Trung Quốc có thể sắp chứng kiến vụ vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương lần đầu tiên trong lịch sử, dù chưa thể chắc chắn về thời điểm. Đó là nhận định được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra trong thông cáo báo chí được phát đi hôm qua (24/9), trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về mức độ nợ quá cao ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những trái phiếu mà Fitch nhắc đến chính là những phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương phát hành (LGFVs) vốn được các địa phương tạo ra để lách các quy định giới hạn về nợ.
Tuy nhiên, chúng được cho là có nguy cơ gây ra một làn sóng vỡ nợ ở Trung Quốc do tỷ lệ vay nợ của các địa phương hiện ở mức quá cao. Làn sóng vỡ nợ này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường tài chính và thậm chí có thể tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Các chính quyền địa phương thường dùng LGFVs để vay tiền từ khu vực ngân hàng trong bóng tối (shadow banking, tức các loại hình cho vay phi ngân hàng không chịu sự quản lý khắt khe của chính phủ). Do Trung Quốc đang có chủ trương hạn chế đòn bẩy tài chính, các địa phương gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các kênh cho vay truyền thống.
Cho đến nay chưa có vụ vỡ nợ LGFV nào, nhưng theo Fitch, nguy cơ xảy ra những vụ đầu tiên “đang ngày càng rõ ràng hơn và sẽ khiến nhiều tài sản tài chính phải được định giá lại”.
Tuần trước, 1 hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín khác là S&P cũng hạ xếp hạng nợ dài hạn của Trung Quốc 1 bậc, từ AA- xuống A+ với nguyên nhân là rủi ro tín dụng gia tăng. Hồi tháng 5, Moody’s có động thái tương tự.
Fitch cho rằng rủi ro hệ thống sẽ được hạn chế nhờ tầm ảnh hưởng sâu rộng của chính phủ Trung Quốc đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ trên diện rộng vẫn hiện hữu.
“Các địa phương vẫn tiếp tục dựa vào LGFV để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng họ ở trong 1 vị thế khá tốt với nhiều công cụ chính sách để ngăn chặn rủi ro hệ thống”, báo cáo của Fitch có đoạn.
Tổng cộng số trái phiếu LGFV được phát hành từ năm 2015 đến nay nhưng vẫn chưa được thanh toán có giá trị lên tới 605 tỷ USD, tương đương 5,4% GDP.
Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã cho phép một số doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và tuân theo lộ trình cải cách theo hướng để các yếu tố thị trường tác động nhiều hơn đến nền kinh tế.