Vaccine Covid-19 của Trung Quốc liệu có phải là "viên thuốc đắng" cho các nước Đông Nam Á?

Minh Khôi |

Trung Quốc đang có ưu thế trong quá trình phát triển vaccine. 4/10 loại vaccine hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đều do các hãng dược phẩm Trung Quốc phát triển.

Trung Quốc có ưu thế lớn

Puskesmas, một cơ sở y tế chính phủ nằm ở thành phố Bandung, Indonesia, cùng nhiều cơ sở tương tự khác, đang nắm trong tay hi vọng giúp Indonesia thoát khỏi đại dịch Covid-19. Tại đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Padjadaran và công ty dược phẩm Bio Farma đang tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 do công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech phát triển lên các tình nguyện viên.

Đối với Rizky Sugih, một người bán rau 30 tuổi, quyết định tham gia thử nghiệm vaccine khá là dễ dàng. "Chỉ cầu nguyện là không đủ. Chúng ta phải hành động. Tôi có một cháu nhỏ và rất lo gia đình mình có thể nhiễm virus" anh nói.

Sugih nói anh không nghĩ quá nhiều khi bạn bè nói về việc làm tình nguyện viên, đặc biệt là khi cả Thống đốc Tây Java cũng cho biết ông sẽ tiêm thử nghiệm.

Vaccine Covid-19 của Trung Quốc liệu có phải là viên thuốc đắng cho các nước Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Một công nhân tại tập đoàn dược Sinovac Biotech của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

"Các lãnh đạo nhà nước cũng tham gia, và đây là một cơ sở uy tín, thì tại sao không? Tôi không thể đóng góp tiền bạc, nhưng tôi có thời gian và điều kiện khác", anh nói.

Đối với Indonesia, đây được cho là lối thoát duy nhất. Cơ sở y tế tại Bandung, với 1.600 tình nguyện viên, đã bắt đầu thử nghiệm vaccine từ tháng 8, dự kiến sẽ kéo dài cho tới tháng 5 năm sau.

Nhưng chính phủ không có sự kiên nhẫn như vậy, Jakarta đang phải xây thêm các khu nghĩa trang sau khi số người chết vì covid-19 tăng lên, trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo đã lên tiếng kêu gọi sớm phân phối các vaccine trong năm nay, bất chấp các khuyến nghị từ chuyên gia y tế về rủi ro đến từ đẩy nhanh quá trình thử nghiệm vaccine.

Theo chính phủ Indonesia, Sinovac sẽ cung cấp 3 triệu liều Covid-19 vaccine và nguồn nguyên liệu cần thiết để Bio Farma có thể sản xuất 15 triệu liều trong nước vào cuối tháng 12. Sinovac cũng đã đồng ý cung cấp 125 triệu liều vào năm sau.

Các quan chức tại Jakarta nói rằng mỗi người dân sẽ cần khoảng 2 liều vaccine để đảm bảo hiêu quả, do đó, chính phủ đặt mục tiêu sẽ có 540 triệu liều vào 2022, ước tính sẽ cần khoảng 2,5 tỷ USD để thực hiện mục tiêu này.

Trong khi Indonesia đang cố gắng đàm phán với các hãng phát triển vaccine khác, rõ ràng là họ sẽ hầu như phải phụ thuộc vào Trung Quốc, nước hiện đang chiếm ưu thế trong quá trình phát triển vaccine. Trong đó, 4 trong 10 ứng viên vaccine hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đều do các hãng dược phẩm Trung Quốc phát triển.

Sinovac, Sinopharm và CanSino Biologics đều đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở ít nhất 15 quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc còn có lợi thế về khả năng sản xuất vaccine quy mô lớn. Các chuyên gia phân tích nhận định 3 trong số 4 ứng viên vaccine hàng đầu của Trung quốc đều là vaccine bất hoạt, vốn là công nghệ đã được sử dụng khá phổ biến. "Điều này sẽ cho phép việc sản xuất quy mô lớn dễ hơn so với các vaccine sử dụng công nghệ mới" công ty phân tích Airfinity có trụ sở ở London nhận định, khi so với RNA vaccine do Pfizer và Moderna phát triển, vốn cần phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Một lợi thế thứ 3 của Trung Quốc là nước này hầu như đã kiểm soát được Covid-19, do đó không cần phải đặt ưu tiên sử dụng ngay vaccine cho người dân trong nước. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 22/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ đưa vaccine do Trung Quốc sản xuất trở thành "sản phẩm của toàn cầu" và ưu tiên cho các nước đang phát triển.

Viên thuốc đắng?

Indonesia không phải là quốc gia duy nhất. Nhiều nước đang phát triển khác trong bối cảnh phải đối mặt với đại dịch Covid-19 cũng đang tham gia vào quá trình thử nghiệm và sản xuất vaccine do Trung Quốc phát triển. Trong khi đó, một số khác đang đàm phán về ưu tiên được tiếp cận nguồn vaccine này.

Với Bắc Kinh, điều này sẽ là một cơ hội vàng để thể hiện thiện chí với châu Á, vốn là khu vực mà nước này đang muốn đẩy mạnh tầm ảnh hưởng.

"Bắc Kinh sẽ sử dụng vaccine vì mục đích chiến lược, bao gồm việc cải thiện hình ảnh trước cộng đồng quốc tế, vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh", Adam Ni, giám đốc Trung Tâm chính sách Trung Quốc tại Canberra, Úc.

Trung Quốc vào ngày 9/10 cũng đã thông báo sẽ tham gia COVAX, một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm mục đích phân phối công bằng vaccine Covid-19. Trong khi đó Mỹ, nước cũng có 4 công ty đang thử nghiệm vaccine giai đoạn 3, đã bác bỏ khả năng tham gia COVAX, đồng thời Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định sẽ ưu tiên người dân trong nước trước.

Tuy nhiên, với việc thiếu các phương án khác, các vaccine của Trung Quốc sẽ là một lợi thế về địa chính trị, khi đó nhiều quốc gia trông chờ vào các vaccine sẽ không muốn làm "phật lòng" Bắc Kinh.

Aleksius Jemadu, giáo sư về chính trị quốc tế tại trường Pelita Harapan, Indonesia, cho biết việc hợp tác với phát triển vaccine là cách thức để nước này thu hút những quốc gia thường có vị trí trung lập như Indonesia.

"Indonesia là quốc gia lớn nhất tại Đông Nam Á. Một sự hợp tác như vậy sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc về lâu dài, bởi nước này đang cạnh tranh với Mỹ", GS Jemadu nói.

Jemadu nhắc lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Jakarta vào cuối tháng 10, trong đó ông Pompeo nói "chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia" quanh khu vực tranh chấp ở quần đảo Natuna. 

Tuy nhiên, hiện khi Mỹ chỉ có thể đưa ra những tuyên bố thay vì hành động, Trung Quốc lại có thể đưa ra những lợi ích cụ thể mà điển hình là vaccine ngừa Covid-19. "Thực tế là đang có nhu cầu khổng lồ đối với vaccine Covid-19, và Trung Quốc là một trong những ứng viên tiềm năng hiện nay. Điều đó cho thấy năng lực của nước này trong việc gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu", ông Ni nói thêm.

Ở thời điểm tháng 9, khi các tàu tuần tra biển của Trung Quốc và Indonesia đụng độ trên vùng biển Bắc Natuna, nơi Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở hầu hết toàn bộ khu vực Biển Đông. Vụ việc chỉ chấm dứt khi Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nêu ý kiến phản đối với Đại sứ Trung Quốc ở Jakarta.

Ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vào tháng 1, một vụ đụng độ tương tự ở biển Natuna đã khiến Tổng thống Jokowi ngay lập tức đi thị sát tại đây. Những chuyến đi này đã trở nên thường xuyên hơn khi Indonesia đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền sau nhiều vụ đụng độ với tàu của Trung Quốc trong những năm qua.

Nhưng vào tháng 9, sau vụ đụng độ xảy ra một lần nữa, ngoại trừ phản ứng từ Bộ Ngoại giao Indonesia, đã không có bất cứ phản ứng nào từ ông Jokowi.

Ông Jemadu cho rằng chiến lược đối ngoại vaccine của Trung Quốc có thể đã ảnh hưởng tới quan điểm của Indonesia, bởi "họ không muốn làm xấu đi mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc bằng cách đưa ra các nhận định về Biển Đông". Trong tương lai, Indonesia sẽ "thận trọng hơn" khi đưa ra các tuyên bố về vấn đề này, ông nói.

Gurjit Singh, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Indonesia và 10 quốc gia ASEAN, cho rằng Covid-19 đã thay đổi căn bản cán cân quyền lực tại Đông Nam Á. "Nếu bất kì nước này có cơ hội được tiếp cận vaccine, họ sẽ ngay lập tức chớp lấy".

Evan Laksmana, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở Jakarta, cho rằng Covid-19 đã khiến sự phụ thuộc của các nước với Bắcc Kinh càng rõ ràng, vốn không chỉ nằm ở khía cạnh kinh tế và thương mại, mà còn cả ở chuỗi cung ứng thuốc và dược phẩm.

"Ấn Độ, Nhật và Úc đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc giảm sự phụ thuộc với Trung Quốc, nhưng tôi không cho rằng đó là phương án thực tế đối với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á", ông nói.

ASEAN cũng đang là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 này, Trung Quốc và các lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ kí kết hiệp định RCEP và thoả thuận thương mại tự do mở rộng châu Á sẽ mở cửa thị trường Đông Nam Á cho hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong khi hầu hết các quốc gia ASEAN đều hoan nghênh RCEP, vaccine sẽ tiếp tục là yếu tố khiến nhiều nước sẵn sàng ngồi vào đối thoại với Trung Quốc.

Câu hỏi về vấn đề đạo đức

HIện nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine riêng của họ, và đồng thời cũng nhằm làm đối trọng trước ảnh hưởng của Trung Quốc. Ví dụ như Nhật cho biết sẽ sẵn sàng cung cấp thuốc Avigan miễn phí để chữa trị Covid-19, hay Ấn Độ cam kết sẽ cung cấp vaccine cho Bangladesh. Tuyên bố này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Sinovac kí thoả thuận thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine tại Bangladesh.

Tại Indonesia, nhiều lo ngại đã dấy lên về mức độ an toàn của vaccine sau cái chết của một tình nguyện viên thử nghiệm vaccine do AstraZeneca phát triển tại Brazil. Sau đó, Tổng thống Jair Bolsonaro đã bác đề xuất của Bộ Trưởng y tế nước này về việc hợp tác vaccine của Sinovac:"người dân Brazil sẽ không trở thành vật thí nghiệm của bất cứ ai".

Trung Quốc cũng đang đối mặt với các câu hỏi về đạo đức, khi hầu như quá trình thử nghiệm vaccine đều diễn ra ở nước ngoài. Lý do chính là, theo các chuyên gia, nước này đã kiểm soát thành công dịch bệnh.

Tại Indonesia, giáo sư Cissy Rachiana Sudjana Prawira – Kartasasmita cho rằng thực tế vaccine của Sinovac đã bước vào giai đoạn 3 cho thấy sự an toàn đối với con người. Trong khi đó đến nay, vẫn chưa có bất cứ báo cáo nào ghi nhận các hiệu ứng không mong muốn trên các tình nguyện viên.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia y tế đều nhấn mạnh vaccine thế hệ đầu tiên sẽ không phải là giải pháp hiệu quả ngay lập tức đối với Covid-19. Vào tháng 9, tạp chí y khoa "The Lancet" đã đăng bài nghiên cứu của Malik Peiris và Gabriel Leung cho rằng các bằng chứng ghi nhận vaccine chỉ giúp người được tiêm không bị ốm, chứ không ngăn ngừa sự lây lan của virus. Trong khi đó, hiệu quả của vaccine có thể sẽ kéo dài ít hơn 1 năm.

"Việc vaccine Covid-19 có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng và giúp chúng ta quay trở lại thời điểm bình thường trước Covid-19 có thể chỉ dựa vào các giả thuyết mơ hồ", bài nghiên cứu viết.

Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm tại Đông Nam Á, điều này có thể sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của các nước này vào vaccine của Trung Quốc. Nhiều nước sẽ cần nhiều liều hơn là ước tính ban đầu để bảo vệ người dân. Và trong thời điểm hiện tại, có lẽ khó có nước nào có thể chọn lựa một phương án khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại