EQ quan trọng không kém IQ, muốn con phát triển chỉ số này ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên làm 4 điều sau

An Chi |

Bên cạnh IQ, trí tuệ cảm xúc EQ của trẻ ngày càng được các bậc phụ huynh quan tâm hơn.

EQ và IQ đều là hai yếu tố quan trọng và cần thiết đối với một con người. Theo các chuyên gia, để trở thành một người thành công thực sự, chúng ta cần đến 80% EQ và 20% của IQ. Chỉ số IQ cao sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình tư duy, tính toán một cách chính xác.

Chính nhờ khả năng kiểm soát cảm xúc của mình và quan trọng hơn là thấu hiểu cảm xúc với mọi người, người có EQ cao thường có tố chất làm lãnh đạo, làm việc nhóm và nhận về được nhiều sự yêu quý. Cơ hội thăng tiến của những người này cũng nhiều hơn. Đặc biệt, họ thường có cuộc sống hạnh phúc, giàu sự yêu thương...

Ngay từ nhỏ cha mẹ nên rèn luyện trí tuệ cảm xúc EQ của trẻ. Đặc biệt là 2 năm đầu đời khi trẻ đang cảm thấy choáng ngợp khám phá thế giới quan, học những thứ phức tạp hơn như nhận biết, thấu hiểu, điều khiển cảm xúc của bản thân... Dưới đây là 4 việc phụ huynh có thể làm để giúp cải thiện và nâng cao chỉ số EQ cho con mình.

1. Khuyến khích con gọi tên, thể hiện cảm xúc của mình

Khóc, cười, vui, hạnh phúc... đều là những cảm xúc trẻ có thể bộc lộ trong cuộc sống. Nếu con là một cô bé nhạy cảm, con có thể khóc nhiều hơn. Hoặc nếu con hay lo lắng, hoảng sợ, con hoàn toàn có thể bộc lộ điều đó ra ngoài. Việc cha mẹ đối diện với những biểu hiện của con như thế nào mới là điều quan trọng.

Nếu cha mẹ thường xuyên phê bình "hơi tí là khóc", hoặc "có thế thôi mà cũng rơi nước mắt là sao"... thì dần dần trẻ sẽ học cách tiết chế, giấu cảm xúc vào bên trong và không còn mạnh dạn bộc lộ suy nghĩ thật của mình với cha mẹ nữa. Việc gọi tên, khuyến khích con nói ra cảm giác của mình tưởng dễ nhưng lại rất khó.

2. Dạy con đối mặt với cảm xúc tiêu cực

Trong những năm đầu đời, khi tức giận, buồn bực trẻ thường thể hiện cảm xúc rất mạnh. Đi kèm với đó là những hành vi quá khích, ví dụ như ném đồ, đánh, cắn người khác... Bởi chúng chưa học được cách tiết chế cảm xúc của mình.

Cha mẹ hãy dạy trẻ đối mặt với những cảm xúc tiêu cực đó bằng cách tích cực. Việc đầu tiên là người lớn cần làm gương cho trẻ. Nếu cha mẹ tức giận, la hét, ném đồ đạc khi cáu giận, trẻ cũng sẽ học theo. Thay bằng cách đó, cha mẹ nên tìm 1 chỗ yên tĩnh, hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách đó và con thực hiện càng thường xuyên trẻ sẽ càng trở nên điềm tĩnh, biết điều hướng cảm xúc.

EQ quan trọng không kém IQ, muốn con phát triển chỉ số này ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên làm 4 điều sau - Ảnh 1.

3. Cho con biết rằng việc thể hiện cảm xúc không hề xấu

rước 4 – 5 tuổi, trẻ rất khó kiềm chế cảm xúc. Con có thể dễ khóc, dễ nổi giận... vì những vấn đề rất nhỏ. Cha mẹ không nên đe dọa hoặc trừng phạt trẻ vì những cảm xúc thô sơ này. Nếu đứa trẻ ở một mình trong nỗi sợ hãi, lo lắng hoặc tức giận, bộ não mỏng manh của chúng tiết ra các phân tử căng thẳng rất độc hại và ngăn cản bộ não phát triển.

Cảm xúc không nhất thiết phải được xác định là tốt hay xấu mà là một phản ứng sinh học đối với một sự kiện bên ngoài mà đứa trẻ trải qua. Lắng nghe cảm xúc bằng sự ân cần sẽ mang lại hạnh phúc tuyệt vời cho đứa trẻ vì con cảm thấy được tôn trọng, công nhận.

Cha mẹ nên cho bé biết rằng, việc bộc lộ cảm xúc của mình không hề xấu, nhưng hành vi của con đi kèm cảm xúc đó là sai. Ví dụ trẻ ném đồ khi tức giận, mẹ hãy nói với con rằng: "Con cảm thấy tức giận nhưng không được ném đồ như vậy". Đừng quát mắng trẻ ngay khi chúng làm sai, phụ huynh hãy hiểu nguyên nhân vì sao con có hành động như thế và tìm cách giải quyết.

4. Trở thành tấm gương cho bé

Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, trong đó có việc thể hiện hoặc điều chỉnh cảm xúc. Cha mẹ nên là những người biết cách kiểm soát cảm xúc, chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình hay biết chấp nhận quan điểm của người khác.

- Hiểu được cảm xúc của con: Khi trẻ lo lắng hoặc buồn phiền về điều gì đó, nhiều cha mẹ có xu hướng gạt bỏ những cảm xúc của trẻ vì không thể hiểu được tại sao một đứa trẻ được yêu chiều như thế mà vẫn không ngoan. Thế nhưng, xung quanh cuộc sống của trẻ cũng có rất nhiều điều chi phối, việc cha mẹ đồng hành, thông cảm, tôn trọng cảm xúc đó là cần thiết.

- Chấp nhận sự khác biệt của con: Khi con đưa ra một ý kiến nào đó trái lời người lớn, cha mẹ nên tìm hiểu lý do, quan sát, nhận xét điều đó đã hợp lý hay chưa thay vì phản đối một cách tiêu cực.

- Hành vi không ổn định: Cha mẹ chưa trưởng thành về cảm xúc sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi người khác hoặc các yếu tố bên ngoài. Tâm trạng của họ có thể thay đổi thường xuyên, cách họ tương tác với con cũng bị thay đổi theo. Đôi khi họ quan tâm quá mức đến cuộc sống của con nhưng có lúc lại thờ ơ, dè dặt.

Những cha mẹ không ổn định về mặt cảm xúc dễ tạo ra những đứa con không biết thể hiện cảm xúc của mình hoặc không mang lại cảm giác an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi.

Cha mẹ nên làm gương về mọi mặt để trẻ noi theo, trong đó có việc thể hiện hoặc điều chỉnh cảm xúc. Phụ huynh có thể làm gương mẫu sự đồng cảm thông qua những tương tác ngoài đời thực. Như vậy khi con gặp vấn đề tương tự, trẻ sẽ biết cách giải quyết. Mặt khác cha mẹ luôn lạc quan tích cực, trẻ cũng sẽ cảm thấy yêu đời, vui vẻ và đối phó với những khó khăn cuộc sống nhanh nhẹn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại