Đuổi việc nhân viên vì về quê lo đám tang cha, công ty Trung Quốc phải bồi thường

Minh Thu |

Bị công ty đuổi việc sau khi về quê lo đám tang cho cha đẻ, nam nhân viên Trung Quốc quyết định đi kiện và công ty đã phải bồi thường.

Tranh cãi sau vụ việc công ty Trung Quốc đuổi việc nhân viên về quê lo đám tang cha. (Ảnh: Reuters)

Tranh cãi sau vụ việc công ty Trung Quốc đuổi việc nhân viên về quê lo đám tang cha. (Ảnh: Reuters)

Bị công ty đuổi việc sau khi về quê lo đám tang cho cha đẻ, nam nhân viên Trung Quốc quyết định đi kiện và công ty đã phải bồi thường.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một nam nhân viên bị ông chủ sa thải vì về quê làm lễ tang cho cha và một phụ nữ bị mất việc chỉ vì từ chối ở lại muộn để tập nhảy cho buổi tiệc thường niên của công ty là 2 sự việc tranh chấp lao động đang nhận được sự chú ý từ dư luận Trung Quốc.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra bất bình trước việc nhiều lao động đang phải làm việc tới kiệt sức. Thậm chí, không ít người bị biến thành nô lệ cho các ông chủ khi họ phải làm theo những việc ông chủ yêu cầu bất chấp hậu quả là gì.

Hôm 31/1, Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Sơn Đông đã cho công bố thông tin chi tiết tới vụ tranh chấp lao động giữa một nhân viên an ninh làm việc ở Thượng Hải có tên Lu Yunsheng với công ty người này từng làm việc.

Theo đó, anh Lu đã xin công ty cho nghỉ làm để về quê thăm cha bị ốm hồi tháng 1/2020. Bất chấp công ty không cho nghỉ, anh Lu vẫn về nhà thăm người thân. Khi về quê, bố anh Lu đã qua đời và anh này ở lại nhà vài ngày để lo đám tang cho cha mình. Khi anh Lu trở lại công ty, anh đã bị sa thải sau vài tuần với lý do “nghỉ làm không có lý do chính đáng”.

Thẩm phán ra phán quyết nhấn mạnh, công ty đuổi việc anh Lu là trái luật và yêu cầu công ty bồi thường cho nam nhân viên. Song công ty này không phục mà quyết định kiện anh Lu hai lần, nhưng đều thất bại.

“Người sử dụng lao động cần phải cảm thông với những khó khăn và bất hạnh của nhân viên mình”, phán quyết từ tòa án cho hay.

Còn ở thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, một nữ nhân viên thẩm mỹ 36 tuổi mang họ Wang được yêu cầu ở lại muộn để tập nhảy cho buổi tiệc thường niên của công ty. Nhưng đã quá mệt mỏi sau ngày dài làm việc, cô Wang từ chối ở lại công ty.

Sau đó, người quản lý của Wang đã báo cáo sự việc với ban giám đốc thông qua nhóm WeChat. Cô Wang đã biện minh rằng, việc sắp xếp tập nhảy sau giờ là làm không phù hợp và hoạt động này cần có lịch trình rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vài ngày sau, cô Wang nhận được quyết định đuổi việc “vì không nghe lời quản lý”.

Vụ tranh chấp lao động của cô Wang tới nay chưa được giải quyết, nhưng sự việc đã nhận được hơn 360 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo. Nhiều người đặt ra câu hỏi nên hay không nên từ chối yêu cầu của cấp trên sau giờ làm.

“Theo luật lao động, thời gian của người lao động sau giờ làm là khoảng thời gian cá nhân. Điều đó có nghĩa họ không cần trả lời tin nhắn liên quan tới công việc sau giờ làm, nhưng nếu muốn phát triển sự nghiệp, chuyện này không hề đơn giản”, hay “Tôi ký hợp đồng làm việc với công ty, chứ không phải là để bị biến thành nô lệ”, là 2 trong số bình luận của cư dân mạng Trung Quốc.

Văn hóa làm việc khắc nghiệt của Trung Quốc trở thành đề tài tranh luận gay gắt thời gian gần đây, sau khi một nữ nhân viên 22 tuổi làm việc tại tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Pinduoduo qua đời hồi tháng 12/2020. Cô này đã bị đột quỵ khi đang đi bộ về nhà sau ca đêm và sau đó được xác định đã tử vong.

Trong các công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh và những công ty mới khởi nghiệp, điều kiện làm việc khắc nghiệt thường được gọi là “996”. Nghĩa là người lao động làm việc từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối 6 ngày trong tuần. Điều này khiến người lao động chỉ có thể chú tâm vào công việc, chứ không thể nghĩ tới những chuyện khác.

Ngay cả tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba cũng đã công khai ủng hộ văn hóa 996.

“Nhiều công ty và nhiều người không có cơ hội được làm việc 996. Nếu bạn không làm việc theo mô hình 996 khi còn trẻ, vậy khi nào bạn có thể làm việc 996? Bạn muốn giành được thành công bằng cách nào nếu như không bỏ ra thêm thời gian và công sức?”, ông Ma nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chính quyền tại một số địa phương ở Trung Quốc cho biết họ đang cố gắng giải quyết những vấn đề liên quan tới văn hóa 996 ở các công ty.

Cụ thể, hồi tháng 12/2020, thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông đã ban hành bộ luật mới nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân mà trong đó yêu cầu người sử dụng lao động tôn trọng khoảng thời gian sau giờ làm của nhân viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại