“Đường cong hạnh phúc”: Cẩm nang nhân văn, hướng dẫn tìm lại hạnh phúc tuổi trung niên

Hà My |

Trong cuốn sách “Đường cong hạnh phúc” đầy chất nhân văn, hấp dẫn và tương đối dễ đọc, tác giả Jonathan sẽ giúp độc giả nhận biết khu rừng âm u phiền muộn của con người ở độ tuổi trung niên, cũng như cách thức để có thể băng qua nhanh hơn khu rừng đó, tìm lại hạnh phúc trong cuộc sống.

Giai đoạn tinh thần xuống dốc tự nhiên của con người

Sau những năm tháng học hành, làm việc sôi nổi thời tuổi trẻ, năm 33 tuổi, Karl tìm được công việc tốt trong một cơ quan của chính phủ. Một năm sau anh kết hôn. Năm 36 tuổi anh có đứa con đầu lòng, 39 tuổi có đứa con thứ hai.

Karl không có thời gian dành cho khủng hoảng tuổi trung niên, vì đến năm 40, ngoài hai đứa con đầu vợ chồng anh tiếp tục có thêm một bé sơ sinh nữa. Nhưng chỉ trong chốc lát, anh lại thấy có gì không ổn. "Có vẻ như phần lớn cuộc sống của tôi chỉ dùng để đi làm một công việc mà tôi ngày càng bất mãn, hoặc phải về nhà thay tã cho con, rồi lại lao đầu vào công việc". Karl cảm thấy mình phải thay đổi, anh ứng tuyển vào vị trí quản lý cao hơn, rồi chuyển việc sang một tổ chức phi chính phủ.

Ở tuổi 45, Karl có sự nghiệp thành đạt ở một tổ chức phi lợi nhuận tại một thành phố lớn ở Mỹ. Anh đã có bằng tiến sĩ, cuộc hôn nhân đầm ấm, dù không hẳn là hoàn hảo và ba đứa con. Karl rất sôi nổi, hoàn toàn bình thường, không hề bị trầm cảm xét theo khía cạnh lâm sàng hoặc chuyên môn. Xét trên nhiều phương diện, anh đã đạt được cuộc sống mơ ước của mình. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, Karl thấy mình hoang mang và sợ hãi "như bị lạc giữa biển khơi, không biết bến bờ ở đâu và liệu có đi đến được đó hay không" mà không rõ nguyên do.

Giống như Karl, Dominic trưởng thành từ một trang trại nông thôn, tốt nghiệp 2 trường đại học danh giá trên thế giới. Tuổi 30, anh gánh vác nhiều trách nhiệm, làm việc cật lực, đổi lại là mức thu nhập hấp dẫn. 40 tuổi, Dominic quyết định nhảy sang lĩnh vực phi lợi nhuận. Anh yêu khách hàng, quý mến đồng nghiệp. Cảm giác nghi hoặc dồn nén trong anh hoàn toàn biến mất; tuy vậy Dominic vẫn chưa cảm thấy hài lòng. "Dù xét theo tiêu chí nào, tôi đều đã thành công. Tuy nhiên tôi bắt đầu quan sát một người bạn của tôi vừa đạt giải McArthur, một người bạn khác thì lên làm thẩm phán liên bang. Bạn bất chợt nhận ra bạn bè của mình đạt được những vị trí khác nhau trong công việc và xã hội. Trong khi con đường sự nghiệp của bạn lại không đem lại những thành quả ấy. Khi bước sang tuổi tứ tuần, tôi đã có chút hậm hực, ấm ức vì chuyện đó".

Theo Jonathan Rauch, tác giả cuốn sách "Đường cong hạnh phúc", Karl và Dominic là ví dụ điển hình cho hàng triệu triệu người cảm thấy tinh thần mình bị đi xuống khi bước vào tuổi trung niên.

Tiếp tục dẫn dắt độc giả đi qua hàng loạt nghiên cứu của các nhà kinh tế, tâm lý, thần kinh học nổi tiếng thế giới, Jonathan Rauch đã chứng minh: mức độ cảm nhận hạnh phúc của phần lớn mọi người thay đổi theo quỹ đạo hình chữ U – đường cong hạnh phúc- giảm dần từ tuổi trẻ đầy lạc quan, chạm đáy và bế tắc trong thời gian dài ở tuổi trung niên, rồi tăng lên từ những năm 50 tuổi.

Đây là một hiện tượng, giai đoạn hoàn toàn bình thường, tự nhiên, tương tự như giai đoạn dậy thì nổi loạn trong cuộc sống của mỗi người. Gây ra tâm lý chán nản, bế tắc ở giai đoạn này có một số nguyên nhân, nhưng tiêu biểu nhất là tâm lý luôn so sánh và cảm thấy mình thất bại/ bất hạnh hơn những người thành công khác. Vào thời điểm lẽ ra phải tận hưởng những thành quả của mình, nhiều người lại hoài nghi rồi chối bỏ chúng và cảm thấy bất mãn ngay cả khi bản thân có nhiều thành tựu đáng để thỏa mãn.

“Đường cong hạnh phúc”: Cẩm nang nhân văn, hướng dẫn tìm lại hạnh phúc tuổi trung niên - Ảnh 1.

Hành trình tìm lại hạnh phúc

Tác giả "Đường cong hạnh phúc" cho biết: các nhà nghiên cứu đã khẳng định đằng sau vùng bế tắc tuổi trung niên thật ra là "một bước ngoặt, là sự thay đổi khuynh hướng cảm xúc". Hầu như chúng ta không nhận thấy hệ giá trị của mình đã thay đổi, các kỳ vọng được điều chỉnh, bộ não được tái tổ chức. Tất cả tạo nên bước tiến trong giai đoạn hậu trung niên và sau đó là niềm hạnh phúc đáng ngạc nhiên ở tuổi già.

Như vậy nếu chờ đợi thì thời gian sẽ giúp mỗi người vượt qua được vùng bế tắc này. Tuy nhiên, trong cuốn sách hấp dẫn này, tác giả Jonathan không những giúp mỗi người nhận rõ giai đoạn bế tắc tất yếu của tuổi trung niên; mà ông còn giúp độc giả định nghĩa lại một cách đúng đắn khái niệm hạnh phúc; cũng như đưa ra những biện pháp hữu hiệu giúp mọi người có thể vượt qua nhanh nhất giai đoạn chán nản này.

Biết ơn, trân trọng những gì mình đã đạt được, hạ bớt lòng tự tôn, bớt lệ thuộc vào cách nhìn nhận/ đánh giá của người khác là lời khuyên đầu tiên tác giả chắt lọc được và gửi đến độc giả.

Xây dựng lòng tin, nuôi dưỡng các mối quan hệ và những dạng hỗ trợ xã hội khác là giải pháp hữu ích thứ hai mà tác giả đề xuất. Bởi thực tế, con người có đặc tính xã hội rất lớn. Tác nhân quan trọng nhất quyết định hạnh phúc của mỗi người chính là xã hội chứ không phải là vật chất. Sự quan tâm của con người tới tiền bạc không phải vì khả năng mua bán, trao đổi của nó, mà là vì vị thế của nó mang lại cho người đó so với những người xung quanh và bạn bè đồng trang lứa. Do đó, đây sẽ là một giải pháp hiệu quả giúp mọi người có được hạnh phúc, đặc biệt là những người lứa tuổi trung niên…

Thành tựu y học hiện đại và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã giúp kéo dài tuổi thọ của con người trung bình thêm 10 năm, và tương lai sẽ còn kéo dài thêm nữa. Và những hướng dẫn trong các cuốn sách đầy chất nhân văn như "Đường cong hạnh phúc" sẽ giúp mỗi người có thể nhanh chóng vượt qua giai đoạn ì trệ, bế tắc trên đường đời, kéo dài thêm thời gian được sống trong hạnh phúc trọn vẹn và thêm tin vào tương lai tươi sáng.

"Đường cong hạnh phúc" vì vậy là một cuốn sách đáng đọc không chỉ với những người đang ở lứa tuổi trung niên, mà cả những người đang ở giai đoạn trưởng thành, để có chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn kế tiếp của cuộc đời. Những người đã ở tuổi "xế bóng về chiều" nhưng chậm chạp chưa tìm lại được hạnh phúc của cuộc sống cũng có thể tìm thấy ở trong cuốn sách kim chỉ nam đúng đắn.

Nhận xét về cuốn sách, tác giả sách bán chạy của New York Time, Tyler Cowen, viết: "Bạn có muốn hiểu rõ quỹ đạo cuộc đời mình không? Tại sao sau này bạn có thể hạnh phúc hơn bây giờ? Nếu bạn đang trăn trở về những câu hỏi này, thì ‘Đường cong hạnh phúc’ chính là xuất phát điểm phù hợp để bạn bắt đầu tìm hiểu. Và tôi mạnh dạn cam đoan rằng: niềm hạnh phúc thăng hoa sau tuổi trung niên là hoàn toàn có thật".

Jonathan Rauch là nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Brooking, Washington, DC. Ông là tác giả của một số cuốn sách và nhiều bài báo về các chủ đề đa dạng như chính sách công, văn hóa, chính phủ trên các tờ báo danh tiếng như: New York Time, Wall Street Journal, The Washington Post. "Đường cong hạnh phúc" là cuốn sách nổi bật trong sự nghiệp của ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại