"Gấu Nga" không ngủ quên: Mỹ đừng liều lĩnh triển khai F-35 đến sát S-400 ở Syria!

Bảo Lam |

Các hệ thống tên lửa tiên tiến S-300 và S-400 của Nga ở Syria hoàn toàn có thể phát hiện được sự đột nhập của tiêm kích F-35 Mỹ nhưng "nhìn thấy" không đồng nghĩa với "khai hỏa".

Mỹ - Israel thay nhau "dìm hành" S-400 Nga

Đến thời điểm hiện tại, chưa một tổ hợp tên lửa phòng không S-400 "Triumph" nào của Nga được sử dụng để chống lại tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ, kể cả tại chiến trường Syria. Tuy nhiên, khả năng chúng sẽ đụng độ với nhau là điều rất có thể xảy ra, nhất là khi cả hai đang hiện diện tại nơi này.

Chính xác hơn, F-35 có cơ hội đi vào không phận của Syria khi cất cánh từ sân bay dã chiến Al-Dafra ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hoặc lấy ví dụ từ chiếc tàu đổ bộ đa năng LHD 2 Essex của Mỹ (hoặc loại tương tự) đang có mặt trên biển Ả Rập chẳng hạn.

Hệ thống S-400 được triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria từ năm 2015 (Bộ Quốc phòng Nga thông báo về khả năng này từ năm 2013). Tuy nhiên, chúng chưa hề chặm mặt nhau và có rất nhiều lý do.

Mỹ cùng với các đồng minh của mình trong khu vực, trước tiên là với Israel, trong suốt nhiều năm gần đây cố tìm cách "làm xấu mặt" tổ hợp "Triumph" của Nga - trên các mặt báo quân sự thường xuyên xuất hiện những thông tin về sự thiếu ổn định và hiệu quả thấp của S-400.

"S-400 bị mù", một trong các tờ báo của Israel vội vàng tán thưởng ngay sau cuộc không kích thành công của những máy bay tiêm kích Israel tại Syria.

Cả cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ không quân As-Shairat ở tỉnh Homs vào ngày 07/4/2017 từ hai khu trục hạm của Mỹ trên Địa Trung Hải đã được nhắc tới - khi đó "người Nga đã ngủ quên", còn tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và S-300 là "những thứ vô dụng".

Cuộc tấn công bằng thông tin nhằm vào các tổ hợp S-400 của Nga là hoàn toàn dễ hiểu vì vào thời điểm hiện nay đây là tổ hợp tên lửa phòng không tốt hơn cả, được ưa chuộng trên thị trường vũ khí thế giới.

Không phải ngẫu nhiên hợp đồng mua "Triumph" của Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái với tổng giá trị 2,5 tỷ USD đã khiến Washington hoảng hốt. Mỹ cực lực phản đối hợp đồng này khi muốn bán cho Ankara các tổ hợp phòng không Patriot của mình, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại lựa chọn "Triumph" của Nga.

Mỹ đúng là từng gây áp lực vô cùng lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì đã lựa chọn mua các hệ thống tên lửa phòng không do chính Nga sản xuất. Ở đây, có cả những nguyên do về sự không phù hợp của S-400 với các tiêu chuẩn của NATO, và yếu tố hợp tác kỹ thuật-quân sự với quốc gia đối đầu với khối về phương diện quân sự.

Giá trị khá cao của thỏa thuận cũng mang ý nghĩa không nhỏ - người Mỹ đã mất một bản hợp đồng có lợi, khi hiểu được rằng những tổ hợp "Patriot" của họ bị loại bỏ một cách thẳng thừng như sản phẩm yếu hơn, nhưng lại đắt hơn.

Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ đưa ra những đánh giá quá thấp đối với các tổ hợp phòng không Nga, sẽ thật lạ lùng nếu họ lên tiếng ca ngợi.

Gấu Nga không ngủ quên: Mỹ đừng liều lĩnh triển khai F-35 đến sát S-400 ở Syria! - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tại Crimea, Nga. Ảnh: Sputnik

Tại sao S-400 Nga không khai hỏa ở Syria?

Liên quan tới sự ổn định của S-400, thì thậm chí nếu nhắc tới cuộc tấn công bằng các tên lửa hành trình của Mỹ nhằm vào căn cứ Shairat của Syria, thì trong số 59 quả phóng ra chỉ 23 quả bay tới mục tiêu, 36 quả còn lại rơi xuống biển. Cần phải thừa nhận rằng không thể thiếu sự giúp đỡ của các phương tiện phòng không và tác chiến điện tử Nga.

Trong trường hợp này, hệ thống "Triumph" chỉ thực hiện chức năng của trạm phát hiện các mục tiêu trên không, chứ không phải tiêu diệt chúng - Nga không chiến đấu với cả Mỹ lẫn Israel tại Syria và chỉ có thể chia sẻ thông tin với "những người đồng chí Syria".

Tuy nhiên, người Mỹ không dám liều lĩnh thử nghiệm F-35 trên bầu trời Syria, khi hiểu rằng những cuộc thử nghiệm tương tự có thể kết thúc bằng sự thất bại và chiếc tiêm kích tối tân sẽ bị phát hiện và bắn hạ bởi tổ hợp tên lửa phòng không S-400.

Như những khẳng định trong một bài viết trên trang Avia.Pro, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thử nghiệm các tiêm kích F-35 của mình trước S-400 trên lãnh thổ Syria.

"Những cuộc thử nghiệm hoàn toàn có khả năng đã được thực hiện bằng việc cho F-35 của Mỹ xuất hiện trong bán kính chiến đấu của S-400, đã kết thúc không hoàn toàn có lợi cho các máy bay "tàng hình" của Mỹ, mà không dám liều lĩnh tiến sát tới khu vực phát hiện mục tiêu của các radar Nga", Avia.Pro viết.

Sau cuộc "chạm mặt" này, Mỹ không dám đưa các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của mình gần hơn bán kính hoạt động 250km của S-400. Cả Israel cũng không dám sử dụng những tiêm kích F-35 của mình, mà đương nhiên đã nhận được những tư vấn cần thiết từ Washington, bởi vì S-400 của Nga hoàn toàn có thể phát hiện ra chúng và thậm chí còn giúp người Syria bắn hạ.

Gấu Nga không ngủ quên: Mỹ đừng liều lĩnh triển khai F-35 đến sát S-400 ở Syria! - Ảnh 2.

Tên lửa S-400 Nga khai hỏa trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: RT

Mỹ từng cho F-35 tham chiến trong khu vực vào ngày 30/4/2019, khi 2 chiếc tiêm kích đã thực hiện cuộc không kích sử dụng bom hàng không dẫn đường JDAM nhằm vào các cơ sở của quân khủng bố tại Iraq. Mục tiêu là đường hầm và kho chứa đạn dược ở vùng núi Khamrin, gần Vadi-Ashayu.

Trước đó, ngày 27/9/2018, hai chiếc F-35 thuộc quân số của lực lượng không quân Lính thủy đánh bộ Mỹ cất cánh từ chiếc tàu trên biển Ả Rập, đã thực hiện các cuộc không kích bằng bom hàng không dẫn đường nhằm vào những cơ sở của phe Taliban tại Afganistan.

Tổng cộng các máy bay F-35 của Mỹ từ thời điểm đó đã thực hiện hơn 100 lần cất cánh chiến đấu tới Afganistan. Cần phải lưu ý rằng, không có bất cứ phương tiện phòng không nào được triển khai trên các lộ trình này và không có ai để đánh chặn các máy bay của Mỹ.

"Tiêm kích F-35 của Mỹ hoàn toàn có thể bị phát hiện, đặc biệt đối với các hệ thống S-300 và S-400 của Nga. Tuy nhiên, "nhìn thấy" không có nghĩa là "khai hoả". Nhiệm vụ này ngay từ đầu không được đặt ra trước binh lính và những chuyên gia Nga đang giúp đỡ người Syria làm chủ những phương tiện phòng không mới (S-300 "Favorit").

Hơn nữa, có một mệnh lệnh đủ nghiêm khắc: "Chỉ được khai hỏa trong trường hợp căn cứ không quân Hmeimim hoặc căn cứ hải quân tại Tartus bị tấn công". Đó là vấn đề chính trị, còn kinh nghiệm sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không Liên Xô tại Syria vẫn còn.

Chỉ tính riêng S-75, đã có hơn 50 tổ hợp được chuyển giao tới đây trong giai đoạn từ năm 1974 đến hết năm 1987. Nhưng không có bằng chứng chính thức thừa nhận sự tham gia của binh lính Liên Xô vào những chiến sự. Như các cố vấn quân sự Liên Xô nhớ lại, cuối cùng việc ấn nút "Phóng" sẽ phải do ai đó trong số binh lính bản địa thực hiện.

Giờ đây, giải quyết vấn đề đào tạo nhân sự cho lực lượng phòng không Syria, đặc biệt khi đã tiếp nhận các hệ thống S-300 cải tiến của Nga, không thể trong chốc lát, thậm chí nếu được tổ chức thường xuyên. Còn bắn hạ F-35 bằng các phương tiện tên lửa phòng không của Nga có thực hiện khá dễ dàng - chỉ cần có lệnh.

Hiện nay, thêm một sản phẩm mới của tập đoàn "Almaz-Antey" – hệ thống tên lửa phòng không S-500 "Prometey", đang chuẩn bị được biên chế cho quân đội. Được biết rằng, nó sẽ bắn hạ các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600km và chống lại cả các tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bay tối đa 3500km, khi phát hiện chúng ở khoảng cách lên tới 2.000km.

Một tổ hợp này có khả năng phát hiện và bắn hạ cùng lúc tối đa 20 mục tiêu bay vận tốc lớn. Trong số tất cả những tổ hợp tên lửa phòng không hiện nay, bao gồm cả S-400 xuất sắc của Nga, S-500 đương nhiên sẽ vượt lên dẫn đầu trong dòng vũ khí này.

Cần phải lưu ý rằng Mỹ rồi cũng sẽ cho "Prometey" điểm thấp. Tuy nhiên, họ chưa chắc đã dám cho F-35 của mình tiến gần tới tổ hợp này dưới 600km – cần phải biết trân trọng bản thân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại