Trả lời phỏng vấn FT, Thủ tướng Simonyte cho biết bà đã được quốc hội cho phép triển khai binh sĩ ở Ukraine, nhưng chưa nhận được yêu cầu từ Kiev.
Thủ tướng Simonyte cho biết bà không lo ngại về phản ứng của Nga đối với việc Litva triển khai quân tới Ukraine. Bà Simonyte nhắc lại rằng Litva “mong muốn giúp đỡ Ukraine, để đảm bảo rằng nước này có tiềm năng đổi mới lực lượng vũ trang của mình”.
Vào tháng 4, một trong những quan chức Litva đã viết trên mạng xã hội với ngụ ý rằng cầu Crimea sẽ sớm bị phá hủy. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Ukraine trong xung đột với Nga. Bình luận này được đưa ra sau khi Mỹ phê duyệt gói viện trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine, đồng thời Washington tiết lộ rằng sẽ cung cấp thêm tên lửa ATACMS tầm trung cho Kiev.
Trước đó, vào tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra ý tưởng đưa quân NATO tới Ukraine, giải thích rằng không nên loại trừ bất cứ điều gì để ngăn cản chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột. Chính phủ Litva cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nói rằng không nên có lằn ranh đỏ trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine.
Ý tưởng đưa quân tới Ukraine chiến đấu của Tổng thống Pháp đã vấp phải nhiều sự phản đối. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Sẽ không có lực lượng bộ binh, không có binh sĩ mặt đất do các nước châu Âu hoặc các quốc gia NATO gửi tới Ukraine”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lưu ý rằng các lực lượng của Mỹ sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột với Nga ở Ukraine. Vào tháng 3, Tổng thống Biden cho biết Ukraine đang yêu cầu hỗ trợ quân sự và vũ khí chứ không phải lính Mỹ. “Họ không yêu cầu lính Mỹ. Trên thực tế, không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine. Tôi quyết tâm giữ nguyên quan điểm như vậy”, ông Biden nói.
Đầu tuần này, Nga thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Moscow cho biết đây là phản ứng trước “những mối đe dọa” từ các quan chức phương Tây, bao gồm Ngoại trưởng Anh David Cameron, người khẳng định rằng “Ukraine có quyền dùng vũ khí do Anh viện trợ để tấn công Nga”.