EU áp thêm lệnh trừng phạt với Nga, hiệu quả ra sao?

Cẩm Anh |

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) dự định áp đặt gói trừng phạt thứ 10 chống Nga.

EU áp thêm lệnh trừng phạt với Nga, hiệu quả ra sao? - Ảnh 1.

EU đặt mục tiêu áp dụng gói trừng phạt thứ 10 chống lại Nga

Trong chuyến công du tới Ukraine, bà Ursula von der Leyen cho biết "Đến ngày 24/2, tròn một năm kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, chúng tôi đặt mục tiêu áp dụng gói trừng phạt thứ 10".

Đáng chú ý, trong gói trừng phạt lần này, EU cũng sẽ bổ sung kim cương vào danh sách cấm xuất khẩu và mở rộng lệnh cấm buôn bán hàng hóa cho mục đích quân sự.

Các biện pháp trừng phạt hiện tại cũng tiếp tục tác động, làm suy yếu nền kinh tế Nga. Bà Leyen tin rằng mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga khiến nước này mất khoảng 160 triệu euro mỗi ngày.

Tháng trước, Ba Lan và Litva kêu gọi EU áp đặt cấm vận mới đối với Nga, trong đó có các hạn chế lên ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, cấm thêm các cơ quan truyền thông Nga và loại thêm nhiều ngân hàng nước này khỏi hệ thống SWIFT.

Đánh giá về động thái này của EU, một số chuyên gia tài chính đã nói sau dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng, các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể không có nhiều tác động như phương Tây đã kỳ vọng.

IMF cho biết sản lượng của Nga sẽ tăng 0,3% trong năm nay và 2,1% trong năm tới, bất chấp những dự đoán trước đó. Người phát ngôn của IMF cho biết: “Ở mức trần giá dầu hiện tại của G7, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Nga dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, và thương mại của Nga tiếp tục được chuyển hướng sang một số các quốc gia khác".

Ông Santa Zvaigzne-Sproge, Giám đốc đầu tư tại Công ty Dịch vụ tài chính Conotoxia, cho biết: “Xét về các biện pháp trừng phạt, tác động tức thời đối với nền tài chính và quân sự của Nga dường như không mạnh như mong đợi”.

Chuyên gia này cho biết thêm, Nga đã tìm thấy thị trường mới cho lĩnh vực dầu khí của mình để thay thế cho thị trường EU. Trong khi đó, Vương quốc Anh, tương tự như các nước EU khác, vẫn đang phải chống lại lạm phát đang hoành hành do chi phí giá cả và năng lượng tăng cao.

EU áp thêm lệnh trừng phạt với Nga, hiệu quả ra sao? - Ảnh 2.

Dầu của Nga đã và đang được xuất sang Trung Quốc với chiết khấu cao.

Ông Ferit Temur, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và chuyên gia về các vấn đề của Nga nhận định, vẫn còn quá sớm để nói liệu các biện pháp trừng phạt có gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế hay năng lực quân sự của Nga hay không.

“Các biện pháp trừng phạt thường phát huy hết tác dụng trong trung và dài hạn,” ông Temur nói với The Epoch Times và nhấn mạnh các đồng minh phương Tây của Kiev đang đi đúng hướng về chính sách trừng phạt tập thể của họ. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian trước khi tác động của các biện pháp trừng phạt trở nên rõ ràng.

Chuyên gia này nói thêm, nhiều người ở phương Tây vẫn nhìn nhận nước Nga trong khuôn khổ hiểu biết của họ và đánh giá nước này một cách hời hợt dựa trên một số dữ liệu kinh tế vĩ mô nhất định. Các chỉ số như GDP, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ giá hối đoái của đồng Rúp không thực sự cho thấy những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Nga. Nhưng một số chỉ số khác, chẳng hạn như sản lượng công nghiệp và doanh thu xuất khẩu năng lượng sẽ cung cấp một bức tranh chi tiết hơn nhiều về tác động của các biện pháp trừng phạt.

Do đó, giới quan sát cho rằng, trọng tâm chính trong năm 2023 của các nước phương Tây không nên là áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới, mà là giám sát việc tuân thủ các lệnh trừng phạt đã được đưa ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại