Tổng thống Trump trong buổi lễ tại Nhà Trắng ngày 3/12. Ảnh: Reuters
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố vắc xin đang được cân nhắc phân phối tại Mỹ đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết. Tuyên bố này dọn đường cho cơ quan quản lý hàng đầu nước Mỹ “bật đèn xanh” cho việc phân phối vắc xin ngay từ cuối tuần này.
Trong ngày thứ Năm, một nhóm các chuyên gia sẽ xem xét báo cáo của FDA cùng với phân tích từ các nhà sản xuất vắc xin bao gồm Pfizer – BioNTech SE. Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia trên dự kiến sẽ được công bố chỉ trong vòng vài ngày.
Trong báo cáo công bố ngày thứ Ba, FDA nhấn mạnh rằng loại vắc xin hai liều này phát huy tác dụng từ ngay sau lần tiêm thứ nhất, giảm ngay được 50% rủi ro lây nhiễm. Vắc xin được phát hiện có hiệu quả 95% sau khi tiêm lần thứ 2 vào ba tuần sau đó.
Các nhà khoa học thuộc FDA cũng nhận thấy rằng vắc xin có hiệu quả trong việc làm giảm rủi ro nhiễm bệnh nặng, kết quả nghiên cứu này vô cùng quan trọng bởi trước đây nhiều chuyên gia y tế từng lo ngại về khả năng vắc xin Covid-19 sẽ chỉ bảo vệ với trường hợp bệnh nhẹ hoặc không quá nặng.
Phản ứng phụ hoàn toàn dễ xảy ra, tuy nhiên chủ yếu tập trung với nhóm người trẻ tuổi. Phản ứng phổ biến nhất chính là mệt mỏi, sau đó đến đau cơ và nhức mỏi toàn thân.
Phản ứng phụ nặng khá hiếm, và chủ yếu thường xảy ra sau lần tiêm thứ 2, đồng thời nố cũng rất hiếm với người trên 55 tuổi.
Việc phản ứng phụ chủ yếu thường xuyên xuất hiện sau lần tiêm thứ 2 cho thấy rằng vắc xin đang tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh, theo phân tích của bà Angela Rasmussen, chuyên gia về di truyền học tại trung tâm y tế và an ninh toàn cầu thuộc đại học Georgetown.
“Điều đó không đồng nghĩa rằng vắc xin đang khiến cho bạn yếu đi, mà bạn cần phải chuẩn bị cho việc sẽ không cảm thấy khỏe trong vòng 1,2 ngày sau khi tiêm chúng”, bà Angela nói.
Vắc xin được coi như biện pháp quan trọng để ngăn sự lây lan của virus corona, nhiều chuyên gia y tế đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc vắc xin cần phải ngăn được rủi ro nhiễm bệnh với nhóm dân số có độ rủi ro cao ví như nhóm thiểu số và người cao tuổi vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Chuyên gia về bệnh lây nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ, ông Anthony Fauci, nói rằng việc người dân ngại tiêm vắc xin sẽ có thể là một trở ngại quan trọng: “Có khá nhiều người tin rằng điều này không có thật, là tin giả hoặc là một sự bịa đặt. Họ chưa bao giờ chứng kiến điều đó trước đây”.
Chuyên gia về vắc xin tại đại học John Hopkins đồng thời là người đang tham gia thử nghiệm vắc xin của AstraZeneca PLC, bà Anna Durbin, khẳng định sẽ cần đến sự tham gia của thêm nhiều người da đen vào các thử nghiệm vắc xin Covid-19.
Cùng lúc đó, bà Durbin khẳng định rằng vắc xin rõ ràng đã giúp mang đến sự bảo vệ cần thiết 10 ngày sau liều thứ nhất.
Thông tin được công bố sẽ củng cố niềm tin của các nhà quản lý ngành y tế và các bác sỹ về khả năng sẽ có đợt tiêm vắc xin trên quy mô lớn. Chính quyền các bang, quản lý bệnh viện và nhiều điểm tiêm vắc xin đang chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất và thành lập các nhóm đặc nhiệm vắc xin khi mà vắc xin Pfizer gần đến giai đoạn phân phối.