS mở rộng sự hiện diện toàn cầu. Tuy nhiên, Kremlin cũng có khả năng còn tìm cách cân bằng ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc ở Trung Á, đặc biệt là khi các quốc gia Trung Á như Kazakhstan đang trong quá trình thay đổi lãnh đạo.

Nga cũng có thể muốn tìm cách mở rộng dấu ấn quân sự ở Trung Á, qua đó kéo quân đội các nước Trung Á đến gần hơn với quỹ đạo an ninh của mình.

Bắc Cực cũng đang là khu vực ưu tiên của Nga. Kremlin dự định mở rộng sự hiện diện quân sự và các hoạt động linh hoạt ở Bắc Cực để hỗ trợ cho kế hoạch dài hạn đảm bảo nguồn lực và giành lợi thế chiến lược so với Mỹ và Trung Quốc tại đây.

Center 2019 sẽ bao gồm hai lữ đoàn cơ giới thử nghiệm các phương tiện mới được tối ưu hóa cho môi trường Bắc Cực và tập trung vào các yếu tố hậu cần - kỹ thuật cho các hoạt động ở đây bên cạnh việc huấn luyện cho Lực lượng lính dù và đặc nhiệm ở Bắc Cực dọc theo tuyến Biển Bắc.

Các cuộc tập trận là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của Kremlin nhằm thiết lập sự thống trị của Nga đối với Liên Xô cũ. Nga dự tính sẽ tận dụng cuộc tập trận Union Shield để mở rộng sự kiểm soát của quân đội Nga đối với các lực lượng vũ trang Belarus.

Cuộc tập trận là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình huấn luyện chiến đấu chung kéo dài hai năm giữa quân đội Nga và Belarus. Kremlin đã khởi xướng tiến trình cập nhật học thuyết quân sự của Nhà nước Liên minh vào cuối năm 2018, qua đó mở rộng ảnh hưởng ở Belarus và các lực lượng vũ trang của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đề nghị kế hoạch hợp tác quân sự 3 năm trong chuyến thăm không chính thức tới Moldova vào ngày 24/8. Sự kiện ghi nhận lần đầu tiên một quan chức quân sự cấp cao của Nga đến thăm Moldova trong nhiều năm gần đây.

Gấu Nga đã vươn mình trỗi dậy, tập trận cực lớn trong tháng 9: Mỹ - NATO hãy dè chừng! - Ảnh 4.

Huấn luyện chiến đấu tại Bắc Cực là một phần của cuộc tập trận Vostok-2018. Ảnh: Mil.ru

Kremlin cũng đang cố gắng tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia láng giềng và lân cận khác như Armenia và Mông Cổ. Ngày 13/8, Nga đã mời gọi thêm sự hỗ trợ từ Armenia cho các hoạt động tại Syria và tạo điều kiện để Armenia triển khai kỹ sư và nhân viên trợ giúp nhân đạo đến Syria kể từ tháng 2/2019.

Nga đang tăng cường hợp tác quân sự với Mông Cổ. Nga và Mông Cổ đã ký một hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 3/9 sau chuyến thăm của Putin. Cả ông Shoigu và Tổng tham mưu trưởng QĐ Nga Gerasimov đều nhấn mạnh ý định của Nga về việc mở rộng quan hệ quân sự với Mông Cổ trong năm qua.

Nga và Mông Cổ đã tổ chức cuộc tập trận chung Selenga 2019 từ ngày 15 - 24/8 với sự tham gia của 1.000 binh sĩ từ Quân khu miền Đông Nga và với cùng số lượng binh sĩ từ Mông Cổ.

Kremlin cũng tỏ rõ ý định hợp tác với các nước lớn ở châu Á vượt ra ngoài không gian hậu Xô Viết. Nga có thể sẽ tận dụng khả năng của mình để mời cả Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia thù địch về vấn đề Kashmir, tham gia cuộc tập trận Center 2019 để định vị Kremlin với tư cách là một trung gian hòa giải.

Nga đang vừa xây dựng mối quan hệ quân sự với Trung Quốc vừa theo đuổi mục tiêu song song là làm đối trọng với Trung Quốc. Moscow cũng muốn phát tín hiệu đến Mỹ và các nước đồng minh, gồm cả Nhật Bản rằng họ có khả năng tăng cường hợp tác quân sự với Nga-Trung để tạo lợi thế cho mình.

Gấu Nga đã vươn mình trỗi dậy, tập trận cực lớn trong tháng 9: Mỹ - NATO hãy dè chừng! - Ảnh 5.

Armenia triển khai kỹ sư và nhân viên trợ giúp nhân đạo đến Syria kể từ tháng 2/2019

Xuất khẩu vũ khí

Nga tìm cách tăng cường xuất khẩu vũ khí thông qua các cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các thiết bị hiện đại nhất của Nga sẽ được sử dụng trong cả hai cuộc tập trận tới đây.

Cụ thể, Nga đang hoàn tất một số thỏa thuận bán máy bay cho Không quân Ấn Độ sau khi thiết lập một nhà máy chung ở đây để sản xuất súng trường Kalashnikov vào tháng 3/2019.

Nga đang trong quá trình tiếp thị các máy bay chiến đấu Su-57 tiên tiến của mình tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.

Điện Kremlin thường sử dụng các cuộc tập trận có sự quan sát của quốc tế và các cuộc triển lãm vũ trang để tiếp thị cho khách hàng nước ngoài.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua Su-57 trong triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2019 vào ngày 27/8.

Kremlin đang đồng thời cố gắng mở rộng quỹ đạo an ninh của mình hơn nữa thông qua việc thu hút các nước lớn ở Đông và Nam Á.

Nga có thể sử dụng nhiều công cụ hợp nhất, gồm học thuyết quân sự, tập trận chung, xuất khẩu hệ thống vũ khí và hợp tác giáo dục quân sự cũng như kêu gọi chống lại các mối đe dọa khủng bố đa phương để kết nối các mạng lưới không chính thức này với tư cách là đối trọng với Mỹ (và cả Trung Quốc).

Quân đội Nga tập trận đổ bộ trên biển Nhật Bản

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại