Các nhà hoạch định chính sách từ Brussels và Kiev được cho là đang tổ chức tham vấn chuyên sâu, nỗ lực thuyết phục Hungary "bật đèn xanh" cho các cuộc đàm phán để Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Politico dẫn nguồn cho biết, các quan chức ở Ukraine và EU đã hợp tác để giải quyết những rào cản từ Hungary đối với việc kết nạp Ukraine.
Theo một nhà ngoại giao EU, Budapest có thể tìm cách ngăn chặn các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine trước khi Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên 6 tháng của Hội đồng EU vào tháng 7. Bỉ đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị liên chính phủ vào cuối tháng 6.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nộp đơn gia nhập EU ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Đơn đăng ký gia nhập khối của Kiev được ký vào ngày 28/2/2022.
Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng nộp đơn đăng ký làm thành viên chính thức của EU vào ngày 28/2/2022. Đến tháng 6/2022, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố trao tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine và Moldova.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng việc trao Ukraine tư cách ứng cử viên EU là “thông điệp mang tính biểu tượng”, ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột quân sự với Nga. Việc Ukraine cần làm lúc này là đáp ứng tiêu chuẩn của khối.
Hồi tháng 10, ông Charles Michel thông tin EU có thể kết nạp Ukraine vào năm 2030 nếu “cả hai bên đáp ứng yêu cầu”. Tháng 5/2023, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Tổng thống Moldova cho biết nước này cũng có thể gia nhập EU vào năm 2030.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva chưa bao giờ phản đối việc Ukraine gia nhập EU vì Nga không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa quân sự nào trong hợp tác kinh tế giữa Kiev và đối tác quốc tế. Đồng thời, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc Ukraine gia nhập khối sẽ làm suy yếu hệ thống toàn châu Âu.