EU "tính kế" nếu cấm vận dầu thất bại - Ông Biden đoán giá dầu Nga giảm sâu, Nga nói gì?

Hồng Anh |

"Chắc chắn Nga sẽ không bán bất cứ thứ gì không đem lại lợi nhuận", người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định.

Điện Kremlin đáp trả tuyên bố của Tổng thống Biden

Đài RT (Nga) đưa tin, hôm 2/6 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã có lời đáp trả một tuyên bố đáng chú ý của Tổng thống Mỹ Joe Biden về dầu mỏ, theo đó ông Peskov khẳng định: Moskva sẽ không bán dầu nếu không kiếm được lợi nhuận.

Cụ thể, Tổng thống Biden hôm 1/6 đã bình luận rằng do lệnh cấm vận mới của Liên minh châu Âu (EU), Nga sẽ buộc phải chào bán dầu giảm giá cực sâu cho các khách hàng nước ngoài của họ.

Lệnh cấm vận dầu Nga mới được EU thông qua gần đây đã "thêm dầu vào lửa" trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên khắp thế giới, và người dân Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Tuyên bố trên đã được ông Biden đưa ra trong cuộc họp của chính quyền Mỹ về những nỗ lực giúp giảm giá xăng dầu.

"Nga rất cần bán dầu, và sẽ bán nó với giá thấp hơn đáng kể so với giá thị trường hiện tại", Tổng thống Biden nói.

Đáp lại tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định: Điều đó sẽ không xảy ra bởi thị trường dầu thế giới sẽ phản đối.

"Chắc chắn Nga sẽ không bán bất cứ thứ gì không đem lại lợi nhuận. Khi nhu cầu ở một nơi giảm đi, thì nó sẽ tăng lên ở một nơi khác. Các chuỗi cung ứng sẽ định hướng lại khi các bên tìm kiếm điều kiện giao dịch tốt nhất", ông Peskov nói.

Được biết, các nhà sản xuất dầu của Nga đã chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường châu Á như Ấn Độ, được cho là với mức chiết khấu khá hào phóng so với giá bán trên thị trường hiện tại.

EU tính kế nếu cấm vận dầu thất bại - Ông Biden đoán giá dầu Nga giảm sâu, Nga nói gì? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng lệnh cấm vận của EU sẽ buộc Nga phải giảm giá bán dầu sâu hơn nữa, nhưng Điện Kremlin không đồng tình với quan điểm này.

EU tính kế dự phòng nếu lệnh cấm vận dầu thất bại

Tờ Financial Times đưa tin hôm 1/6 cho hay, EU được cho là đang xem xét biện pháp áp thuế nhập khẩu đối với dầu thô của Nga nếu có bất kỳ thành viên nào trong khối từ chối thực hiện các điều khoản của lệnh cấm vận mới được thông qua.

Đầu tuần này, các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận một phần đối với xuất khẩu dầu thô của Nga. Lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga và tiến tới con số 90% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, EU đã đồng ý miễn trừ việc xuất khẩu dầu qua đường ống để "xoa dịu" các quốc gia không giáp biển như Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia, giúp họ có thêm thời gian tìm kiếm giải pháp thay thế. Việc miễn trừ này được cho là không quy định thời hạn, làm dấy lên lo ngại rằng Budapest có thể tiếp tục nhập dầu thô của Nga tùy ý.

FT dẫn lời một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu, EU đang tìm cách áp thuế đối với dầu nhập khẩu của Nga nếu Thủ tướng Hungary Viktor Orban không cam kết tuân thủ thời hạn ngừng nhập khẩu.

Đề xuất về thuế quan chỉ cần đa số phiếu thuận trong số 27 quốc gia thành viên, thay vì nhất trí 100% như các biện pháp trừng phạt thông thường, do đó Hungary không thể phủ quyết đề xuất này.

Nếu đề xuất trên được thông qua, nó được cho là sẽ khiến dầu của Nga kém cạnh tranh hơn, có khả năng buộc Moskva phải giảm giá bán, hoặc Hungary và các quốc gia khác phải trả giá cao hơn.

Hà Lan vẫn nhập khẩu khí đốt Nga sau khi bị khóa van

RT dẫn nguồn tin từ đài truyền hình NOS (Hà Lan) cho biết, Hà Lan vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho công ty GasTerra của nước này, do phía Hà Lan từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Theo đài NOS, một số công ty năng lượng của Hà Lan vẫn nhập khẩu khí đốt của Nga cả trực tiếp và gián tiếp, thông qua các công ty Essent và Eneco của Hà Lan, cũng như Uniper và RWE của Đức.

Theo phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Khí hậu Hà Lan, ước tính Hà Lan nhập khẩu tổng cộng khoảng 6 tỷ mét khối khí đốt của Nga mỗi năm. Tuy nhiên, người này cho biết không thể nói chính xác lượng khí đốt của Nga đang được mua vào lúc này.

Hà Lan là quốc gia EU thứ 4 bị Nga "khóa van". Sau Hà Lan, đến lượt Đan Mạch cũng đối mặt với tình trạng đóng băng nguồn cung sau khi nước này từ chối nhu cầu thanh toán cho khí đốt bằng đồng rúp của Nga.

Phương Tây liệu có còn đoàn kết khi giá cả tăng cao?

Liệu sự đoàn kết của phương Tây có còn khi giá nhiên liệu tăng cao? - Đó là câu hỏi được đài CNN (Mỹ) đặt ra trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới bất bình, đồng thời làm tăng nguy cơ suy thoái. CNN cho rằng việc duy trì sự đoàn kết trong nội bộ phương Tây đang ngày càng trở nên thách thức hơn.

Ông Jason Furman, giáo sư Đại học Harvard, người từng là cố vấn kinh tế hàng đầu của cựu Tổng thống Barack Obama, bình luận với CNN Business: "Tôi rất lo lắng về ảnh hưởng của tình trạng suy thoái kinh tế ở châu Âu đối với quyết tâm duy trì và tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của họ."

Hiện tại, những rạn nứt đang bắt đầu hình thành trong mặt trận thống nhất của châu Âu. Điển hình là sự phản đối mạnh mẽ của Hungary khiến lệnh cấm vận dầu Nga rơi vào trạng thái bế tắc cả tháng trời.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ đang chịu áp lực rất lớn để chứng minh rằng họ đang nỗ lực chống lạm phát một cách nghiêm túc trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, mặc dù hầu hết các yếu tố gây ra lạm phát, chẳng hạn như những khó khăn trong chuỗi cung ứng hay nhu cầu tiêu dùng cao, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của giới lãnh đạo.

Trong khi đó, trang Al Jazeera (Qatar) ngày 2/6 có bài bình luận: Trừng phạt Nga: "Phương Tây đang tự bắn vào chân", trong đó phân tích những lý do đồng rúp Nga bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt nhưng một thời gian ngắn sau đã phục hồi, tương tự đối với nền kinh tế Nga.

Al Jazeera dẫn lời các nhà phân tích cho rằng Nga đến nay đã thực hiện các động thái chính xác để chống lại tác động của các lệnh trừng phạt; và câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây có thể vượt qua các lệnh trừng phạt của chính mình hay không.

Chuyên gia Iskander Lutsko của ITI Capital phân tích rằng 5 tháng đầu tiên của các lệnh trừng phạt "giống như thời kỳ trăng mật" đối với nền kinh tế Nga, nhưng khi châu Âu đưa ra quyết định cứng rắn về cấm vận dầu khí, "chính phủ Nga sẽ còn lại rất ít lựa chọn về biện pháp chốn trả".

Tuy nhiên, với việc Nga chiếm gần 20% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 17,5% sản lượng khí đốt của thế giới và là nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới, chắc chắn lệnh cấm vận sẽ có những tác động.

EU tính kế nếu cấm vận dầu thất bại - Ông Biden đoán giá dầu Nga giảm sâu, Nga nói gì? - Ảnh 2.

Biểu đồ về mức độ phụ thuộc của các nước vào khí đốt Nga. Ảnh: Al Jazeera

Ông Lutsko cho rằng, cho đến nay, các biện pháp trừng phạt vẫn có lợi cho chính phủ Nga vì nó đã tạo ra biến động lớn về giá cả hàng hóa.

Trong quý đầu tiên của năm, Nga đã ghi nhận mức thặng dư thương mại cao kỷ lục trong lịch sử là 58 tỷ USD.

"Mỹ và châu Âu, bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đã đồng thời tự bắn vào chân mình", ông Lutsko nói. "Thật đáng tiếc, đặc biệt là đối với các nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trong khi đó, một số nước như Trung Quốc được hưởng lợi khi mua dầu từ Nga với mức chiết khấu rất lớn."

"Rõ ràng họ đã không tính đến tác động thực sự của các lệnh trừng phạt, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo nhất", chuyên gia này nói thêm.

Chuyên gia về thị trường năng lượng Vyacheslav Mishchenko nhận định: khi nói đến thiệt hại do các lệnh trừng phạt, cho đến nay "Nga được hưởng lợi từ tình hình tốt hơn nhiều so với EU."

"Nhu cầu hàng hóa rất cao. Không ai có thể thay thế Nga trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là về mặt hàng năng lượng. Càng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây, giá cả của các mặt hàng trên thị trường khí đốt càng tăng", ông Mishchenko nói.

Chuyên gia này nói thêm: "Bất chấp những hạn chế, tranh chấp, lệnh cấm một số tuyến đường, cảng biển, v.v., Nga xuất khẩu ít hơn về khối lượng nhưng lại thu được nhiều tiền hơn. Điều đó gây nhiều áp lực lên đồng USD và euro, nhưng đồng rúp của Nga vẫn đang làm rất tốt."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại