Lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư vượt biên vào Anh qua Eo biển Manche sau vụ lật thuyền ngày 24/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đưa ra thông báo trên sau cuộc họp giữa ông và các bộ trưởng phụ trách vấn đề người di cư của Đức, Hà Lan và Bỉ diễn ra tại cảng Calais, miền Bắc nước Pháp, vào chiều 28/11, vài ngày sau khi xảy ra vụ 27 người di cư thiệt mạng ở eo biển Manche.
Tại cuộc họp này, các bên đã nhất trí tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn các băng nhóm buôn người di cư qua tuyến đường biển hẹp nhưng đầy nguy hiểm ngăn cách giữa Pháp và Anh này. Theo đó, Frontex sẽ triển khai một máy bay giám sát hoạt động cả ngày lẫn đêm để hỗ trợ cảnh sát Pháp, Hà Lan và Bỉ, từ ngày 1/12 tới.
Từ đầu năm đến nay, khoảng 26.000 người di cư đã cố vượt qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh. Các băng nhóm buôn người đã sử dụng Bỉ, Hà Lan và Đức làm địa bàn để tổ chức hoạt động của chúng.
Các băng nhóm này được cho là đưa người di cư từ Bỉ đến các khu vực miền Bắc nước Pháp, trong khi chúng mua áo phao ở Hà Lan và Đức để tránh bị nghi ngờ.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, sau thảm kịch khiến 27 người di cư thiệt mạng ở eo biển Manche khi tìm cách từ Pháp tới Anh hôm 24/11 vừa qua, căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa hai nước vốn đang bất đồng về các quy tắc thương mại hậu Brexit và quyền đánh bắt cá.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố nước này sẵn sàng tham gia một cuộc thảo luận nghiêm túc với Anh về các vấn đề liên quan đến di cư bất hợp pháp, nhưng sẽ không để chính quyền London gây sức ép.
Ông Darmanin cho rằng “Anh đã rời EU, chứ không rời khỏi thế giới. Chúng ta cần phải làm việc nghiêm túc về những vấn đề này mà không để chính quyền Anh gây sức ép".
Theo ông, Pháp đã phải xử lý vấn đề người di cư bất hợp pháp đến Anh từ 25 năm qua và giờ đã đến lúc London phải nhận thức được điều đó.
Ông Darmanin nhấn mạnh nếu những người di cư đến Calais, Dunkirk hoặc miền Bắc nước Pháp, đó là vì họ bị thu hút bởi chính sách thị trường lao động của Anh, nơi mà họ có thể làm việc mà không cần bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Ông cho rằng nước Anh phải chịu trách nhiệm và xem xét lại chính sách này.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi thư cho Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất 5 giải pháp mà hai nước có thể thực hiện để ngăn chặn làn sóng người di cư thực hiện các cuộc vượt biển đầy nguy hiểm.
Một trong những giải pháp này đề cập đến việc đưa những người di cư bất hợp pháp trở lại Pháp, điều đã khiến Paris tức giận. Pháp đã đáp trả bằng cách hủy lời mời Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel tham dự cuộc họp ngày 28/11 nói trên.