Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã chậm tiến độ bao nhiêu năm? Nếu đem câu hỏi này hỏi người dân Hà Nội, chắc sẽ ít người nhớ được. Đơn giản bởi dự án từ khi được Cục Đường sắt Việt Nam và Cục 6 đường sắt Trung Quốc đặt bút ký hợp đồng (EPC) đến nay đã ngót 10 năm.
Vào thời điểm năm 2008, sau khi hợp đồng được ký xong, Hà Nội đã mơ, chỉ 6 năm sau, thủ đô sẽ có đường sắt trên cao.
Tuy nhiên, đến năm 2016 dự án vẫn chưa xong và tổng mức đầu tư bị đội từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD. Thời gian hoàn thành của dự án này cũng được liên tục được kéo giãn, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành, sau đó, vì thiếu tiền, dự án lại hoãn đến tận tháng 11/2018.
Hiện, có rất người quan tâm đến sự hiện của những toa tàu sặc sỡ đã được kéo về và nằm im trên đường ray từ nhiều tháng qua.
Có vô số lý do được viện ra để giải trình về những đợt vỡ kế hoạch của dự án này, đầu tiên là thiếu mặt bằng sạch để thi công, sau đó là điệp khúc thiếu vốn, tiếp đến là tai nạn liên miên nên dự án buộc phải dừng lại để thanh kiểm tra, rồi tiếp nữa là bài ca thiếu vốn, xin tăng vốn…
Đường sắt trên cao như trò chơi cút bắt như thách thức, "trêu ngươi" sự kiên nhẫn của người dân Hà Nội.
Nhưng trò cút bắt này không hề vui. Từ khi dự án được triển khai đã có nhiều những vụ tai nạn rất thương tâm xảy ra.
Tháng 10/2016, một công nhân đang làm việc trên cao đã bất ngờ xuống đất tử vong, trước đó, tháng 11/2014, một cuộn sắt thép đang được cẩu lên cao cũng bất ngờ đứt dây văng xuống khiến người dân đi đường thiệt mạng; tháng 12/2014, hơn 80 tấn bê tông bất ngờ sập xuống suýt chút nữa thành mồ chôn 1 chiếc taxi với 4 nhân mạng bên trong…
Vụ tai nạn chết người xảy ra năm 2014 tại Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Không chỉ thấp thỏm lo tai nạn, khi dự án được thi công, hàng trăm cây xà cừ cổ thụ đã bị chặt bỏ. Người Hà Nội chấp nhận phải hy sinh hàng cây cho bóng mát, chấp nhận phơi mình trong mùa hè nắng như đổ lửa để mong sao một ngày nào đó, tuyến đường sắt mơ ước sẽ được hoàn thành, dù cho nó có chạy ù ì chậm chạp cũng được.
Những hàng xà cừ cổ thụ đã buộc phải chặt hạ để nhường chỗ cho dự án
Nhưng mong ước nhiều thì thất vọng lắm, đến nay đường sắt trên cao vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt.
Đêm trước, con tàu mơ ước đã bị ai đó lẻn vào vẽ nhằng nhịt khắp nơi. Hình ảnh đoàn tàu chưa kịp chuyển bánh nhưng đã trở thành chỗ để các "nghệ sĩ" đường phố thể hiện khả năng vẽ bậy thực sự là nỗi đau xót rất lớn.
Một dự án đã tiêu tốn quá nhiều tiền của, tiêu tốn quá nhiều công sức, tiêu tốn sự hy sinh, và cả niềm tin của người dân thủ đô nhưng giờ trở thành chỗ để bỡn cợt của những người thích đùa.
Chắc chắn, hành vi phá hoại tài sản công như thế này sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Cơ quan chức năng đang tích cực điều tra để đưa những kẻ phá hoại siêu dự án ra trình diện trước pháp luật.
Nhưng những người có trách nhiệm với dự án này sẽ phải nói gì với người dân Hà Nội và người dân cả nước? Chắc chắn, đó không nên là những lời hứa, lời cam kết, cam đoan hú họa, à uôm nào nữa.
Một câu thôi, bao giờ dự án có thể hoàn thành, 2 năm, 3 năm, hoặc thậm chí 5 năm nữa cũng được. Người dân đã đợi mỏi mòn, nay nếu phải đợi thêm một vài năm nữa chắc sẽ cố gắng để chờ.
Nhưng sau mốc thời gian tự hứa này, nếu tàu không thể vận hành, cá nhân hay tập thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm của họ sẽ được thể hiện như thế nào cho tương xứng với việc vỡ tiến độ mà họ đã cam kết?
Người dân, người tham gia giao thông không thể biết và không cần biết những vướng mắc mang tính vĩ mô, pháp lý quốc tế liên quan đến việc giải ngân nguồn vốn của dự án; cũng không ai muốn nghe thêm về những thông số kỹ thuật cần thay đổi hiệu chỉnh…
Cái họ cần là một đoàn tàu, một đoàn tàu chở được khách, một đoàn tàu sạch sẽ, an toàn chứ không phải những toa tàu nằm im lìm trong ga từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác.
Xin được nhắc lại, đây là dự án có số vốn hàng trăm triệu USD, tuyệt đối không phải chỗ để ai đó ngứa tay vẽ bậy, đùa vui.