Founder Vua Cua: Từ Shark Liên, tôi nhận ra rằng startup truyền thống không nên gọi vốn, càng gọi vốn sẽ càng “đốt” nhiều tiền

Thanh Huyền |

3 năm bước ra khỏi chương trình Shark Tank, 2 lần nhận vốn từ Shark Liên, Vua Cua đã có những bước phát triển rõ rệt. CEO, Founder Vua Cua, chị Đoàn Thị Anh Thư đã đúc rút được kinh nghiệm gọi vốn cho startup truyền thống. Theo chị, khi chưa tự “nuôi” được mình, doanh nghiệp càng gọi vốn sẽ càng “đốt” nhiều tiền.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Thư cho biết quá trình gọi vốn và làm việc với shark Liên cùng các quỹ đầu tư đã cho chị rất nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm đó là bài học đáng giá để chị áp dụng vào vận hành và phát triển, đưa Vua Cua lên tới hành trình hiện tại.

*Sau 2 năm hợp tác với Shark Liên, hiện Vua Cua có nhận thêm đầu tư từ những quỹ khác không?

Sau Shark Tank, ngoài hợp tác với Shark Liên thì Vua Cua có vay hơn 100 ngàn USD từ quỹ Beacon Fund. Kể từ đó chúng tôi ngừng nhận thêm vốn, dù có rất nhiều quỹ bên ngoài ngỏ ý đầu tư.

Từ đó tới nay, Vua Cua đã nhận hai vòng vốn từ Shark Liên. Lần đầu là tháng 8/2021 khi tôi lên chương trình Shark Tank, lần thứ hai vào tháng 5/2022.

Trước khi nhận vốn lần 2, Vua Cua chỉ mới phục hồi 70% doanh số so với giai đoạn trước dịch nhưng Shark Liên vẫn ghi nhận nỗ lực của đội ngũ và quyết định đầu tư đợt 2 vào đúng kỷ niệm 6 năm thành lập startup.

*Quá trình hợp tác với các nhà đầu tư chị đã rút được kinh nghiệm gì?

Qua quá trình làm việc với Shark Liên và Beacon Fund, tôi đã "đúc rút" từ họ rất nhiều bài học đáng giá.

Quá trình hợp tác với Shark Liên khiến tôi nhận ra rằng doanh nghiệp truyền thống không nên gọi vốn. Tuy mục tiêu cuối cùng của các startup truyền thống khi lên Shark Tank là để gọi vốn, nhưng họ không thực sự biết mình cần gọi vốn để làm gì.

Ngoài ra, câu chuyện gọi vốn còn có một nghịch lý. Khi startup không cần vốn, rất nhiều người muốn bỏ tiền vào. Nhưng khi startup "hấp hối", không có ai muốn bỏ tiền vô startup đó hết.

*Từ những trải nghiệm cá nhân, chị có giải pháp gì để đối diện với nghịch lý đó không?

Để giải quyết được nghịch lý này, trước hết người founder phải kiếm đủ tiền để nuôi sống doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tự nuôi được mình trước, càng gọi vốn sẽ càng "đốt" tiền.

Nếu doanh nghiệp không tự nuôi được mình trước, càng gọi vốn sẽ càng "đốt" tiền.
Founder Vua Cua: Từ Shark Liên, tôi nhận ra rằng startup truyền thống không nên gọi vốn, càng gọi vốn sẽ càng “đốt” nhiều tiền- Ảnh 1. CEO Vua Cua

Vậy thì bài toán đặt ra ở đây là người founder phải có công thức "tiền nhân ra tiền" với mô hình startup của mình. Ví dụ bỏ ra 10 đồng, doanh nghiệp lời 2 đồng. Vậy khi dùng đòn bẩy tài chính, bỏ ra 100 đồng sẽ lời 20 đồng. Lúc mô hình kinh doanh đã có lời rồi thì mới nên nghĩ tới gọi vốn để nhân số lời đó lên nhiều lần.

Khi các nhà đầu tư rót vốn, họ kỳ vọng mô hình kinh doanh phải sinh lời thì họ mới bỏ tiền vô chứ không phải để "đốt" tiền. Nếu nhà đầu tư "đốt" tiền thì cũng sẽ là "burn to earn" ("đốt" tiền để "ra" tiền).

Khi đầu tư vào Vua Cua, Shark Liên biết sẽ mất số tiền đó nhưng vẫn đưa vì Shark cảm thấy CEO (là tôi) có tố chất và có khả năng phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh những bài học về dùng vốn, tôi học từ Shark Liên về sự thay đổi trong nếp sống và con người. CEO luôn phải có năng lượng tích cực, lối sống cơ bản và lành mạnh.

Nếu CEO quá tập trung tiêu xài cho bản thân như xe sang, nhà xịn hay đồ hiệu thì sao dồn được nguồn lực để tập trung xây dựng doanh nghiệp trong giai đoạn lập nghiệp kéo dài vài chục năm. Nếu startup khởi đầu không có sự tập trung thì khó có thể đi xa được.

photo-1718809548506

Chị Đoàn Thị Anh Thư

*Vậy còn Beacon Fund thì sao thưa chị?

Về phía Beacon Fund, điều để lại ấn tượng rất lớn với tôi là bài học về quản lý dòng tiền.

Nhiều người nghĩ kinh doanh phải có doanh thu, lợi nhuận càng lớn càng tốt. Nhưng những con số đó chỉ nằm ở trên giấy. Đối với tôi, "earn" không phải là số lãi 100 triệu đồng báo cáo tài chính, mà là tới cuối kỳ, trong tài khoản của Vua Cua phải còn 100 triệu đồng để đủ khả năng chi trả các khoản sẽ phát sinh trong tương lai.

Tiền mặt là dòng máu nuôi sống doanh nghiệp. Tôi phải đảm bảo doanh nghiệp có đủ "máu" để tự nuôi mình trước đã.

Trước kia, tôi kinh doanh toàn mượn "đầu" này đắp "đầu" kia, dùng đòn bẩy rất tùy tiện. Sau này, trước khi dùng đòn bẩy tài chính, tôi phải cân nhắc xem doanh nghiệp của mình có hoạt động hiệu quả hay không. Nếu không, startup phá sản, giải thể chỉ là chuyện sớm muộn.

Nhiều người cứ nghĩ do đại dịch, kinh tế khó khăn mà doanh nghiệp họ phá sản. Thực ra không phải vậy, mà từ nền tảng tài chính của doanh nghiệp đó không vững nên quá trình đó được đẩy nhanh hơn mà thôi.

Hiện giờ Vua Cua đi "chậm" mà "chắc", có bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu. Chúng tôi phải chứng minh được mô hình kinh doanh hiệu quả rồi mới dùng đòn bẩy vốn được. Chúng tôi sẽ làm bằng tất cả sức lực và với những gì mình đang có.

Trong tương lai, nếu như Vua Cua đã có mô hình sinh lời ở Mỹ, chúng tôi sẽ lan rộng mô hình ra các nước khác. Lúc đó, có thể chúng tôi sẽ tìm thêm đối tác đầu tư để có thêm vốn mở rộng.

Cảm ơn chị về bài phỏng vấn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại