Trong khi cuộc chiến truyền thông giữa các công ty sản xuất nước mắm và Vinastas chưa ngã ngũ, Fivimart gây bất ngờ khi quyết định loại bỏ một số sản phẩm nước mắm truyền thống khỏi kệ hàng của siêu thị.
Trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu siêu thị Fivimart cho biết, đơn vị này dừng bán một số loại nước mắm vì doanh nghiệp chưa cung cấp đủ các giấy tờ kiểm tra kiểm soát và chứng minh về chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Các thương hiệu bị đưa khỏi kệ hàng bao gồm các nhà cung cấp không có đủ giấy tờ công bố chất lượng, kết quả kiểm nghiệm, hết hạn hợp đồng quá 6 tháng. Vì vậy, một số loại nước mắm truyền thống có đủ "giấy tờ" vẫn được bày bán như bình thường.
Ngoài ra, đại diện của hệ thống siêu thị này cũng cho biết, họ làm thế vì chịu sức ép từ phía khách hàng.
Đánh giá về động thái của Fivimart, chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng cần phải xét sự việc dưới góc độ của nhiều chủ thể riêng biệt. Ông Hoàng nhấn mạnh Fivimart là một nhà bán lẻ, nên muốn sống được, họ phải lấy được nguồn hàng tốt, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, và có cách tiếp thị sao cho khách hàng thấy thích mua, an tâm.
"Nhưng nếu vì một số lý do mà nhà bán lẻ bỏ qua cơ hội bán một sản phẩm tốt, thị trường vẫn thích thì điều này rõ ràng gây thiệt hại nhìn thấy được ngay cho nhà bán lẻ. Cho dù khoa học có cái lý của khoa học thì tập quán có cái lý của tập quán.
Vài trăm năm nay, ông bà người Việt sử dụng các sản phẩm truyền thống thì có rủi ro gì không? Rõ ràng không có bằng chứng về rủi ro. Đó chính là sức mạnh của tập quán".
Chuyên gia thương hiệu này cho rằng, hành động tiên phong kiểu Fivimart dễ dàng cho người tiêu dùng thấy siêu thị đang đứng rất gần khách hàng hàng của mình, và điều đó một phần giúp lan tỏa tốt hình ảnh thân thiện của công ty.
"Hành động tiên phong tức là nếu có vấn đề đang đặt dấu hỏi thì siêu thị sẽ đứng về phía có lợi nhất cho khách hàng của mình, triệt tiêu tất cả các rủi ro về sản phẩm.
Nhưng sự tiên phong ấy đôi khi lại phản tác dụng, nhất là trong bối cảnh chưa biết người tiêu dùng thực sự muốn gì. Với nước mắm, người tiêu dùng Việt đang ở vị thế đón nhận nhiều thông tin cùng lúc, và họ bị chia rẽ.
Nếu siêu thị lựa chọn đứng về một nhóm khách hàng này có thể họ sẽ trở thành người đối nghịch với nhóm khách hàng còn lại. Ở những thời điểm như vậy, nhanh tay nhanh chân chưa chắc đã là tốt".