F/A-18E/F từ Mỹ - cùng Su-30 Nga: Cặp đôi hoàn hảo, miễn chê?

Hoàng Minh |

Cùng Su-30, việc xuất hiện một tổ hợp gây nhiễu chuyên biệt như EA-18G sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân tác chiến điện tử trên vùng biển nhất định.

F/A-18E/F - Sự lựa chọn không mới từ Mỹ?

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Đông Nam Á tháng 5 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng các quốc gia trong khu vực có nhiều lựa chọn hơn so với các phiên bản của F-16 và một lựa chọn hợp lý là F/A-18E/F Super Hornet, như Malaysia đã triển khai thành công với phiên bản F/A-18C/D.

Tại sao lại chọn F/A-18E/F?

- Thiết kế tối ưu

Được phát triển từ nền tảng máy bay tiêm kích F/A-18C/D Hornet, phiên bản Super Hornet đã tận dụng những ưu điểm từ người tiền nhiệm và tăng cường chúng, nâng lên một tầm cao mới. Trong đó điển hình là việc gia tăng tầm bay và tải trọng mang vũ khí, trong khi lại giảm bớt diện tích bề mặt phản xạ radar (RCS) nhờ nhiều phương pháp khác nhau.

Động cơ General Electric F414 cũng cho sức đẩy lớn hơn 35% so với F-404 trên F/A-18C/D, giúp Super Hornet có khả năng cơ động và tăng tốc tốt hơn nhiều.

Khung thân và càng được phát triển cho tàu sân bay cũng giúp Super Hornet là ứng cử viên phù hợp cho những sân bay dã chiến, hoặc cất giấu trong các hầm ngầm. Đây là một trong những lợi thế mà những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như MiG-29K của Nga mà F/A-18E/F có thể tận dụng.

- Đã được sử dụng trong thực tế chiến đấu

Hiện có hai nước đang vận hành phiên bản Super Hornet là Mỹ và Australia, trong đó Hải quân Mỹ vận hành khoảng hơn 400 chiếc và Không quân Hoàng gia Australia vận hành 24 chiếc. Ở Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Malaysia sử dụng phiên bản F/A-18C/D phối hợp cùng Su-30MKM tạo thành một cặp đôi đáng nể.

Super Hornet đã góp mặt trong các cuộc chiến lớn và chứng tỏ được sự vượt trội so với thiết kế cũ là F/A-18 Hornet. Điều này phù hợp với yêu cầu của Malaysia và một số quốc gia khác trong khu vực, đó là chỉ sử dụng các phương tiện đã được kiểm chứng trong thực tế.

Điều đáng lưu ý là Super Hornet có thể đảm nhận cả vai trò tiêm kích đối không và tấn công mặt đất/mặt biển. Tuy nhiên, với số lượng không nhiều Su-30MKM, Malaysia cần tập trung hơn vào tiêm kích đối không để bảo vệ cho các biên đội này.

Dù quan hệ giữa Malaysia - Mỹ đã được cải thiện nhiều, khó có khả năng họ mua được phiên bản F/A-18 trang bị khí tài tối tân nhất như Hải quân Mỹ. Do vậy, sẽ thực tế hơn khi xem xét bản F/A-18E/F được trang bị radar điện tử hàng không ở mức độ vừa phải nên phải có sự trợ giúp từ dẫn đường mặt đất để có thể chiếm vị trí thuận lợi cho việc công kích.

Bù lại, Super Hornet có 11 giá treo vũ khí, giúp nó có nhiều tùy chọn về nhiệm vụ. Với nhiệm vụ bảo vệ biên đội Su-30 (Su-30MKM), các biên đội F/A-18E/F có thể lựa chọn cấu hình với 4 tên lửa AIM-120 AMRAAM tầm trung và 2 tên lửa AIM-9 Sidewinder cận chiến.

Kèm theo đó là 2 thùng dầu phụ để tăng tầm bay hoặc 2 tên lửa AGM-88 HARM để chống radar.

Với diện tích phản xạ radar nhỏ và thiết kế tối ưu cho bay biển, Super Hornet có thể cất cánh từ các sân bay dã chiến, bay bám biển theo lệnh của dẫn đường mặt đất, từ đó tiếp cận các nhóm tiêm kích đối phương. Sau đó bất ngờ kéo cao để phóng đạn, khiến tiêm kích đối phương không kịp trở tay.

Ngoài bản Super Hornet, nếu cần, có thể chọn mua mẫu EA-18G Growler chuyên biệt cho tác chiến điện tử.

Thay vì chủ động tấn công các phi đội tiêm kích thế hệ 4 và 4+, EA-18G có thể tiến hành gây nhiễu, "chọc mù mắt" của đối phương và tạo lá chắn điện tử bảo vệ cho các nhóm Su-30 công kích. Bên cạnh đó, chúng có thể đóng vai trò làm "con mồi" để đối phương tấn công, tạo điều kiện để bố trí lực lượng phục kích đánh trả.

Hiện Su-30 có không nhiều lựa chọn về các hệ thống gây nhiễu trên không, hầu hết đều là những hệ thống quá quen thuộc với đối phương và họ có thể đã phát triển những cách chống trả chúng.

Việc xuất hiện một tổ hợp gây nhiễu chuyên biệt như EA-18G Growler sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân tác chiến điện tử trên một vùng biển nhất định, với lợi thế không nhỏ thuộc về quốc gia sở hữu chúng.

Nhìn chung, với kinh nghiệm vận hành, phối hợp tác chiến trên thực tế, có thể thấy, Malaysia hoàn toàn có lý khi dùng F/A-18C/D để hỗ trợ và tăng cường năng lực đối không, bên cạnh các tiêm kích hạng nặng như Su-30MKM và nhiều quốc gia khác có thể nghiên cứu, vận dụng mô hình này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại