Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Thay ngựa giữa dòng” vì nhà thầu ga La Thành yếu cả chuyên môn và tài chính

KH.V |

Ban Quản lý dự án Đường sắt vừa có yêu cầu Tổng thầu EPC thay thế ngay nhà thầu thi công ga La Thành - Cty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Trường Sơn - do thiếu năng lực, không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình và tiến độ của dự án.

Theo tiến độ thi công, ga La Thành phải hoàn thành kết cấu chủ thể tầng 2, tầng 3 vào ngày 13.3.2016, chậm 40 ngày so với kế hoạch.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ga La Thành vẫn chưa hoàn thành các cầu thang bộ tầng 2 và 4 góc đỉnh tầng ke ga.

Chưa dừng lại ở đó, quan kiểm tra tại hiện trường của ga La Thành, các biện pháp an toàn lao động rất đáng báo động.

Nhà thầu chỉ lắp lưới chống bụi, không lắp lưới B40 chống vật rơi, cố tình “lờ” việc lặp đặt hệ thống lưới an toàn bao quanh toàn bộ tầng 3 của ga như đã được duyệt.

Hệ thống lan can, sàn đạp tại tầng 1 và tầng 2 có nhiều lỗ hở, thủng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người lưu thông phía dưới và cho chính các công nhân thi công.

Ngoài ra, do việc tuyển dụng nhân viên, công nhân có vấn đề, nên chất lượng nhân công yếu, việc điều hành các tổ, đội thi công của chỉ huy trưởng công trường và các cán bộ kỹ thuật của nhà thầu không sát sao, dẫn đến nhiều hạng mục phải “phá đi làm lại” nhiều lần.

Thậm chí, do yếu về năng lực tài chính nên có thời điểm nhà thầu không huy động được đủ số nhân công theo yêu cầu, không mua được các vật tư phụ trợ phục vụ cho thi công khiến tiến độ dự án bị chậm.

Với những lý do nêu trên, Ban Quản lý dự án đường sắt yêu cầu Tổng thầu EPC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm việc không đảm bảo an toàn, chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công của nhà ga La Thành bị chậm.

“Tổng thầu EPC thay thế ngay nhà thầu thi công và lựa chọn các vị thi công khác có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính đế thi công các hạng mục còn lại của nhà ga trong thời gian sớm nhất” – Lãnh đạo Ban quản lý dự án Đường sắt khẳng định.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội, chiều dài 13km.

Tuyến đường sẽ đi từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.

Dự án có 12 nhà ga gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Đại học Quốc gia, Vành đai , Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, bến xe Yên Nghĩa.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được khởi công tháng 10.2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý 1.2016 sẽ vận hành chính thức.

Ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đối với phần thi công 12 nhà ga, đến tháng 6.2016 sẽ cơ bản hoàn thành các nhà ga (trừ ga Cát Linh), tháng 9.2016 hoàn thành các phần xây lắp đồng thời lắp đặt các thiết bị và đầu tháng 10.2016 khai thác thử.

Cuối năm 2016, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chính thức đưa vào khai thác thương mại.

Tuy nhiên, với những vấn đề tồn tại nổi cộm ở dự án này, người dân có quyền nghi ngờ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khó có thể “cán đích” như dự kiến?!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại