Các công ty công nghệ lớn như Amazon, Microsoft hay Google là những công ty trước giờ chúng ta tin tưởng giao phó những dữ liệu cá nhân cho họ quản lý. Những dữ liệu đó có thể là mail, hình ảnh,…
Nhưng trong thời đại IoT (Internet of Things) hiện nay, những công ty trên không những kiểm soát dữ liệu của chúng ta, mà còn cả tivi, tủ lạnh, điều hòa, thậm chí cả xe hơi của chúng ta.
Vậy những thông tin trên có liên quan gì đến Edge Computing? Trước mắt hãy để tôi giải thích Edge Computing là gì.
Chắc hẳn mọi người đều đã biết về Điện toán đám mây, nhưng có lẽ nên nhắc lại một chút. Điện toán đám mây hiểu đơn giản là các thông tin, sẽ được gửi lên một Trung tâm dữ liệu lớn để xử lý, xong sẽ trả về kết quả tại thiết bị cuối của người dùng.
Năm 2018, chúng ta đang ở trong kỷ nguyên của điện toán đám mây, nơi dữ liệu sẽ được xử lý tại các Trung tâm dữ liệu chứ không phải tại các thiết bị của bạn.
Chúng ta đã và đang sử dụng rất nhiều dịch vụ điện toán đám mây, ví dụ như iCloud của Apple, Google Drive của Google, Dropbox…
Một điều mà có thể bạn chưa biết, đó là các Trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho hầu hết các công ty trên thế giới, đều được cung cấp bởi chỉ bốn công ty: Amazon, Microsoft, Google và IBM.
Trong đó Amazon chiếm thị phần lớn nhất, đến 47% thị phần cung cấp dịch vụ điện toán đám mây năm 2017.
Vậy Edge Computing ra đời để làm gì ? Chúng ta hãy cùng phân tích dựa trên những khái cạnh sau để hiểu hơn về Edge Computing
Tốc độ
Một điểm yếu của điện toán đám mây là dữ liệu đó phải được gửi đến cho Trung tâm dữ liệu của Amazon hoặc Google xử lý.
Ví dụ, bạn đang soạn thảo văn bản trên Google Docs, thì mỗi lần bạn nhập một từ, thì từ đó sẽ được gửi đến Trung tâm dữ liệu của Google cách bạn hàng trăm hàng ngàn cây số.
Hoặc việc sử dụng các trợ lý ảo, khi bạn hỏi một điều gì thì trợ lý ảo phải đưa thông tin lên đám mây để xử lý, nếu đám mây bị quả tải hoặc đường truyển không tốt, có thể bạn sẽ phải đợi một thời gian sau mới nhận được câu trả lời.
Điểm yếu có thể thấy là tốc độ sẽ không đảm bảo khi phải truyền dữ liệu đi xa như vậy.
Edge Computing ra đời để giải quyết vấn đề này. Bằng cách lưu trữ và xử lý thông tin quan trọng ngay tại một trung tâm dữ liệu nhỏ trước khi nó được gửi tới trung tâm dữ liệu chính.
Chủ yếu được sử dụng để xử lý dữ liệu IoT, các thiết bị sẽ thu thập dữ liệu, thực hiện việc xử lý quan trọng tại địa phương (local) và sau đó chuyển tiếp dữ liệu tới đám mây để lưu trữ và xử lý thêm.
Với tính toán tiên tiến, thiết bị IoT sẽ chuyển dữ liệu đến một thiết bị cục bộ nhỏ. Thiết bị "trung tâm dữ liệu siêu nhỏ" này sẽ thực hiện việc xử lý trước khi chuyển dữ liệu tới Trung tâm dữ liệu ở xa.
Từ đó đảm bảo tốc độ sẽ cải thiện hơn rất nhiều, khi không phải cái gì cũng gửi lên đám mây xong phải đợi đám mây xử lý và trả về.
Bảo mật
Với Cloud Computing, dữ liệu phải được truyền đến trung tâm dữ liệu để xử lý. Việc này có thể gây ra những lỗi bảo mật nhất định, như hacker bắt được các gói tin mà bạn truyền đi.
Hiện tại hầu hết các phương thức truyền thông tin đều đã được mã hóa, nhưng cái gì cũng sẽ có những sai sót và điểm yếu, chỉ cần hacker bắt được một phần thôi họ cũng sẽ tìm cách hack toàn bộ hệ thống.
Với Edge Computing, các dữ liệu nhạy cảm, quan trọng có thể sẽ được xử lý ngay tại thiết bị nội bộ mà chưa gửi đi, từ đó có thể góp phần bảo vệ dữ liệu của bạn tốt hơn.
Băng thông
Việc hàng tỷ các thiết bị IoT kết nối vào mạng, từ đó truyền tải một dữ liệu khổng lồ đến Trung tâm dữ liệu chính sẽ dẫn đến hai vấn đề, một là sẽ tốn dung lượng băng thông đáng kể, lượng dữ liệu nhiều cũng đồng nghĩa với tốc độ sẽ chậm hơn.
Hai là sẽ xảy ra tình trạng "nghẽn cổ chai", khi có quá nhiều dữ liệu được đẩy đến các Trung tâm dữ liệu của Amazon hay Google, dẫn đến khả năng lỗi hoặc kết quả sẽ bị xử lý và trả về chậm.
Việc áp dụng Edge Computing sẽ giải quyết được vấn đề này. Như đã nói ở trên, một phần thông tin quan trọng hoặc cần thiết đã được xử lý tại các trung tâm dữ liệu nhỏ nội bộ hoặc chính thiết bị.
Dẫn đến số thông tin chuyển đến Trung tâm dữ liệu chính sẽ nhỏ lại, băng thông sẽ được giảm xuống và tốc độ truyển tải sẽ nhanh hơn.
Một ví dụ cụ thể, như bạn mua một camera an ninh. Nếu nhà bạn có vài chiếc như vậy, và bạn muốn tất cả những đoạn video đều phải được lưu lên một đám mây, để bạn có thể xem lại bất cứ lúc nào thì điều này sẽ gây ra tắc nghẽn băng thông, vì dung lượng của video rất là lớn.
Nếu áp dụng Edge Computing, thì chiếc camera của bạn sẽ xử lý những cảnh quay, và chỉ truyền lên đám mây những đoạn video quan trọng, ví dụ như có một vật thể chuyển động chẳng hạn, từ đó giúp đường truyền nhà bạn sẽ thông thoáng hơn rất nhiều.
Nhìn chung lại, Edge Computing đã mang đến những lợi ích rất lớn cho kỷ nguyên kết nối vạn vật hiện nay.
Xe tự lái, nếu như dữ liệu truyền lên đám mây và nhận về chậm một vài giây thôi, tai nạn có thể xảy ra. Giám sát các động cơ phản lực, hay điều khiển thiết bị bay, chỉ cần chậm một giây thôi, hậu quả sẽ rất khôn lường.
Với sự tăng trưởng chóng mặt các thiết bị IoT được giới thiệu hằng năm, việc áp dụng Edge Computing sẽ mang lại những bước phát triển vượt bậc trong việc tăng tốc cách dữ liệu được xử lý và vận chuyển.
Lợi ích của nó cũng rất thú vị như công nghệ điện toán đám mây, tuy nhiên phải cần một thời gian nữa để Edge Computing có thể được hoàn thiện và áp dụng rộng rãi
Theo The Verge