Phó giáo sư tâm lý học Rhea Owens tại Đại học Minnesota Duluth đã thực hiện các nghiên cứu về can thiệp tâm lý tích cực. Khi những điều tốt (hoặc xấu) xảy ra, chúng ta cảm thấy mức độ hạnh phúc ban đầu sẽ tăng lên hoặc giảm xuống. Và để duy trì những cảm xúc tích cực đó, ta cần phải nỗ lực một chút.
Ông Sanjay Kumar, giám đốc bộ phận nghiên cứu nhận thức và hạnh phúc tại Trung tâm Fish Interfaith tại Đại học Chapman ở Orange, California cho biết: "Bộ não của chúng ta phát triển về mặt sinh học để tồn tại chứ không phải hạnh phúc. Ông nói thêm, tâm trí con người "ưu tiên ghi nhớ những cảm xúc tiêu cực hơn là những thứ tích cực, như là một cách để chúng ta dự đoán những mối đe dọa tiềm ẩn trong cuộc sống"
Mặc dù đó là một phần của quá trình tiến hóa tự nhiên nhưng lo lắng thái quá là không tốt cho sức khỏe tâm lý.
3 quan niệm sai lầm về hạnh phúc
1. Hạnh phúc nghĩa là không có cảm xúc tiêu cực
Bạn có tin không, ai đó có thể cười nói cả ngày nhưng họ vẫn không vui vẻ. Hạnh phúc không có nghĩa là bày tỏ niềm vui 24/7. Bạn không cần phải vô cảm trước những cảm giác tiêu cực mới có được hạnh phúc thực sự.
Nếu bạn muốn trau dồi khả năng của mình để sống và phát triển, thì bạn cần phải bỏ qua lầm tưởng rằng hạnh phúc là sự vắng mặt của những cảm xúc tiêu cực. Tất nhiên, những cảm xúc này khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, chúng cũng có mặt tốt. Những cảm giác tiêu cực này đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo cho bạn biết những điều sai trái và cách bạn có thể thay đổi chúng.
2. Thành công đi kèm với hạnh phúc
Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng bị ám ảnh bởi sự thành công. Mọi người đều đang làm việc chăm chỉ để nổi tiếng, kiếm thật nhiều tiền và trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công và giàu có nhưng không hề hạnh phúc.
Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy phấn khích với những chiến thắng, nhưng cảm giác đó cũng sẽ mất dần sau một thời gian. Đến thời điểm đó, nổi tiếng hay có nhiều tiền hơn cũng không khiến bạn hạnh phúc, còn chưa kể đến những rắc rối đi kèm với sự giàu có và nổi tiếng ấy.
3. Chỉ có một con đường tìm kiếm hạnh phúc
Điều này rất dễ hiểu: điều khiến bạn hạnh phúc không giống điều khiến người khác hạnh phúc. Mọi người lầm tưởng rằng tất cả chúng ta đều muốn những điều giống nhau. Nhưng mỗi người đều là duy nhất và điều làm nên hạnh phúc của mỗi người cũng là độc nhất vô nhị.
3 điều cần thực hiện mỗi ngày để hạnh phúc hơn
1. Đừng tự tạo áp lực cho bản thân
Nhà tâm lý học Shannon South đến từ Asheville, North Carolina nói "Nếu bạn không cho phép mình cảm thấy hạnh phúc vì lo lắng rằng bản thân sẽ thất vọng bởi những tin xấu trong tương lai, thì điều đó cũng không sao cả. Đây được gọi là chủ nghĩa bi quan phòng thủ và nó có thể giúp mọi người cảm thấy kiểm soát được tình huống xấu hơn". Cũng giống như việc trong giai đoạn đại dịch này. Nếu bạn không muốn xem những hình ảnh bạn bè đã được tiêm vắc-xin Covid 19 trên mạng xã hội thì cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Hãy trân trọng và tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống hàng ngày
Chắc chắn bạn sẽ tận hưởng khoảnh khắc ngọt ngào khi được gặp lại bạn bè, người thân sau một khoảng thời gian dài xa cách. Nhưng cũng có rất nhiều niềm vui giản đơn khác trong cuộc sống hàng ngày. Mùa xuân dường như mà mùa đặc biệt khi luôn tràn ngập những khoảnh khắc tuyệt vời để tận hưởng, chỉ đơn giản như ngắm nhìn dàn hoa nở rộ hoặc cảm nhận ánh nắng của ngày xuân. Bạn nên dành thời gian để tận hưởng những điều tốt đẹp, dù là nhỏ nhặt nhất, xảy đến trong cuộc sống.
2. Hãy luôn biết ơn và sống tử tế
Những hành động tử tế có xu hướng giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Xã hội Thực nghiệm năm 2018 cho thấy chỉ số hạnh phúc tăng lên tương đối khiêm tốn khi ta giúp đỡ mọi người xung quanh, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của nó.
Một nghiên cứu tại Đại học California, được công bố trên Tạp chí Tâm lý Tích cực Riverside năm 2021, cho thấy việc nghĩ về những hành động tử tế đã làm trong quá khứ cũng mang đến sự hạnh phúc giống như ta làm chúng ở hiện tại. Nếu bạn đang gặp khó khăn và không thể ra ngoài để giúp đỡ mọi người, hãy thử nghĩ lại khoảng thời gian bạn đã làm những việc đó trong quá khứ.
3. Sắp xếp thời gian biểu cho các hoạt động yêu thích
Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết khi nào các buổi hòa nhạc, các bữa tiệc lớn và các hoạt động ưa thích khác sẽ được tổ chức trở lại trong thời kỳ đại dịch. Nhưng việc lên lịch cho một số hoạt động đó có thể giúp bạn duy trì sự lạc quan. Trên thực tế, chuẩn bị cho một sự kiện đôi khi cũng thú vị như đang tham gia vào chính hoạt động đó. Có lẽ còn quá sớm để suy nghĩ đến việc tổ chức một bữa tiệc lớn. Thay vào đó, bạn có thể học nấu ăn để chuẩn bị thực đơn cho buổi tiệc. Và cho đến khi buổi tiệc được tổ chức, đừng quên tận hưởng trọn vẹn những giây phút tuyệt vời và đó chắc chắn sẽ không chỉ là sự vui vẻ thoáng qua.