Nga dùng "vũ khí thần kỳ"
Tạp chí Forbes đưa tin, Không quân Nga ném tới 3.000 quả bom lượn vào Ukraine mỗi tháng. Loại bom dẫn đường bằng vệ tinh này có tầm bắn xa tới gần 65km.
Nhóm phân tích Deep State của Ukraine lưu ý rằng bom lượn KAB của Nga nặng gần 500kg, là "vũ khí thần kỳ" đối với Nga và Ukraine thực tế không có biện pháp đối phó nào.
Forbes nhận định, có thể lực lượng Ukraine không thể phòng thủ trước bom lượn của Nga, nhưng họ có thể đánh trả bằng bom lượn của riêng mình.
Để làm được điều này, lực lượng không quân Ukraine đang biến 40 - 50 chiếc máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29 và Sukhoi Su-27 của mình thành máy bay ném bom lượn - bằng cách trang bị cho chúng những quả bom có đường kính nhỏ (SDB) do Mỹ sản xuất.
Đây là một phát minh quan trọng khi lực lượng không quân Ukraine với một số lữ đoàn chỉ với khoảng 100 máy bay phản lực của Liên Xô cũ đang phải vật lộn để đối phó với chiến dịch ném bom lượn diện rộng của lực lượng không quân Nga hùng hậu.
Nhà phân tích người Phần Lan Joni Askola cho biết: "Đây là một tin tuyệt vời. Tin xấu là Ukraine có lẽ không thể mua đủ SDB hoặc các loại đạn dược khác khiến các máy bay MiG và Sukhoi của họ đủ bận rộn để ném bom lượn vào Nga."
Một chiếc MiG hoặc Sukhoi được trang bị SDB có thể tấn công 6 mục tiêu trong 1 lần xuất kích và ở khoảng cách xa, nhờ đó giảm thiểu rủi ro chịu tấn công từ lực lượng phòng không Nga.
Một trong những điều quan trọng khác là SDB chỉ có giá 40.000USD/mỗi quả bom. Chi phí thấp của SDB sẽ dẫn đến việc Ukraine có thể nhận được những lô viện trợ bom lớn hơn từ Mỹ.
Forbes cho hay, dựa trên tốc độ tấn công của Nga, ngành công nghiệp của nước này có thể sản xuất khoảng 3.000 bom lượn mỗi tháng. Như vậy, Moscow chỉ cần vài chục chiếc Sukhoi, mỗi chiếc ném 2-4 quả bom KAB mỗi ngày trong một tháng đế tung ra hết 3.000 quả bom.
Lực lượng không quân Ukraine đáng lẽ phải có đủ máy bay để bắt kịp tốc độ với chiến dịch ném bom của Nga. Và một khi Ukraine nhận được 85 máy bay chiến đấu F-16 của châu Âu từ mùa hè này, họ sẽ có đủ số máy bay cần thiết.
Tuy nhiên, thứ mà Kiev thiếu là bom. Pháp cam kết gửi tới Ukraine 50 quả bom AASM mỗi tháng. Washington và Kiev không tiết lộ số lượng bom JDAM và SDB mà Mỹ sẽ gửi tới Ukraine nhưng hợp đồng đầu tiên mà Lầu Năm Góc ký với Boeing để cung cấp JDAM cho Ukraine, vào đầu năm 2023, trị giá 41 triệu USD - đủ cho khoảng một nghìn quả bom.
Như vậy, Forbes nhận định, có thể số bom viện trợ mà Ukraine nhận được chỉ bằng 1/10 số bom mà Kiev cần để đối phó với hỏa lực trên không của Nga.
Châu Âu thiếu thuốc nổ
The Economist cho biết, châu Âu đang cố gắng hết sức để tăng cường sản xuất đạn pháo và tên lửa. Vào tháng 1/2024, Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận rằng họ đã không thực hiện được cam kết cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo trước tháng 3/2024. Vào ngày 15/3, EU đã phân bổ 500 triệu euro (542 triệu USD) để tăng cường sản xuất. Nhưng nút thắt lớn nhất cho đến gần đây vẫn là vấn đề: thiếu chất nổ.
Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến nhu cầu vũ khí giảm mạnh và buộc nhiều nhà sản xuất thuốc nổ châu Âu phải thu hẹp quy mô hoạt động, sáp nhập hoặc đơn giản là đóng cửa nhà máy. Nhu cầu về chất nổ ở châu Âu lại tăng vọt trở lại kể từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Các chuyên gia cho biết, nhiều công ty ở châu Âu đang đổ tiền vào việc mở rộng công suất. Tuy nhiên việc xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc nổ có thể mất từ 3-7 năm. Bên cạnh đó, những cơ sở này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung và thiếu công nhân lành nghề.
The Economist cho biết, châu Âu đang cố gắng thực hiện cam kết của mình với Ukraine. Ví dụ như ở Pháp, nhà máy sản xuất nhiên liệu của Eurenco ở Bergerac đã được khởi công xây dựng vào ngày 11/4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay, nhà máy sẽ hoàn thiện trong khoảng thời gian nhanh thần tốc và sẽ mở cửa vào năm 2025. Tuy nhiên, khi cuộc tấn công mùa hè của Nga đang diễn ra, tốc độ này có lẽ vẫn là chưa đủ nhanh để giúp đỡ Ukraine đang "khát đạn".