"eBay" đặc biệt và giao thức bí mật giúp Triều Tiên tuồn vũ khí giá rẻ khắp 4 châu

Thi Anh |

Trong khi người Nga và người Trung Quốc rời bỏ thị trường này thì Triều Tiên vẫn tiếp tục, chuyên gia về Triều Tiên nhấn mạnh.

79 hòm vũ khí dưới lớp quặng sắt

Tháng 8 năm ngoái, một nguồn tin mật từ Washington đã được gửi tới Cairo, cảnh báo về một chiếc tàu bí ẩn đang tiến về phía kênh đào Suez. Theo đó, chiếc tàu chở hàng có tên Jie Shun, treo cờ Campuchia nhưng lại khởi hành từ Triều Tiên. Thủy thủ đoàn là người Triều Tiên và những kiện hàng được phủ kín bằng vải dầu chống nước.

Mặc dù chủ sở hữu là người Triều Tiên, Jie Shun được đăng ký tại Campuchia nên được phép treo cờ Campuchia và coi Phnom Penh là cảng nhà. Sử dụng chiến thuật này, con tàu sẽ tránh được sự chú ý ở vùng biển quốc tế. Theo báo cáo của LHQ, "hệ thống truyền phát tín hiệu của con tàu bị tắt gần như cả hành trình, chỉ trừ khi đang ở khu vực đường thủy đông đúc".

eBay đặc biệt và giao thức bí mật giúp Triều Tiên tuồn vũ khí giá rẻ khắp 4 châu - Ảnh 1.

Tàu Jie Shun. Ảnh: Steven Oppeel

Tuy vậy, một tàu chở hàng có tải trọng lớn không dễ dàng bị che giấu. Các cơ quan tình báo Mỹ đã theo dõi con tàu ngay khi nó rời khỏi Triều Tiên, và sau đó tiếp tục giám sát hoạt động của nó quanh khu vực bán đảo Mã Lai và khi nó xuôi xuống hướng Tây qua biển Ả rập và vịnh Aden.

Đầu tháng 8, khi Jie Shun di chuyển qua Biển Đỏ, phía Mỹ đã truyền tin cảnh báo cho giới chức Ai Cập về 1 chiếc tàu khả nghi của Triều Tiên dự kiến sẽ tới kênh đào Suez. Con tàu chưa tới được kênh đào thì đã bị tàu hải quân của Ai Cập yêu cầu tạm dừng để kiểm tra.

Ban đầu, lô hàng có vẻ khớp với mô tả: 2.300 tấn limonit, một loại quặng sắt. Nhưng lật tấm vải phủ lên và đào xuống phía dưới lớp đá, các điều tra viên thấy rất nhiều hòm gỗ. Khi được hỏi về những chiếc thủng, thủy thủ đoàn trình ra một tờ hóa đơn đề hàng hóa bên trong là "phụ tùng máy bơm".

Tuy nhiên, bên trong 79 chiếc hòm này lại là hơn 24.000 khẩu súng chống tăng và các bộ phận tháo rời của 6.000 khẩu nữa. Toàn bộ đều lắp bản sao của loại đầu đạn tên lửa PG-7, một biến thể của Liên Xô từ những năm 1960.

Nguồn thu trong giai đoạn cấm vận

Báo cáo của Liên Hợp Quốc đã kết luận: Đây là "vụ thu giữ đạn dược lớn nhất trong lịch sử cấm vận đối với Triều Tiên". Nhưng số vũ khí này dự kiến được chuyển tới ai? Phải mất nhiều tháng, bí mật của tàu Jie Shun mới được khám phá và đó thực sự là một điều bất ngờ: Người mua chính là người Ai Cập.

Cuộc điều tra của LHQ đã phát hiện ra thỏa thuận đầy phức tạp giữa hai bên. Theo đó, các doanh nhân đã đặt một số lượng vũ khí Triều Tiên trị giá hàng triệu USD cho quân đội nước nhà trong khi nỗ lực che giấu vụ giao dịch. Thông tin này do các quan chức Mỹ và phương Tây, những người đã tiếp cận với kết quả điều tra, tiết lộ.

eBay đặc biệt và giao thức bí mật giúp Triều Tiên tuồn vũ khí giá rẻ khắp 4 châu - Ảnh 2.

Vũ khí chống tăng vác vai RPG-7. Ảnh: Kenneth Lane/US Marine Corps

Phát ngôn viên của đại sứ quán Ai Cập ở Washington khẳng định, Cairo sẽ tiếp tục tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng: Việc vận chuyển vũ khí Triều Tiên chỉ bị phanh phui khi tình báo Mỹ chỉ ra con tàu và báo cho giới chức Ai Cập thông qua kênh ngoại giao, tức là khi họ buộc phải hành động.

Hiện chưa rõ, Triều Tiên đã được thanh toán cho số vũ khí trị giá 23 triệu USD hay chưa.

Theo Washington Post, vụ việc cho thấy một điều: Buôn bán vũ khí đã trở thành nguồn thu nhập chính yếu của Triều Tiên trong giai đoạn cấm vận kinh tế.

Triều Tiên vẫn đang lặng lẽ thu lời từ việc bán các loại vũ khí thông thường và khí tài quân sự giá rẻ cho các khách hàng như Iran, Myanmar, Syria, Eritrea và cả các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Ai Cập.

Một số khách hàng đã có mối quan hệ quân sự lâu năm với Bình Nhưỡng. Số khác chỉ đang tìm cách tận dụng thị trường độc đáo mà Triều Tiên tạo ra - một dạng eBay cho các loại vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh đã qua tân trang.

Ông David Thompson, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cao cấp cho rằng, trong thời điểm các ngành kinh doanh thu lời khác bị ảnh hưởng lớn bởi cấm vận thì việc xuất khẩu mặt hàng đặc biệt này "quan trọng hơn bao giờ hết".

"eBay" của Triều Tiên

Triều Tiên đã được cấp phép sản xuất bản sao của một số loại vũ khí Trung Quốc và Nga, từ súng trường tấn công, đạn pháo cho tới tàu hải quân và xe tăng. Các xưởng vũ khí nở rộ vào năm 1960 và nhanh chóng sản xuất đủ vũ khí để cung cấp cho quân đội Triều Tiên, thậm chí còn có sản lượng dư thừa để tiêu thụ.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khách hàng của Triều Tiên đã mở rộng khắp 4 châu lục và lên tới hàng chục quốc gia, cũng như các nhóm vũ trang.

Nhu cầu mua vũ khí Triều Tiên hạ giá kéo dài sau khi Liên Xô tan rã, và thậm chí sau khi Triều Tiên bị cấm vận và cô lập kinh tế do theo đuổi chương trình hạt nhân, bà Andrea Berger, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California cho biết.

"Sự hỗ trợ của Triều Tiên tạo ra một di sản phụ thuộc", bà Berger nói.

"Loại vũ khí mà các quốc gia khách hàng vẫn sử dụng đa phần đều dựa trên thiết kế của Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh. Triều Tiên đã bắt đầu cải tiến và vượt xa so với những thiết kế ấy nhưng vẫn sẵn sàng cung cấp các bộ phận, phụ tùng và bảo trì. Trong khi người Nga và người Trung Quốc rời bỏ thị trường này thì Triều Tiên vẫn tiếp tục".

Khi cấm vận của Liên Hợp Quốc có nguy cơ xua đuổi bạn hàng của Triều Tiên, nước này đã thay đổi chiến thuật.

Những con tàu chở đạn pháo và bộ phận của xe tăng tới các cảng biển xa xôi đã đổi tên và giấy tờ đăng kiểm để có thể hoạt động dưới cờ của một quốc gia khác. Nhiều công ty mọc lên ở Trung Quốc và Malaysia để xử lý các giao dịch, không trực tiếp liên hệ với Bình Nhưỡng.

Một trang bán vũ khí trực tuyến bí ẩn tên là Glocom đăng các video quảng cáo những mặt hàng, từ thiết bị điện đài quân sự cho tới các hệ thống dẫn đường của máy bay không người lái. Mặc dù trang web này chưa từng xác nhận Triều Tiên là nguồn hàng nhưng các nhà điều tra phương Tây cho rằng đây chính là công ty của Triều Tiên.

Được biết, công ty này có trụ sở đặt tại khu "Tiểu Ấn" ở Kuala Lumpur, Malaysia.

eBay đặc biệt và giao thức bí mật giúp Triều Tiên tuồn vũ khí giá rẻ khắp 4 châu - Ảnh 3.

Tòa nhà nơi Glocom đặt văn phòng làm việc ở Kuala Lumpur. Ảnh: Reuters

Các chính khách phương Tây khẳng định: Cấm vận chắc hẳn đã khiến một số bạn hàng phải từ bỏ nhưng hoạt động mua bán bí mật vẫn diễn ra. Và đặc biệt, những khách hàng dài hạn là những nhóm vũ trang phi chính phủ như Hezbollah.

Súng trường "sản xuất ở Triều Tiên" cũng được tìm thấy bên thi thể của phiến quân IS ở Iraq và Syria. Giới chức Mỹ tin rằng các vũ khí này đã bị trộm từ kho vũ kí của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Nhiều khách hàng khác như Uganda, Congo coi Triều Tiên là một trong những nhà cung cấp phụ tùng, đạn dược giá rẻ cuối cùng cho những hệ thống vũ khí cũ hiếm khi tìm thấy trên thị trường thương mại.

Ngay cả Ai Cập, một trong những nước nhận viện trợ chính của Mỹ, cũng duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Thậm chí, hai bên còn có quan hệ quân sự trong những năm 1970.

Mặc dù Cairo đã cam kết ngừng giao dịch với Triều Tiên nhưng bà Berger nhận định, những vụ việc tương tự như vụ Jie Shun cho thấy "thói quen khó bỏ" tới mức nào, đặc biệt là khi các nhà quản lý quân sự muốn kéo dài tuổi thọ của những hệ thống vũ khí đắt đỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại